Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2014 tăng 4,98% so với tháng 6/2013, tăng 1,38% so với tháng 12/2013 và tăng 0,3% so với tháng 5/2014. Nếu so với tháng 12 năm trước, mức tăng giá trong 6 tháng đầu năm nay được xem là thấp nhất trong 13 năm qua.
Trong báo cáo nhanh về kinh tế Việt Nam vừa công bố của Khối Nghiên cứu kinh tế HSBC với tiêu đề “GDP quý II tăng nhờ sản xuất” dự đoán, lạm phát sẽ tăng vào đầu quý III/2014 do chi phí dịch vụ cao hơn và lực cầu nội địa được cải thiện, nhưng có thể chỉ ở quanh mức 5 - 6% vào cuối năm. Nhờ đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tự tin giữ lãi suất trên thị trường mở ở mức 5% cho đến hết năm.
Trao đổi với ĐTCK, nhiều chuyên gia kinh tế và lãnh đạo các ngân hàng đều chung nhận định, lãi suất đã có dư địa giảm thêm.
“Lãi suất huy động dưới 6 tháng sẽ giảm xuống còn khoảng 5%/năm, 12 tháng giảm còn khoảng 7%/năm trong quý III (giảm khoảng 1% so với quý II)”, ông Đinh Đức Quang, Phó tổng giám đốc OCB dự báo.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh lạm phát thấp và theo định hướng của Chính phủ, vẫn còn “room” để giảm lãi suất vào khoảng 0,5%/năm trong quý III, đảm bảo phù hợp với tình hình lạm phát và lãi suất thực dương cho người gửi tiền.
TS. Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch thường trực HĐQT LienVietPostBank nhận định, nếu không có biện pháp kích cầu thì sản xuất đang phục hồi lại bị đình trệ, hàng hóa bán ra không được, nhu cầu vay và khả năng trả nợ của DN sẽ khó khăn, do đó lãi suất có thể hạ tiếp vào cuối năm.
Tuy nhiên, TS. Nguyễn Đức Hưởng có những quan ngại nhất định về việc tiếp tục hạ lãi suất: thứ nhất là nguy cơ giảm phát; thứ hai là sản xuất đình trệ, lao động không có việc làm; thứ ba là tiền gửi tiết kiệm không hấp dẫn, người dân bắt đầu tính toán dự trữ vàng, ngoại tệ, nguồn vốn không đi vào sản xuất; thứ tư là cầu yếu, hàng hóa ế ẩm, nợ xấu tăng.
Cũng có quan ngại đối với vấn đề hạ lãi suất, ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chính sách công, Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright cho rằng, điều này sẽ tạo áp lực lên tỷ giá.
Tuy nhiên, theo một chuyên gia kinh tế, tính đến ngày 23/5/2014, tổng phương tiện thanh toán tăng 5,28%, tín dụng tăng khoảng 1,3% trong khi huy động vốn tăng 4,2% so với cuối năm 2013; thanh khoản của các tổ chức tín dụng tiếp tục đảm bảo, dự phòng chi trả rất tốt, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu thanh toán cho DN và người dân. Do vậy, nếu lãi suất hạ xuống 5%/năm thì mức độ chênh lệch lãi suất đồng nội tệ với ngoại tệ vào khoảng 3%/năm cũng khó tạo sức ép lên tỷ giá, cho dù cuối năm NHNN có điều chỉnh tỷ giá thêm 1%.
“Độ chênh lệch lợi nhuận 3%/năm khiến tâm lý găm giữ ngoại tệ của người dân giảm mạnh. Đó là chưa kể khi hạ lãi suất VND, nhiều khả năng NHNN sẽ giảm lãi suất USD. Điều này nằm trong tiến trình chống đô la hóa và hạn chế tăng trưởng tín dụng ngoại tệ trong nền kinh tế”, vị chuyên gia trên phân tích.
Trong khi đó, Nhóm Nghiên cứu Ban Kinh doanh vốn và tiền tệ BIDV vừa công bố Tổng hợp kết quả đợt khảo sát thị trường về kinh tế vĩ mô 6 tháng cuối năm 2014 cho biết, kênh đầu tư được ưu tiên lựa chọn là gửi tiết kiệm vẫn duy trì được sức hút ở mức cao với số điểm là 3,4 điểm, còn TTCK là 3,09 điểm.
Tổng giám đốc một ngân hàng TMCP chia sẻ: “Lãi suất thời gian tới nên giảm để kích thích sản xuất trong nước. Tuy nhiên, nền tảng của nền kinh tế còn yếu, phụ thuộc nhiều vào đầu tư trực tiếp nước ngoài nên việc giảm lãi suất chỉ ở mức tương đối. Việt Nam cần thêm thời gian để định hướng lại sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh. Quá trình này có thể mất 2 - 3 năm. Sau đó, lãi suất cho vay của Việt Nam mới có thể tương đương với các nước trong khu vực”.