Lãi suất cho vay sẽ duy trì ở mức thấp

Lãi suất cho vay sẽ duy trì ở mức thấp

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tín dụng gần đây có dấu hiệu cải thiện, nhưng sức cầu còn yếu. Vì thế, mặt bằng lãi suất cho vay được nhiều ngân hàng dự kiến sẽ duy trì ở mức thấp trong năm 2024.

Ông Từ Tiến Phát , Tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB)

Ông Từ Tiến Phát , Tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB)

Ông Từ Tiến Phát , Tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB)

Chúng tôi dự báo, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay sẽ duy trì ở mức thấp từ nay đến cuối năm 2024. Tình hình kinh tế quý I/2024 tốt lên, lãi suất ổn định ở mức thấp, nhưng cũng có điều không thuận lợi như tỷ giá tăng, tín dụng tăng trưởng thấp, bất động sản chưa hồi phục. Nói cách khác, chúng tôi có góc nhìn lạc quan, song thận trọng, vì biến số của nền kinh tế luôn có. Những biến số về tỷ giá, bất động sản, các yếu tố tác động bên ngoài có dịu đi, nhưng vẫn cần chú ý.

Hiện ACB cho vay với lãi suất thấp, từ 4,6%/năm đối với doanh nghiệp, từ 6%/năm đối với cá nhân, giúp kích thích nhu cầu vay vốn. Tăng trưởng tín dụng tại ACB trong quý I/2024 đạt 3,7% cao hơn so với mức tăng trưởng của ngành. Với mức tăng trưởng này, chúng tôi tự tin hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cấp năm nay là 14%.

ACB sẽ đẩy mạnh chiến lược bán lẻ, tập trung mảng khách hàng cá nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) bên cạnh khối khách hàng doanh nghiệp lớn. Nhiều năm qua, Ngân hàng dựa vào mảng bán lẻ, chiếm gần 94%, mảng doanh nghiệp vừa và lớn chỉ khoảng 6%. Do đó, trong năm nay, ACB muốn nâng tỷ trọng đóng góp của mảng doanh nghiệp vừa và lớn. Đồng thời, Ngân hàng đẩy mạnh mảng ngân hàng số, với chi phí đầu tư công nghệ hàng năm lên đến 1.000 tỷ đồng.

Đặc biệt, ACB tập trung quản trị rủi ro. Dư nợ cho vay bất động sản của Ngân hàng dưới 2% trên tổng dư nợ và không có nợ xấu. Trong đó, cho vay mua nhà ở dưới 22% tổng dư nợ và nợ xấu chỉ khoảng 1%.

ACB cố gắng duy trì nợ xấu ở dưới mức 1%, thấp hơn trung bình ngành. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc kinh tế vĩ mô sắp tới sẽ như thế nào. Thực tế, nợ xấu là thách thức lớn của ngành ngân hàng nói chung và ACB nói riêng. Nợ xấu tại ACB tăng trong năm qua và trong quý I/2024 cũng tăng, nhưng mức tăng chậm lại. Dự báo, nợ xấu sẽ được ACB kiểm soát quanh mức 1,2 - 1,3% trong năm nay.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng Phương Đông (OCB)

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng Phương Đông (OCB)

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng Phương Đông (OCB)

Từ giữa năm ngoái, Chính phủ có nhiều chính sách thúc đẩy đầu tư công, gỡ vướng vấn đề pháp lý trong các dự án bất động sản và có các chương trình khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, sản xuất - kinh doanh. Chính phủ cũng có những yêu cầu rất cao cho ngành ngân hàng trong việc tiếp vốn cho nền kinh tế, gia tăng tín dụng. Tất cả các chính sách đó đều được thực hiện từ năm ngoái và năm nay chúng ta sẽ thấy được tác dụng.

Nền kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn do các yếu tố ngoại lai, ví dụ sự suy giảm từ các ngành xuất khẩu chính, sự đứt gãy của các chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, trong thời gian qua, Chính phủ đã hỗ trợ các doanh nghiệp khơi thông thị trường xuất khẩu. Bản thân các doanh nghiệp cũng bắt đầu có sự làm quen và đưa ra những giải pháp thích hợp trong môi trường kinh tế toàn cầu phức tạp như hiện nay. Dĩ nhiên, chúng ta không kỳ vọng một sự phát triển đột phá, nhưng hoàn toàn có thể kỳ vọng vào một bức tranh cải thiện trong năm 2024. Vì vậy, tôi tin rằng, ngành ngân hàng trong năm nay sẽ có cơ hội tốt để tăng trưởng về tín dụng và hoạt động kinh doanh. Mặt bằng lãi suất thấp hiện nay có thể sẽ được duy trì ít nhất từ nay đến cuối năm.

Ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc khu vực TP.HCM, Ngân hàng Shinhan Việt Nam

Ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc khu vực TP.HCM, Ngân hàng Shinhan Việt Nam

Ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc khu vực TP.HCM, Ngân hàng Shinhan Việt Nam

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay ngay từ đầu năm 2024 để đẩy mạnh các hoạt động sản xuất - kinh doanh, Shinhan Việt Nam đã chủ động giảm lãi suất cho vay. Đồng thời, chúng tôi đẩy mạnh triển khai các gói vay tín dụng xanh với lãi suất ưu đãi từ 6 - 6,5%/năm.

Riêng lĩnh vực bất động sản, Shinhan Việt Nam liên tục cập nhật các chính sách lãi suất cho vay ưu đãi dành cho khách hàng cá nhân có nhu cầu vay thế chấp bất động sản. Cụ thể, từ mặt bằng lãi suất 9 - 10%/năm trong giai đoạn quý II - III/2023, lãi suất vay mua nhà tại Ngân hàng trong quý I/2024 chỉ còn từ 5%/năm. Thời gian vay lên tới 30 năm, thời gian cố định lãi suất lên tới 5 năm, ưu đãi lãi suất trong 6 tháng đầu. Để đưa ra các chính sách cho vay ưu đãi như vậy là nỗ lực không nhỏ của toàn hệ thống Shinhan Việt Nam trong việc điều chuyển nguồn vốn, cắt giảm chi phí vận hành, điều chỉnh biên độ lợi nhuận, bởi sự thay đổi giữa lãi suất huy động và cho vay luôn có độ trễ, thường từ 6 tháng tới 1 năm.

Về thị trường bất động sản, đây là thị trường được quan tâm đặc biệt từ Chính phủ khi liên quan trực tiếp tới nhu cầu an sinh của người dân. Một mặt, Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền đang tìm các biện pháp gỡ rối và khắc phục khó khăn cho yếu tố đầu vào của thị trường là các dự án và chủ đầu tư dự án bất động sản. Mặt khác, Chính phủ thông qua Ngân hàng Nhà nước cùng các ngân hàng thương mại sử dụng công cụ lãi suất nhằm hỗ trợ yếu tố đầu ra của thị trường là người tiêu dùng, hay người vay vốn. Theo tôi, đây là bước đi thích hợp, bởi có cầu ắt sẽ có cung và hiện tại là thời điểm vàng cho người dân vay vốn phục vụ mục đích mua nhà.

Ông Lê Quang Trung, Giám đốc Khối Nguồn vốn và ngoại hối, Ngân hàng Quốc tế Việt Nam (VIB)

Ông Lê Quang Trung, Giám đốc Khối Nguồn vốn và ngoại hối, Ngân hàng Quốc tế Việt Nam (VIB)

Ông Lê Quang Trung, Giám đốc Khối Nguồn vốn và ngoại hối, Ngân hàng Quốc tế Việt Nam (VIB)

Lãi suất tiết kiệm đang ở mức đáy. Ngân hàng Nhà nước đưa ra mục tiêu kiềm chế lạm phát trong năm nay dưới 4%. Trong quý I/2024, lạm phát ở mức 3,7%, tín dụng đối với nền kinh tế gần đây tăng trưởng trở lại, trong khi huy động vốn giảm 0,7%. Trên thị trường hiện có khoảng 4 ngân hàng điều chỉnh tăng nhẹ lãi suất tiết kiệm. Lãi suất huy động phổ biến từ 3 - 4,5%/năm, lãi suất cho vay từ 5,6 - 7%/năm. Tín dụng đã quay trở lại, các ngân hàng điều chỉnh lãi suất huy động để phù hợp với lợi ích của người gửi tiết kiệm. Biên lãi ròng của các ngân hàng đang ở quanh mức 2,5 - 3%.

Lãi suất theo quan điểm của tôi là đang nằm ở mức đáy. Hiện Ngân hàng Nhà nước thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng để thúc đẩy kinh tế. Theo dự đoán của tôi, từ nay đến cuối năm 2024, lãi suất liên ngân hàng ở mức 2 - 3%/năm, lãi suất cho vay khoảng 5 - 7%/năm. Tôi nghĩ, lãi suất không thể giảm sâu hơn, bởi tín dụng đã quay trở lại và các ngân hàng dần điều chỉnh tăng lãi suất huy động cho người gửi tiết kiệm. Mặt khác, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ cắt giảm lãi suất 3 lần trong nửa cuối năm nay, nên lãi suất tiền đồng khó giảm sâu.

Tin bài liên quan