Lãi suất có thể ... cố giảm 0,5%

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng: “Nếu cố gắng lắm, khả năng hạ thêm lãi suất điều hành cũng chỉ được 0,5%”.
Ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)

Ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)

Tỷ giá đã tăng vượt mức 24.000 đồng/USD trong bối cảnh lãi suất VND giảm, trong khi chỉ số USD-Index tăng cao. Dường như việc tiếp tục hạ lãi suất để hỗ trợ kinh tế là một thách thức lớn?

Ở góc độ khách quan, có thể nói lãi suất điều hành đã được giảm sâu và nếu cố gắng lắm, khả năng hạ thêm lãi suất cũng chỉ được 0,5%/năm. Bởi lẽ, lãi suất điều hành giảm còn 4,5%/năm, mà lạm phát lên đến 4% là hết biên độ, nếu không sẽ rơi vào trạng thái lãi suất thực (chênh lệch giữa lãi suất và lạm phát) âm (cho vay là lỗ).

Tuy nhiên, cũng cần hiểu rõ đó là lãi suất chính sách là chỉ dẫn của Ngân hàng Nhà nước theo định hướng nhất định. Chúng ta cũng cần nhìn phản ứng của thị trường, xem lãi suất điều hành giảm có làm cho lãi suất cho vay trong giao dịch thực tế có thật sự giảm và giảm bao nhiêu? Đó lại là câu chuyện của thị trường và còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. Ví dụ, lãi suất thấp nhưng doanh nghiệp tốt không vay, trong khi doanh nghiệp chứa đựng nhiều rủi ro vẫn đi tìm nguồn vay thì lãi suất cho vay là bao nhiêu phụ thuộc vào quyết định chấp nhận rủi ro của ngân hàng. Bản chất ở đây là câu chuyện cung - cầu trên thị trường tín dụng.

Những tuần qua, chúng ta đã chứng kiến động thái hút bớt thanh khoản của Ngân hàng Nhà nước thông qua các đợt phát hành tín phiếu. Đây là công cụ kiểm soát thanh khoản trên thị trường tiền tệ, một trong những nguyên do là hệ thống ngân hàng thừa tiền nhưng không tiêu được. Thừa tiền trong hệ thống nhưng không cho doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh vay được sẽ dẫn đến rủi ro tiền chảy vào hoạt động đầu cơ chứng khoán hay bất động sản.

Diễn biến trên thị trường cho thấy, cơ quan quản lý đã linh hoạt hơn trong điều hành và với kỳ hạn tín phiếu 28 ngày, Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng bơm trả lại tiền vào hệ thống một cách nhanh chóng. Trong khi đó, tỷ giá vẫn vận hành trong biên độ thì không phải là vấn đề quá lớn, đặc biệt trong bối cảnh dự trữ ngoại tệ đang tăng.

Nếu lãi suất tiếp tục giảm sâu thì sẽ rơi vào trạng thái lãi suất thực âm

Nếu lãi suất tiếp tục giảm sâu thì sẽ rơi vào trạng thái lãi suất thực âm

Theo ông, chính sách tiền tệ trong ngắn hạn nên theo hướng nào, dù yêu cầu linh hoạt là phải phụ thuộc vào thị trường, nhưng vẫn phải đảm bảo dự báo được chính sách?

Động thái của nhà điều hành có tác động rất lớn đến thị trường, do đó, các biện pháp chính sách cần có tính dự báo để thị trường vận hành ổn định. Như đã đề cập, từ chính sách đến thị trường vẫn có khoảng cách và trong tình hình kinh tế hiện nay, một mình chính sách tiền tệ không đạt được hiệu quả cao trong chức năng thúc đẩy kinh tế tăng trưởng, mà cần có các biện pháp chính sách tài khóa mạnh mẽ. Chính phủ có thể bơm tiền ngân sách, tăng chi tiêu, kích cầu để thúc đẩy các hoạt động sản xuất - kinh doanh, từ đó tạo ra cầu tín dụng và đẩy mạnh hoạt động thị trường tín dụng sôi động hơn. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, lãi suất điều hành chỉ là một mắt xích để thị trường tín dụng vận hành.

