“Lãi suất cho vay sẽ tăng chậm hơn lãi suất huy động”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Đó là nhận định của ông Trần Ngọc Báu, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Dữ liệu và Công nghệ tài chính WiGroup.
Ông Trần Ngọc Báu, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Dữ liệu và Công nghệ tài chính WiGroup

Ông Trần Ngọc Báu, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Dữ liệu và Công nghệ tài chính WiGroup

Các ngân hàng đang tăng mạnh lãi suất huy động, diễn biến này được thị trường, đặc biệt các doanh nghiệp quan ngại sẽ dẫn đến lãi suất cho vay tăng trong thời gian tới. Ông có nhận định gì về điều này?

Diễn biến lãi suất huy động tăng trở lại không có nhiều bất ngờ với giới chuyên môn và đã được dự báo từ cách đây 3 - 6 tháng. Lý do là bởi có khá nhiều yếu tố cộng hưởng để đẩy lãi suất huy động tăng trở lại trong thời gian gần đây.

Đầu tiên là ý chí của nhà điều hành, mặc dù không nói ra nhưng những hành động đã thể hiện cơ quan quản lý muốn duy trì mức lãi suất đủ thấp để đảm bảo hỗ trợ nền kinh tế phục hồi tốt nhưng cũng đủ cao để không gây áp lực thái quá lên tỷ giá.

Thứ hai, Ngân hàng Nhà nước can thiệp bán khoảng 5 tỷ USD trong những tháng vừa qua để giảm áp lực tỷ giá, hút ra khỏi hệ thống ngân hàng khoảng 125.000 tỷ đồng, trong khi nguồn đối ứng về cơ bản là không có. Các khoản bơm thanh khoản trên thị trường mở chỉ có tính chất hỗ trợ thanh khoản ngắn hạn, nay bơm thì chỉ vài tuần sau là hút về, không có cùng tính chất kỳ hạn với bán USD.

Thứ ba, mặc dù tín dụng tăng chậm vào nửa đầu năm 2024 nhưng huy động còn tăng chậm hơn. Điều này đã kéo rộng khoảng cách chênh lệch tín dụng và huy động trên thị trường 1, gây áp lực lên nhu cầu huy động vốn của ngân hàng. Theo số liệu do Ngân hàng Nhà nước công bố, tính đến cuối tháng 2/2024, tổng tín dụng đạt 13,47 triệu tỷ đồng nhưng tổng huy động tiền gửi từ dân cư và các tổ chức kinh tế chỉ đạt 13,16 triệu tỷ đồng. Như vậy, ngân hàng đang cho vay vượt số tiền huy động từ tiền gửi. Điều này sẽ làm lãi suất huy động trở nên nhạy cảm hơn trước những biến động về cho vay và huy động vốn của nền kinh tế.

Cuối cùng, có phần tích cực hơn, đó chính là kinh tế Việt Nam đã phục hồi tốt trong quý II vừa qua. Điều này đã thúc nhu cầu tín dụng phục hồi tốt trở lại trong 3 tháng qua. Theo số liệu công bố từ Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, tính đến cuối tháng 2/2024, tín dụng tăng trưởng âm 2,5% nhưng đến thời điểm cuối tháng 5/2024, tín dụng đã tăng 2,41%. Nếu những con số trên là chính xác thì rõ ràng, chỉ trong 3 tháng vừa qua, tín dụng đã có sự bứt tốc rất nhanh, áp lực lên lãi suất là điều khó tránh khỏi.

Lãi suất cho vay luôn có độ trễ nhất định so với lãi suất huy động

Lãi suất cho vay luôn có độ trễ nhất định so với lãi suất huy động

Báo cáo tài chính quý I/2024 của các ngân hàng cho thấy tăng trưởng cho vay rất chậm. Giả sử các ngân hàng tăng lãi suất cho vay, theo ông chuyện này sẽ có những tác động gì đối với ngân hàng và doanh nghiệp? Cụ thể, lãi suất huy động tăng sẽ tác động tới NIM và CASA của ngân hàng như thế nào?

Việc tăng lãi suất cho vay là phù hợp, bởi điều này sẽ đảm bảo ngân hàng duy trì được mức biên lãi thuần (NIM) và đây cũng là bộ đệm cần thiết trong bối cảnh nợ xấu vẫn còn rất phức tạp như hiện nay. Tuy nhiên, nhiều khả năng lãi suất cho vay sẽ tăng chậm hơn lãi suất huy động và đây sẽ là một yếu tố gây áp lực nhất định lên NIM của cả hệ thống.

Với tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của các ngân hàng, tôi cho rằng, sẽ đi ngang, duy trì quanh 19 - 20% trong những quý tới là chủ yếu. Tỷ lệ này thời gian tới sẽ bị tác động bởi cả hai yếu tố: Một mặt sẽ tăng lên do kinh tế phục hồi, mặt khác là giảm bởi lãi suất tăng lên sẽ có xu hướng kích hoạt tiền gửi có kỳ hạn nhiều hơn. Lực tác động của hai yếu này thực sự không dễ để đo lường, nhưng tôi nghĩ là cân bằng.

