Lãi suất tiền gửi đang rất thấp

Lãi suất tiền gửi đang rất thấp

Lãi suất “chuyển động" ở vùng đáy

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mặt bằng lãi suất cả cho vay lẫn huy động đều đã ở mức rất thấp và được cho là khó có thể giảm thêm. Trên thực tế, một số ngân hàng bắt đầu điều chỉnh tăng lãi suất huy động.

Đua hạ lãi suất cho vay

Agribank vừa triển khai chương trình ưu đãi với lãi suất cho vay thấp hơn tối đa 2,5%/năm so với sàn lãi suất cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, cụ thể: Từ 4%/năm với khoản vay đến 3 tháng; từ 4,5%/năm với khoản vay trên 3 tháng đến 6 tháng; từ 5%/năm với khoản vay trên 6 tháng đến 12 tháng. Được biết, đây là chương trình dành cho khách hàng cá nhân có nhu cầu vay tiêu dùng để phục vụ nhu cầu đời sống.

Ngoài ra, ngân hàng này cũng có chương trình ưu đãi khách hàng vay vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh với lãi suất thấp hơn tối đa 2%/năm so với mức sàn cho vay hoạt động này tương ứng với từng kỳ hạn theo quy định của Agribank từng thời kỳ, cụ thể: Từ 3%/năm với khoản vay đến 3 tháng; từ 3,5%/năm với khoản vay trên 3 tháng đến 6 tháng; từ 4%/năm với khoản vay trên 6 tháng đến 12 tháng.

Câu chuyện cho vay lãi suất thấp cũng đang diễn ra tại BIDV thông qua việc triển khai gói vay vốn nhà ở với lãi suất tối thiểu 5%/năm trong 6 tháng đầu kể từ thời điểm giải ngân lần đầu trong vòng 36 tháng; tối thiểu 5,5%/năm trong 12 tháng đầu tiên kể từ thời điểm giải ngân lần đầu trong vòng 60 tháng. Với các khách hàng tại các địa bàn ngoài Hà Nội và TP.HCM, mức lãi suất cho vay mua nhà tối thiểu cố định từ 6%/năm áp dụng trong 24 tháng đầu hoặc 7%/năm trong 36 tháng.

Tại nhóm ngân hàng thương mại tư nhân, SHB đã điều chỉnh giảm lãi suất vay chỉ từ 6,39%/năm đối với khoản vay ngắn hạn và 5,79%/năm đối với khoản vay trung - dài hạn, ưu đãi giải ngân tới 90% giá trị bất động sản mua, thời gian vay lên tới 25 năm. Đặc biệt, với những khách hàng thân thiết, sử dụng nhiều sản phẩm - dịch vụ của SHB có thể được giảm thêm tối đa 1%/năm.

VIB công bố 4 lựa chọn lãi suất cố định chỉ từ 5,9%/năm, miễn trả gốc 5 năm, kỳ trả gốc linh hoạt, vay đến 85% giá trị căn hộ. Biên độ sau ưu đãi chỉ 2,8%/năm giúp khách hàng có thể yên tâm vấn đề tài chính và dòng tiền không bị biến động bởi tình hình lãi suất.

Lãi suất cho vay có thể giảm sâu như hiện nay là do lãi suất huy động đã giảm mạnh. Chẳng hạn, Agribank áp dụng các mức lãi suất huy động là 1,6%/năm, 1,9%/năm, 3%/năm, 3%/năm và 4,7%/năm tương ứng với các kỳ hạn 1, 3, 6, 9 và 12 tháng. Tại BIDV là 1,8%/năm, 2,1%/năm, 3,1%/năm, 3,1%/năm và 4,7%/năm tương ứng các kỳ hạn 1, 3, 6, 9 và 12 tháng.

Tại VIB, tiền gửi tiết kiệm trực tuyến cao hơn tại quầy khoảng 0,1-0,2%/năm tùy từng kỳ hạn, có kỳ hạn 11 tháng nhưng không có kỳ hạn 12 tháng. Cụ thể, lãi suất huy động là 2,5%/năm kỳ hạn 1 tháng, 2,8%/năm kỳ hạn 3 tháng và 4%/năm kỳ hạn từ 6-11 tháng. Còn SHB là 2,8%/năm, 3%/năm, 4,2%/năm, 4,4%/năm và 4,9%/năm tương ứng các kỳ hạn 1, 3, 6, 9 và 12 tháng.

“Tháng 3/2024 chứng kiến nhiều ngân hàng chạy đua hạ lãi suất huy động khi không thể cho vay (tính đến 18/3/2024, tín dụng giảm 0,33% so với cuối năm 2023, trong khi cùng kỳ tăng 11,65%), mà khách hàng vẫn gửi tiền vào. Lãi suất huy động có khả năng sẽ giảm thêm một chút nữa trước khi tăng trở lại do cầu tín dụng dự báo tăng từ quý II/2024”, phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần nhận định.

