Hiện lãi suất tiền gửi niêm yết dành cho khách hàng tổ chức kỳ hạn 12 tháng tại 4 ngân hàng TMCP nhà nước là 5,2%/năm. Ảnh: Đức Thanh

Hiện lãi suất tiền gửi niêm yết dành cho khách hàng tổ chức kỳ hạn 12 tháng tại 4 ngân hàng TMCP nhà nước là 5,2%/năm. Ảnh: Đức Thanh

Lãi suất cho vay sẽ giảm mạnh

0:00 / 0:00
0:00
Mặt bằng lãi suất tiết kiệm đã giảm mạnh và dư địa giảm không còn nhiều. Trong khi đó, lãi suất cho vay sẽ giảm mạnh từ nay đến hết năm.

Tiết kiệm giảm sâu

Mức lãi suất tiền gửi cao nhất tại ngân hàng hiện chỉ còn 6 - 7%/năm, thay vì 9 - 10%/năm như cuối năm 2022. Đáng chú ý, sau dịp lễ 2/9, nhiều ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất tiền gửi. Cụ thể, lãi suất tại VPBank giảm tới 1%/năm ở nhiều kỳ hạn, xuống sâu dưới mốc 6%/năm. Eximbank cũng giảm 0,1 - 0,25% điểm phần trăm lãi suất tiền gửi ở một số kỳ hạn. Trong khi đó, lãi suất cao nhất tại ACB còn 5,8%/năm áp dụng cho kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, hình thức tiết kiệm trực tuyến.

Với mức lãi suất 4,75%/năm, nhóm ngân hàng đang có lãi suất cao nhất thị trường cho kỳ hạn ngắn gồm GPBank, OceanBank, PGBank, NCB, SCB, BacABank. Ở kỳ hạn 6 tháng, GPBank có mức lãi suất 5,7%/năm, OceanBank cao hơn một chút với 6%/năm; NCB, SCB và PG Bank đều đưa ra mức lãi suất 6,3%. Khác với trước, lãi suất tiền gửi với hình thức trực tuyến ở các ngân hàng không còn quá chênh lệch so với lãi suất gửi tại quầy.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, lãi suất huy động tiếp tục giảm, nhưng dư địa giảm không còn nhiều. Trong khi đó, lãi suất cho vay có độ trễ nên sẽ giảm tiếp trong thời gian từ nay đến cuối năm, khi ngân hàng tiêu thụ hết các khoản vốn huy động lãi suất cao. Tuy vậy, lãi suất cho vay khó giảm sâu tương ứng với lãi suất huy động, vì còn phải đảm bảo sự an toàn của hệ thống.

Theo dự báo của ông Hiếu, mặt bằng lãi suất từ giờ đến cuối năm sẽ giảm thêm khoảng 0,5 điểm phần trăm, chứ không thể giảm sâu. Đồng thời, việc giảm lãi suất ở thị trường trong nước còn tùy thuộc vào tình hình tài chính thế giới. Nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất trong tháng này, thì Việt Nam khó giảm sâu lãi suất, bởi khi đó, nếu giảm lãi suất, tiền đồng sẽ giảm, đẩy tỷ giá với USD lên cao, tạo sự bất ổn ở thị trường ngoại hối.

TS. Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Trường đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, lãi suất tiết kiệm đã về ngang bằng trước đại dịch Covid-19, nên dư địa giảm thời gian tới không còn nhiều. Từ tháng 3 đến tháng 6/2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tục có 4 đợt cắt giảm lãi suất điều hành. Tổng lãi suất chiết khấu và lãi suất tái cấp vốn giảm đến 150-200 điểm cơ bản, lần lượt xuống còn 3% và 4,5%.

Trong tuần cuối của tháng 8/2023, các ngân hàng thương mại đã đồng loạt giảm lãi suất huy động. Trong đó, 4 ngân hàng TMCP nhà nước là BIDV, VietinBank, Vietcombank và Agribank cùng giảm lãi suất huy động trong ngày 23/8, với mức giảm 30 - 50 điểm cơ bản ở các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Các ngân hàng thương mại khác có mức giảm phổ biến khoảng 10 - 30 điểm cơ bản. Hiện tại, lãi suất niêm yết dành cho khách hàng tổ chức kỳ hạn 12 tháng tại 4 ngân hàng lớn là 5,2% và 5,9% với các ngân hàng cổ phần lớn.

