Tung "combo" khuyến mãi kèm ưu đãi lãi suất để tăng huy động
Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đầu tháng 12/2018, mặt bằng lãi suất huy động VND phổ biến ở mức 0,6-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng, kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng, lãi suất áp dụng từ 4,3-5,5%/năm, từ 6 tháng đến dưới 12 tháng được áp dụng mức lãi suất 5,3-6,5%/năm và từ 12 tháng trở lên ở mức 6,5-7,3%/năm.
Thực tế tại các ngân hàng, lãi suất được điều chỉnh tăng ở mức cao. Chẳng hạn, tại SHB, với kỳ hạn từ 18 tháng trở lên và số tiền gửi từ 2 tỷ đồng trở lên sẽ được hưởng lãi suất 8,7%/năm, còn dưới 2 tỷ đồng là 8,6%/năm.
Trước đó, mức lãi suất cao nhất từng được áp dụng tại VPBank là 8,5%/năm ở kỳ hạn 13 tháng và 8,6%/năm ở kỳ hạn từ 18 tháng trở lên.
Đối với các kỳ hạn ngắn, do vướng trần lãi suất huy động nên nhiều ngân hàng đưa ra nhiều ưu đãi, khuyến mãi, thậm chí còn cộng thêm biên độ lãi suất từ 0,3-0,5%/năm để tăng khả năng thu hút người gửi tiền.
Đơn cử, tại VietABank, Viet Capital Bank…, tổng mức lãi suất huy động áp dụng cho kỳ hạn 1 tháng là 5,5%/năm, trong khi mức trần là 5%.
Mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm đang tăng dần khi cận kề Tết Nguyên Đán, nên dường như việc áp trần lãi suất không còn nhiều tác dụng.
Theo quy định, lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn ngắn từ 5 tháng trở xuống được áp mức trần là 5%/năm, còn lãi suất huy động tiền gửi kỳ hạn dài ngày do đã được gỡ bỏ mức trần nên các ngân hàng có thể cân đối trong việc tăng lãi suất huy động.
Việc chi phí đầu vào tăng làm tăng thêm gánh nặng cho ngân hàng, nên lãi suất đầu ra sẽ khó giữ nguyên, thậm chí có thể tăng mạnh, nhất là với những lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán...
Thực tế, tại hầu hết các ngân hàng, lãi suất cho cá nhân vay mua nhà hiện đã tăng 1-1,5%/năm so với hồi đầu năm.
Nguyên nhân khiến các ngân hàng chạy đua huy động vốn kỳ hạn dài là để cơ cấu lại nguồn vốn theo quy định Thông tư 19/2017/TT-NHNN về giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn.
Với kỳ hạn ngắn, lãi suất cũng khó giữ nguyên trước áp lực tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hay nhu cầu vốn tăng cao dịp lễ, tết.
Hiện tại, ngoài tăng lãi suất, các ngân hàng còn đẩy mạnh phát hành trái phiếu với lãi suất ở mức cao từ 7,4-8%/năm nhằm tăng cường khả năng huy động vốn, qua đó nâng hệ số an toàn vốn (CAR) để đáp ứng tiêu chuẩn Basel II.
Chi phí đầu vào tăng, lãi suất đầu ra khó giữ
Trong lần chia sẻ với báo giới mới đây, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, tăng trưởng tín dụng của toàn ngành năm nay được dự báo ở dưới mức 16%, thấp hơn kế hoạch ban đầu là 17-18%; nợ xấu tính đến hết tháng 11 đã giảm mạnh và được kiểm soát ở mức 2,16%; lạm phát bình quân trong 11 tháng đầu năm ở mức 3,59%, dưới mục tiêu 4% mà Chính phủ đề ra từ đầu năm...
Trong bối cảnh các yếu tố vĩ mô vẫn tích cực, các ngân hàng vẫn tăng lãi suất huy động tiền gửi đầu vào.
Việc chi phí đầu vào tăng làm tăng thêm gánh nặng cho ngân hàng, nên lãi suất đầu ra sẽ khó giữ nguyên, thậm chí có thể tăng mạnh, nhất là với những lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán...
Thực tế, tại hầu hết các ngân hàng, lãi suất cho cá nhân vay mua nhà hiện đã tăng 1-1,5%/năm so với hồi đầu năm.
Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần có trụ sở tại TP. HCM cho biết, vì không được mở rộng tín dụng trung, dài hạn khi đầu năm tới phải giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn từ mức 45% hiện nay xuống 40%, nên ngân hàng ông đã chủ động tăng lãi suất đối với cá nhân vay mua nhà.
Mặt khác, do chi phí đầu vào đang tăng theo xu hướng lãi suất nên cho vay cũng phải tăng thì mới có thể cân bằng được chi phí. Được biết, lãi suất cho vay mua nhà tại ngân hàng này hiện ở mức 13%/năm, tăng 1% so với hồi đầu năm.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA), lãi suất 11 tháng đầu năm tại TP. HCM tương đối ổn định, nhưng sang tháng 12, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng trở lên ở tất cả 31 ngân hàng thương mại đều tăng.
Trong đó, 11 ngân hàng có lãi suất tiền gửi ở mức cao từ 8-8,6%/năm, điều này tác động lên mặt bằng lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp, nhà đầu tư, người mua nhà.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN - Chi nhánh TP. HCM cho rằng, việc giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn từ đầu năm 2019 buộc các ngân hàng phải cân đối, cơ cấu lại nguồn vốn.
Tốc độ tăng huy động vốn tại nhiều ngân hàng đang thấp hơn tốc độ tăng tín dụng từ đầu năm đến nay khiến các ngân hàng phải đẩy mạnh phát hành trái phiếu để có thêm nguồn đầu vào.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, dù là kênh huy động vốn trung - dài hạn khả dĩ, nhưng việc các ngân hàng ồ ạt phát hành trái phiếu cũng tạo áp lực tăng lãi suất trong thời gian tới.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV phân tích, việc các ngân hàng phát hành trái phiếu nhằm giải quyết nhu cầu thanh khoản, nhất là thời điểm cuối năm khi nhu cầu vốn tăng cao.
Để đưa mặt bằng lãi suất giảm trở lại, theo TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế - tài chính, bên cạnh thị trường trái phiếu chính phủ, cần sớm thành lập và đưa vào hoạt động thị trường trái phiếu doanh nghiệp để tăng khả năng huy động vốn qua thị trường này, giảm phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng.
"Về ổn định vĩ mô, nếu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đến cuối năm nay và đầu năm tới được kiểm soát ở mức 4%, hay nói cách khác là tiếp tục kiểm soát lạm phát ở mức thấp thì có thể duy trì được mức lãi suất như hiện nay, nếu không lãi suất sẽ khó đứng yên", TS. Lịch nhấn mạnh.
Tổng giám đốc một ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam cho rằng, lãi suất thường tỷ lệ thuận với lạm phát. Nếu lạm phát được kiểm soát ở mức thấp sẽ giúp giảm được lãi suất và ngược lại.
"Mục tiêu của Chính phủ là tiếp tục ổn định mặt bằng lãi suất, nhưng trong bối cảnh thị trường tiền tệ thế giới biến động khó lường, cộng thêm áp lực từ kế hoạch tăng lãi suất USD của Fed trong năm 2019, lãi suất tiền đồng thời gian tới nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng lên", vị này nhận định.