Còn theo các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán MB (MBS), lãi suất huy động có khả năng tạo đáy vào cuối quý I/2024 và thời gian tới khó có giảm thêm chủ yếu do cầu tín dụng có xu hướng tăng lên trong năm 2024. MBS cho rằng, nhu cầu sử dụng vốn sẽ quay trở lại trạng thái cân bằng, dự báo tăng trưởng tín dụng trong năm 2024 sẽ đạt khoảng 13-14% nhờ sự gia tăng vốn đầu tư và tiêu dùng.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, TS. Lê Xuân Nghĩa - chuyên gia kinh tế nhấn mạnh, hạ lãi suất huy động xuống thấp một mặt tạo cơ sở hạ lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế, nhưng mặt khác cũng có thể tạo rủi ro “bẫy thanh khoản” khi người dân không gửi tiết kiệm do lãi suất không đảm bảo bù đắp chi phí lạm phát nên sẽ đầu tư vào các lĩnh vực khác như bất động sản, vàng, ngoại tệ, chứng khoán… Như vậy, khả năng huy động vốn của các ngân hàng thu hẹp lại và đương nhiên, khả năng cho vay cũng hạn chế theo.

“Đây là bẫy thanh khoản. Thanh khoản hệ thống ngân hàng gặp khó khăn khi kinh tế phục hồi, đầu tư cho sản xuất - kinh doanh tăng lên. Nói tóm lại, không thể hạ lãi suất tiền gửi thêm nữa”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Dòng tiền chảy vào đâu?

Lãi suất huy động có khả năng tạo đáy vào cuối quý I/2024 và thời gian tới khó có thể giảm thêm chủ yếu do cầu tín dụng có xu hướng tăng lên trong năm 2024.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến ngày 18/3/2024, huy động vốn giảm 0,92% so với cuối năm 2023, cùng kỳ đạt mức tăng 11,44%.

“Mặc dù thanh khoản thị trường vẫn dồi dào nhưng số liệu cho thấy huy động đã giảm nhiều hơn so với cho vay và điều này không khó để giải thích cho động thái rục rịch tăng lãi suất huy động ở một số ngân hàng”, TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia kinh tế nói.

Khảo sát trên thị trường cho thấy, tại ngày 27/3/2024, dù tiếp tục có thêm một số ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động, nhưng cũng có ngân hàng bất ngờ điều chỉnh tăng.

Đơn cử, VPBank điều chỉnh tăng lãi suất huy động ở tất cả các kỳ hạn, thay vì chỉ tăng nhỏ giọt ở một số kỳ hạn như các ngân hàng trước đó. Theo bảng lãi suất huy động trực tuyến được VPBank công bố sáng 27/3/2024 cho tài khoản tiền gửi dưới 10 tỷ đồng, kỳ hạn 1 tháng tăng nhẹ 0,1 điểm phần trăm, còn lãi suất tiền gửi kỳ hạn 2-36 tháng đồng loạt tăng 0,2 điểm phần trăm. Như vậy, mức lãi suất huy động thấp nhất là 2,4% năm với kỳ hạn 1 tháng và cao nhất là 4,9%/năm với kỳ hạn 24-36 tháng.

Với khoản tiền gửi từ 10 tỷ đồng đến dưới 50 tỷ đồng và tài khoản tiền gửi từ 50 tỷ đồng trở lên, lãi suất sẽ lần lượt cộng thêm 0,1 và 0,2 điểm phần trăm. Ngoài ra, VPBank còn áp dụng chính sách khách hàng ưu tiên với số dư tối thiểu 100 triệu đồng và gửi kỳ hạn tối thiểu 1 tháng sẽ được cộng thêm 0,1 điểm phần trăm so với lãi suất niêm yết hiện hành.

Thực ra, trước đó, một số ngân hàng gồm Eximbank, SHB, Techcombank, Saigonbank cũng đã tăng lãi suất huy động nhưng mức tăng nhỏ và ở một vài kỳ hạn, chứ không đồng loạt tăng tại các kỳ hạn như VPBank.

“Cũng cần phải nói thêm rằng, sở dĩ có ngân hàng ‘đi ngược’ xu hướng là bởi lãi suất huy động trước đây thấp hơn so với mặt bằng chung”, chuyên gia phân tích đến từ MBS chia sẻ.

Lãi suất huy động thấp, dòng tiền chuyển hướng và đích đến sẽ là đâu? Theo các chuyên gia của FiinGroup, mặt bằng định giá duy trì ở mức thấp trong hơn 1 năm qua và triển vọng lợi nhuận năm 2024 bật tăng trên nền thấp của năm 2023 sẽ là động lực thúc đẩy giá cổ phiếu ngân hàng trên thị trường chứng khoán.

Đồng quan điểm, Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng, mức định giá hiện tại của cổ phiếu ngành ngân hàng phù hợp để tích lũy, nhất là với nhóm ngân hàng tư nhân, trong khi nhóm ngân hàng quốc doanh vẫn có cơ sở để nâng mức định giá đến từ hoạt động phát hành riêng lẻ.

“Ngành ngân hàng sẽ hưởng lợi từ sự tăng trưởng lợi nhuận từ khoảng 7% trong năm 2023 lên 18% trong năm 2024. Ngoài ra, định giá cổ phiếu ngân hàng tại Việt Nam hiện thấp hơn 1 độ lệch chuẩn so với trung bình 5 năm, đang giao dịch ở mức khoảng 1,8x P/B so với khoảng 17% ROE dự kiến vào năm 2024”, chuyên gia của VinaCapital nhận định.

Còn TS. Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh thêm: “Chắc chắn người dân không dễ bỏ qua sự sôi động của các ngoại tệ mạnh và sự ‘lấp lánh’ của vàng”.

Tin bài liên quan