Nhưng để đạt được mục tiêu này, mặt bằng lãi suất sẽ phải cạnh tranh hơn, điều mà theo giới chuyên gia là khó thực hiện ở thời điểm hiện tại, nhất là khi Chính phủ cũng yêu cầu ngành ngân hàng giảm thêm 0,5% lãi suất cho vay.
Thực tế cho thấy, mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2017 phải đạt mức 20-22% theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, thay vì mức 18% như kế hoạch trước đó, đang là vấn đề “nóng” hiện nay.
Trong khi giới ngân hàng vui mừng, nhất là các nhà băng đã cạn room tín dụng từ giữa năm nay, vì có thêm “đất” để mở rộng dư địa cho vay khi mùa kinh doanh cao điểm đang tới gần, thì giới chuyên gia cho rằng, không nên đẩy dư nợ tín dụng lên cao bởi sẽ tác động tiêu cực đến lạm phát, hơn là tăng trưởng kinh tế.
“Tín dụng cao chưa hẳn tạo ra áp lực giảm lãi vay. Ngược lại, nếu không thận trọng sẽ làm mất cân đối nguồn thu. Thanh khoản ngân hàng cần được quan tâm, đặc biệt trong những tháng còn lại của năm nay”, một chuyên gia nhìn nhận.
Dù mục tiêu tín dụng có tăng mà lãi suất khó giảm thì khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp cũng khó tăng trưởng mạnh
- Bà Nguyễn Thị Mai Thanh,Chủ tịch HĐQT REE
Theo ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam, một khi room tín dụng được nới, ngân hàng có thêm dưa địa cho vay, thì lãi suất sẽ phải cạnh tranh hơn, nói cách khác là lãi suất ngắn hạn cần phải được điều chỉnh giảm. Khi đó, ngân hàng mới có thể giành được thị phấn tín dụng.
Tuy nhiên, cũng theo ông Hải, khả năng mặt bằng lãi suất cho vay trong thời gian từ nay đến cuối năm sẽ ổn định và khó giảm so với hiện nay, đặc biệt là với vốn vay ngắn hạn, bởi chi phí huy động của ngân hàng vẫn trong xu hướng tăng.
Đối với lãi suất cho vay trung-dài hạn, ông Hải cho rằng, có thể giảm trong thời gian tới khi được giãn tiến độ giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung-dài hạn từ 50% xuống 40% vào đầu năm 2019, thay vì đầu năm 2018.
“Mặc dù vậy, lãi suất cho vay trung-dài hạn cũng khó có thể giảm mạnh, chỉ khoảng 0,5%/năm”, ông Hải khẳng định.
Ông Huỳnh Bửu Sơn, chuyên gia tài chính - ngân hàng cũng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, khi mặt bằng lãi suất đầu vào của các ngân hàng phải cạnh tranh với các kênh đầu tư khác (bất động sản, chứng khoán…) thì lãi suất cho vay ra khó có thể kỳ vọng giảm sâu.
“Cũng chính bởi chi phí đầu vào của các ngân hàng khó giảm, nên để giữ được mặt bằng lãi suất cho vay như hiện nay đã là cố gắng lớn của các ngân hàng, cũng như cơ quan quản lý”, ông Sơn nói.
Đối với nâng room tín dụng của ngành ngân hàng lên thêm từ 2-4% trong năm nay, theo ông Sơn, cũng không hẳn là điều đáng lo ngại, nhưng cần xem xét đến sức hấp thụ vốn của nền kinh tế và sức chịu đựng của doanh nghiệp về lãi suất.
“Hiện nay, tuy mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm so với trước, nhưng vẫn là rào cản đối với các doanh nghiệp khi có nhu cầu vốn vay. Bên cạnh những doanh nghiệp thành công trong mở rộng hoạt động, thì không ít doanh nghiệp đã phải thu hẹp phạm vi sản xuất, kinh doanh vì chi phí lãi vay cao. Hơn nữa, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ”, ông Sơn cho biết.
Ở khía cạnh doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Cơ điện lạnh (REE) cho rằng, lãi suất cho vay cần giảm thêm so với mặt bằng hiện nay thì các doanh nghiệp mới mạnh dạn vay vốn đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh. Bởi theo bà Thanh, nếu được vay vốn với lãi suất hợp lý thì lợi nhuận sẽ được cải thiện, giúp doanh nghiệp tăng trưởng hiệu quả hơn và khi đó, ngân hàng cũng không còn lo ngại việc nợ xấu gia tăng.
“Do đó, dù mục tiêu tín dụng có tăng mà lãi suất khó giảm thì khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp cũng khó tăng trưởng mạnh”, bà Thanh nhìn nhận.
Đánh giá được đưa ra từ ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Toàn quốc Khối Dịch vụ ngoại hối và thị trường vốn HSBC Việt Nam, khi tín dụng tăng trưởng 22%, sẽ có khoảng 600.000 tỷ đồng được bơm vào nền kinh tế. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là nguồn vốn này sẽ chảy vào lĩnh vực nào để đảm bảo hạn chế được rủi ro nợ xấu.
“Lãi suất cho vay bình quân 3 năm qua của doanh nghiệp Việt Nam vào khoảng 6%/năm, cao hơn nhiều so với mức bình quân của các nước trong khu vực, chẳng hạn như Trung Quốc chỉ khoảng 3,1%/năm. Chi phí đầu vào cao là một trong những nguyên nhân chính làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước…”, ông Khoa cho hay.