Kéo lãi vay đi xuống

Theo các chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect, lãi suất cho vay sẽ giảm mạnh do chi phí vốn của các ngân hàng thương mại đang giảm nhờ tác động từ các đợt cắt giảm lãi suất điều hành của NHNN từ đầu năm và việc ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN cho phép giãn trích lập dự phòng nợ xấu.

VNDirect cho rằng, lãi suất tiền gửi bình quân kỳ hạn 12 tháng sẽ giảm xuống mức 6,0 - 6,2%/năm trong nửa cuối năm 2023. Nguyên do là tác động từ 4 đợt giảm lãi suất điều hành của NHNN, tín dụng tăng chậm nửa đầu năm giúp giảm bớt áp lực huy động vốn, Chính phủ đẩy mạnh hơn đầu tư công từ đó bơm thêm tiền vào nền kinh tế và NHNN còn dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ.

Trong khi đó, PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho hay, mặt bằng lãi suất cho vay từ giờ đến cuối năm có khả năng sẽ giảm từ 1,5 đến 2%/năm.

NHNN cho biết, nhiều chính sách về tiền tệ, tín dụng đã được cơ quan này ban hành và triển khai đồng bộ với các chương trình, giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn. Trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với một số lĩnh vực ưu tiên, trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa, hiện chỉ ở mức 4%/năm.

Đến cuối tháng 6/2023, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới bằng VND đã giảm khoảng 1% so với cuối năm 2022. Các ngân hàng đã chủ động điều chỉnh và triển khai chương trình, gói tín dụng ưu đãi để giảm lãi suất cho vay, với mức giảm khoảng 0,5 - 3% tùy đối tượng khách hàng đối với khoản vay mới.

Sau chỉ đạo bằng văn bản mới đây của NHNN, các ngân hàng cam kết giảm lãi suất cho vay khoảng 0,2 - 2,5 điểm phần trăm trong 6 tháng cuối năm 2023, tùy đối tượng khách hàng và lĩnh vực. Theo NHNN, với tác động của độ trễ chính sách và cam kết giảm lãi suất, dự kiến lãi suất cho vay đối với nền kinh tế sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.

Tuy nhiên, CEO của WiGroup - ông Trần Ngọc Báu cho rằng, tốc độ thẩm thấu của chính sách tiền tệ vào nền kinh tế vẫn khá chậm. Dù lãi suất đã giảm, nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức thấp kỷ lục. Doanh nghiệp không tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ, thì việc giảm lãi suất không mang nhiều ý nghĩa.

Theo số liệu từ NHNN, tính đến cuối tháng 7/2023, vốn tín dụng cho nền kinh tế mới đạt khoảng 12,4 triệu tỷ đồng, tăng 4,56% so với đầu năm. Như vậy, sau khi có sự hồi phục trong tháng 6, tín dụng ghi nhận tăng trưởng âm so với tháng trước và thấp hơn đáng kể so với cùng thời điểm năm 2022 (9,54%). Ông Báu nhận định, từ cuối năm 2023 đến đầu năm 2024, nhà điều hành sẽ tập trung các giải pháp nhằm khơi thông cung tiền và tín dụng.

PGS-TS. Phạm Thế Anh, chuyên gia kinh tế - tài chính cho rằng, cần tiếp tục hạ lãi suất cho vay chứ không phải giảm lãi suất huy động do chính sách tiền tệ đã đạt đến điểm giới hạn.

Nếu tiếp tục hạ lãi suất huy động, sẽ gây ra nhiều hậu quả, nên tránh nôn nóng hạ lãi suất chính sách dồn dập, cần kiểm soát tăng trưởng cung tiền quanh mức 10%.

Tin bài liên quan