Xét về phía doanh nghiệp, lãi suất cho vay tăng trở lại cũng thể hiện cả hai điều tốt và xấu, tùy từng đơn vị. Tốt là việc lãi suất huy động và cho vay tăng thể hiện kinh tế rõ ràng đã có sự phục hồi tốt, bài toán đầu ra của doanh nghiệp đã bớt áp lực hơn. Mặt xấu thì lộ rõ hơn, đó chính là chi phí vốn vay của các doanh nghiệp sẽ tăng lên nhất định.

Cá nhân tôi thì thấy mừng hơn lo. Bởi nếu nhìn tổng thể thì ngân hàng và doanh nghiệp cũng không phải quá lo lắng. Lý do là bởi lãi suất huy động và cho vay được kỳ vọng sẽ tăng không nhiều so với mức đáy được thiết lập vừa qua. Theo ước tính của cá nhân tôi, lãi suất huy động sẽ chỉ tăng khoảng 0,5 - 1%/năm từ giờ đến cuối năm và sau đó duy trì hoặc giảm trở lại vào năm sau.

Chúng ta cũng cần hiểu rằng, lãi suất duy trì thấp quá lâu sẽ để lại những hệ lụy phức tạp cho cả doanh nghiệp, ngân hàng và nền kinh tế về sau. Cuối cùng thì rõ ràng là mặc dù còn nhiều ẩn số nhưng nền kinh tế Việt Nam đã thể hiện những dấu hiệu phục hồi tích cực trong các tháng vừa qua.

Tìm hiểu tại nhiều doanh nghiệp cho thấy, kinh tế vẫn chưa thực sự khởi sắc nên lãi suất cho vay tăng sẽ khiến cơ hội phục hồi của doanh nghiệp bị chặn lại. Theo ông, liệu có khả năng lãi suất huy động tăng nhưng lãi suất cho vay không tăng để hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế?

Chúng ta cũng cần hiểu rằng, lãi suất duy trì thấp quá lâu sẽ để lại những hệ lụy phức tạp về sau cho cả doanh nghiệp, ngân hàng và nền kinh tế.

Tốt nhất là nếu không thực sự “khẩn cấp” thì chúng ta nên để thị trường tự quyết định mức lãi suất cho vay phù hợp.

Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp Việt bây giờ là đầu ra, thứ đến là khả năng tiếp cận được vốn, sau đó mới là lãi suất. Giai đoạn kinh tế phục hồi như hiện tại, chúng ta phải kỳ vọng rất nhiều vào sự dẫn dắt những doanh nghiệp khỏe đầu ngành. Tuy nhiên, doanh nghiệp càng khỏe thì họ lại càng ít phải phụ thuộc “sự sống” vào tín dụng và lãi vay.

Giải pháp phù hợp lúc này là tiếp tục khơi thông các kênh dẫn vốn để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận đa kênh hơn. Thứ đến là đảm bảo sự ổn định vĩ mô, chính sách tiền tệ và tỷ giá, điều này sẽ giúp cả ngân hàng và doanh nghiệp hoạch định kinh doanh chính xác hơn. Tiếp sau đó là cơ quan quản lý kết hợp cùng với các đơn vị truyền thông chủ động truyền tải thông điệp lãi suất tăng chỉ là ngắn hạn đến người dân và các tổ chức kinh tế. Còn về việc gây sức ép lên hệ thống ngân hàng để lãi suất cho vay không tăng sẽ có thể để lại hậu quả là ngân hàng cho vay chậm lại và bóp méo cơ chế thị trường.

Lãi suất huy động tăng, câu hỏi đặt ra liệu lãi suất cho vay có tăng theo trong thời gian tới?

Tôi cho rằng, điều này là khó tránh khỏi, bởi lãi suất huy động rõ ràng sẽ dần thiết lập một mặt bằng mới cao hơn. Ngoài ra thì sự liên thông hoạt động kinh tế đã phục hồi tốt hơn cũng sẽ đưa ngân hàng vào thế chủ động hơn. Tuy nhiên, mức tăng sẽ không lớn, bởi lãi suất huy động được kỳ vọng sẽ tăng không nhiều và cơ quan quản lý cũng không muốn thấy điều đó. Nhà điều hành vẫn có những công cụ cần thiết để thảm thiểu đà tăng mạnh trở lại của lãi suất cho vay.

Độ trễ giữa việc lãi suất cho vay tăng theo lãi suất huy động không có một đáp án chung, có khi chỉ vài tháng nhưng có lúc kéo dài cả năm. Điều này tùy thuộc vào thanh khoản hiện hữu của hệ thống ngân hàng; sự lệch pha trong cung cầu về vốn hay lộ trình áp dụng chính sách từ cơ quan quản lý… Với bối cảnh hiện tại, khả năng cao độ trễ sẽ khoảng 2 - 3 tháng.

Từ giờ tới cuối năm, khả năng cao lãi suất huy động sẽ chỉ tăng khoảng 0,5 - 1%/năm, sau đó duy trì hoặc giảm trở lại vào năm sau. Trên cơ sở đó, lãi suất cho vay cũng sẽ chỉ nhích nhẹ và bám sát biến động của lãi suất huy động.

Tin bài liên quan