Lãi suất tiền gửi bằng USD về 0%/năm với đối tượng tổ chức từ ngày 28/9/2015

Lãi suất tiền gửi bằng USD về 0%/năm với đối tượng tổ chức từ ngày 28/9/2015

Lãi suất cho vay USD khó giảm

(ĐTCK) Động thái điều chỉnh lãi suất tiền gửi bằng USD về 0%/năm và 0,25%/năm đối với tổ chức, cá nhân của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) từ ngày 28/9 được giới chuyên gia đánh giá cao, trong nỗ lực ổn định tiền đồng. Tuy nhiên, theo ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam, dù lãi suất tiền gửi USD giảm, nhưng lãi suất cho vay USD sẽ khó có khả năng giảm theo.

Tăng sức hấp dẫn cho tiền đồng

Trong báo cáo nhanh về động thái điều chỉnh lãi suất tiền gửi USD của NHNN về mức 0%/năm đối với tổ chức (trừ TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) và 0,25%/năm với cá nhân trong khi trần lãi suất ngắn hạn đối với tiền đồng giữ nguyên ở mức 5,5%/năm, ANZ cho rằng, rõ ràng nhà điều hành đang quyết tâm theo đuổi chính sách chống đô-la hóa.

“Dù được điều chỉnh giảm khoảng 5% so với USD từ đầu năm đến nay, nhưng VND vẫn là một trong những đồng tiền biến động ít nhất trong khu vực, nhờ tăng trưởng xuất khẩu tiếp tục được duy trì”, các chuyên gia kinh tế của ANZ nhận định.

Còn theo ông Lê Đức Thọ, Tổng giám đốc VietinBank, việc điều chỉnh lãi suất tiền gửi bằng ngoại tệ của tổ chức và dân cư có hiệu lực từ ngày 28/9 sẽ giảm đi tình trạng găm giữ ngoại tệ, giúp kiểm soát tốt hơn tỷ giá ngoại tệ.

“Đây là một giải pháp quyết liệt của NHNN, bước cơ bản xóa bỏ mục tiêu gửi USD lấy lãi của các DN và góp phần giảm thiểu tình trạng USD hóa nền kinh tế”, Phó tổng giám đốc phụ trách khối nguồn vốn nhận định.

Lý giải về quyết định điều chỉnh giảm trần lãi suất huy động bằng USD, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN cho biết, NHNN luôn quán triệt phương châm điều hành xuyên suốt là nâng cao vị thế của đồng nội tệ và từng bước chống đô-la hóa theo chủ trương của Chính phủ.

“Thời gian qua, dù có những biến động, nhưng thị trường tiền tệ, ngoại hối trong nước về cơ bản ổn định. Tuy nhiên, một bộ phận tổ chức, cá nhân có biển hiện găm giữ ngoại tệ. Việc giảm mức trần lãi suất huy động USD xuống 0%/năm áp dụng đối với tổ chức và 0,25%/năm áp dụng đối với cá nhân phù hợp với phương châm điều hành, đồng thời góp phần nâng cao sức hấp dẫn của VND, hạn chế tình trạng đô-la hóa”, bà Hồng nhấn mạnh.

Tín dụng USD khó tăng

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, việc giảm lãi suất tiền gửi bằng USD sẽ giúp giảm áp lực lên tỷ giá USD/VND và đây là một quyết định cần thiết để ổn định tiền đồng trong lúc này.

TS. Hiếu phân tích, lãi suất tiền gửi USD giảm sâu khiến chênh lệch lãi suất tiết kiệm giữa USD và VND tăng lên, điều này sẽ khuyến khích cá nhân và các tổ chức kinh tế bán USD và gửi tiền vào tài khoản VND để hưởng lãi suất cao. Trong trường hợp tổ chức kinh tế có nhu cầu thanh toán bằng ngoại tệ trong tương lai thì việc bán ngoại tệ lấy tiền đồng để gửi lấy lãi, khi đến hạn thanh toán lại mua ngoại tệ hoặc mua ngoại tệ kỳ hạn cũng có lợi hơn là găm giữ ngoại tệ.