Một câu chuyện liên quan tới lãi suất gần đây là khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, các doanh nghiệp đang ở tình trạng khá yếu sau 3 năm khó khăn vừa qua, việc chờ đợi thị trường thế giới sáng hơn để có các đơn hàng có lẽ là khá bị động. Vậy cách nào để chuyển hướng khai thác tốt thị trường nội địa, tận dụng nguồn vốn được coi là dồi dào giai đoạn hiện tại?

Để thúc đẩy kinh tế tăng trưởng, biện pháp hiệu quả cần ưu tiên để có thể thấy được kết quả ngay chính là tăng chi tiêu chính phủ.

Đây là vấn đề liên quan đến cầu của nền kinh tế thế giới và trong nước. Theo đánh giá của ADB, cầu bên ngoài yếu, cùng với sự phục hồi chậm của kinh tế Trung Quốc, ảnh hưởng tới sự tăng trưởng của các ngành sản xuất định hướng xuất khẩu. Theo đó, chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 0,4% trong 8 tháng đầu năm 2023, khiến số doanh nghiệp phải đóng cửa ngày càng nhiều. Tính trung bình, mỗi tháng có 15.600 công ty đóng cửa và hàng trăm nghìn công nhân bị mất việc. Tăng trưởng chung của lĩnh vực công nghiệp và xây dựng giảm còn 1,1% trong nửa đầu năm 2023.

Sự phục hồi của du lịch nội địa giúp tiêu dùng tăng 2,7% trong 6 tháng đầu năm 2023, nhưng đầu tư vẫn giảm do tổng tích lũy tài sản cố định giảm còn 1,2% so với mức 3,8% một năm trước đó. Giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 10 tỷ USD trong 6 tháng, tương đương cùng kỳ, nhưng cam kết vốn FDI ước đạt 13,4 tỷ USD, giảm 4,3% so với cùng kỳ do những căng thẳng địa chính trị và điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt. Nhu cầu bên ngoài yếu khiến thương mại suy giảm, hạn chế mức tăng trưởng chung.

Tăng cầu xuất khẩu là vấn đề nan giải, mặc dù Chính phủ đã có động thái liên quan đến mở cửa thị trường như thúc đẩy thực thi các hiệp định thương mại tự do, hay những quan hệ đối ngoại song phương ở cấp chiến lược để làm bàn đạp kích cầu bên ngoài. Các hành động này cần nhiều thời gian để có được đơn hàng. Vì thế, kích cầu nội địa sẽ là trọng tâm để hỗ trợ kinh tế phục hồi. Thứ nhất, một trong các biện pháp hiệu quả, nhanh và đơn giản nhất là tăng đầu tư công và chi tiêu chính phủ. Thứ hai, với mặt bằng lãi suất tiết kiệm thấp, người dân có thể giảm động lực giữ tiền và tăng tiêu dùng, tạo ra cầu nội địa cao hơn.

Khi cầu nội địa nhích lên thì doanh nghiệp sẽ phục hồi sản xuất - kinh doanh hàng hoá và dịch vụ, dù rằng có thể sẽ có độ trễ vì còn phải qua giai đoạn xử lý hàng tồn kho trước khi tăng sản lượng.

Tóm lại, biện pháp hiệu quả cần ưu tiên để có thể thấy được kết quả ngay chính là chi tiêu chính phủ, bởi có tiền mới đưa vào “chợ” và trực tiếp vào hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Doanh nghiệp vẫn “than” tiếp cận vốn khó khăn. Ông có nhận định gì về vấn đề này?