“Trong bối cảnh tín dụng ngoại tệ đang giảm như hiện nay, cho dù khách hàng rút USD để chuyển sang tiền gửi VND hay đầu tư vào các kênh khác thì thanh khoản USD trong những tháng tới vẫn được đảm bảo. Như vậy, việc giảm lãi suất tiền gửi USD làm giảm động cơ găm giữ đồng tiền này, giúp bình ổn mặt bằng lãi suất tiền đồng, hỗ trợ quá trình hồi phục của nền kinh tế”, TS. Hiếu nhấn mạnh.

Cùng quan điểm này, Tổng giám đốc VietinBank Lê Đức Thọ cho biết, với tình hình cân đối vốn ngoại tệ rất tốt, tỷ giá niêm yết và tỷ giá giao dịch của các ngân hàng trong chiều 28/9 đã giảm bình quân từ 10-15 đồng/USD.

“Tôi cho rằng, với việc điều hành này, sẽ có một lượng vốn chuyển đổi sang tiền đồng và như vậy sẽ tăng nguồn cung ngoại tệ, hỗ trợ ổn định tỷ giá cũng như ổn định mặt bằng lãi suất tiền đồng”, ông Thọ nói.

Ở góc độ DN, đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ quyết định điều hành lãi suất USD vừa qua, ông Nguyễn Hữu Khôi, Giám đốc CTCP Ống đồng Toàn Phát, đơn vị có kim ngạch xuất khẩu hàng năm khoảng 30 triệu USD cho rằng, các DN sẽ không còn găm giữ USD, mà tăng tính luân chuyển từ đồng USD sang VND, từ đó đẩy nhiều nguồn tiền VND vào hoạt động sản xuất - kinh doanh. Ngoài ra, việc đưa lãi suất huy động USD về 0%/năm, có thể DN sẽ được tiếp cận nguồn vốn vay để bằng USD với lãi suất thấp hơn.

Đồng tình với quyết định điều chỉnh lãi suất của NHNN, nhưng ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam lại tỏ ra khá thận trọng khi đánh giá về xu hướng lãi suất cho vay bằng USD. Ông Hải cho rằng, dù lãi suất tiền gửi USD giảm, nhưng lãi suất cho vay USD sẽ khó có khả năng giảm vì chúng ta vẫn phải bám sát lãi suất USD tại thị trường quốc tế.

Lãi suất trên thị trường quốc tế hiện nay đã phản ánh phần nào kỳ vọng của thị trường về việc Fed sẽ tăng lãi suất trong tháng 12/2015. Với tình hình thị trường tiền tệ thế giới vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp và định hướng hạn chế cho vay ngoại tệ của NHNN, tín dụng USD sẽ không tăng mạnh trong thời gian tới. Các DN cẩn trọng hơn khi vay ngoại tệ nếu không có nguồn thu bằng ngoại tệ.

“Lãi suất huy động tiền gửi VND tăng nhẹ và lãi suất huy động USD giảm phản ánh nhu cầu vay vốn bằng VND của DN tăng, trong khi nhu cầu vay vốn bằng USD của DN giảm. Xu hướng này xuất hiện khi các DN phải cân nhắc giữa bài toán tiết kiệm chi phí khi vay ngoại tệ, nhưng kèm theo rủi ro về tỷ giá. Các DN và cá nhân cần cân nhắc để có hướng đầu tư tiền gửi thích hợp”, ông Hải nhấn mạnh.           

Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN cho biết, thanh khoản ngoại tệ của hệ thống ngân hàng đang ổn định. Nếu tính tỷ lệ tín dụng trên huy động ngoại tệ trên thị trường 1 trong nước chỉ ở mức khoảng 80% trong khi giai đoạn 2011 – 2012, tỷ lệ này ở mức trên 100%. Nếu tính cả nguồn vốn vay nước ngoài thì tỷ lệ này chỉ vào khoảng 60%.

Thời gian tới, NHNN sẽ bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ để điều hành đồng bộ các công cụ và giải pháp nhằm đạt được mục tiêu của chính sách tiền tệ đã đề ra là góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Tin bài liên quan