Trước hết, xu hướng các doanh nghiệp vừa và nhỏ khi có cơ hội luôn “kêu” không tiếp cận được vốn là câu chuyện không riêng ở Việt Nam. Theo kinh nghiệm từ các dự án của ADB hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ ở các quốc gia khác, doanh nghiệp luôn than phiền về việc không tiếp cận được nguồn vốn, hay việc tiếp cận vốn rất khó khăn. Tuy nhiên, khi đánh giá sâu hơn thì đây không phải là lý do chính, mà nguyên nhân mấu chốt là chất lượng tổ chức quản trị doanh nghiệp và năng lực triển khai hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Nếu hoạt động sản xuất - kinh doanh và tổ chức quản trị doanh nghiệp không đáp ứng được yêu cầu của hệ thống ngân hàng thì dù muốn, ngân hàng cũng khó “linh động” cho vay, vì trong thị trường tài chính vẫn phải có “kỷ luật” nhất định (quản trị rủi ro của từng ngân hàng). Nhà nước muốn hỗ trợ doanh nghiệp thì cần có các chương trình hỗ trợ năng lực quản trị doanh nghiệp, tạo nền tảng cho các nỗ lực cung cấp tài chính hoạt động hiệu quả hơn.

Chúng ta không nên đặt yêu cầu hệ thống ngân hàng phải đáp ứng các nhu cầu về vốn của doanh nghiệp, bởi việc này vẫn phải đảm bảo hiệu quả phân bổ vốn và quản trị rủi ro của hệ thống ngân hàng, áp dụng chung chứ không riêng Việt Nam. Chính phủ có thể có các hình thức chia sẻ rủi ro với hệ thống ngân hàng, như lập ra quỹ bảo lãnh để giảm chi phí vốn vay, nhưng vẫn tuân thủ các chuẩn mực tín dụng và tạo ra nguồn tiền dồi dào hơn để doanh nghiệp có thể tiếp cận.

Hệ thống ngân hàng thương mại cũng là một cộng đồng doanh nghiệp, chỉ là một bên cung cấp dịch vụ, chứ không có trách nhiệm hay nghĩa vụ với doanh nghiệp khác. Khi nhu cầu của doanh nghiệp đủ lớn, đồng thời năng lực chi trả của doanh nghiệp đủ tốt, các ngân hàng sẽ cung cấp dịch vụ phù hợp. Đây đơn giản là câu chuyện của thị trường.

Chính sách tiền tệ và tài khóa đã được thực thi và phát huy hiệu quả, nhưng cộng đồng doanh nghiệp mong mỏi nhiều hơn thế, bao gồm cải cách môi trường kinh doanh. Theo ông, Việt Nam có thể thực hiện chính sách đột phá nào để tạo không khí kinh doanh sôi động, tạo niềm tin cho giới doanh nhân?

Ngoài các biện pháp vĩ mô bằng chính sách tiền tệ và tài khóa, cải cách môi trường kinh doanh vẫn luôn là vấn đề quan trọng, bởi các biện pháp này giúp giảm chi phí kinh doanh và tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp, không chỉ có tác dụng trong ngắn hạn mà cả dài hạn. Quá trình cải cách và cải thiện môi trường kinh doanh có lúc nhanh, lúc chậm, nhưng các dấu hiệu hiện nay cho thấy đang ở giai đoạn chậm. Để thúc đẩy cải cách, Chính phủ cần có chủ trương rõ ràng hơn và thực hiện quyết liệt hơn.

Suy cho cùng, cải cách hành chính để cải thiện quy định về hoạt động sản xuất - kinh doanh bất kể lúc nào, lâu dài hay trước mắt, đều tốt với doanh nghiệp. Đặc biệt, khi kinh tế khó khăn thì cải cách hành chính càng cần phải làm nhanh để hỗ trợ kinh tế phục hồi. Hiện nay, tôi cho rằng, những đề xuất này của cộng đồng doanh nghiệp không loại trừ lẫn nhau với các biện pháp vĩ mô, nghĩa là chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa có thể được thực hiện song song với các nỗ lực cải cách hành chính.

Tin bài liên quan