Thực tế, các ngân hàng cũng tìm đủ mọi cách để đưa nguồn vốn giá rẻ đến doanh nghiệp.

Thực tế, các ngân hàng cũng tìm đủ mọi cách để đưa nguồn vốn giá rẻ đến doanh nghiệp.

Lãi suất cho vay đã hạ, vì sao doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn?

(ĐTCK) Bên cạnh giảm mạnh lãi suất cho vay, các ngân hàng còn tìm mọi phương thức để đưa nguồn vốn giá rẻ đến doanh nghiệp. Song, không vì thế mà doanh nghiệp có thể dễ vay được vốn… 

Thảo luận về kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá XIV cuối tuần qua, ông Nguyễn Như So, Phó chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, đại biểu tỉnh Bắc Ninh lo lắng: “Doanh nghiệp phá sản trước khi tiếp cận được vốn”.

Ðáng chú ý, việc khó đẩy tín dụng cũng chính là lo lắng của ngân hàng. Số liệu cho thấy, ngân hàng khá khó khăn trong việc cho vay và mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% năm 2020 bị đe doạ khi ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) cho hay, tính đến 3/6, dư nợ tín dụng mới tăng 1,9%, trong khi cùng kỳ năm 2019 tăng hơn 5,7%.

Ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương cho biết, lãi suất liên ngân hàng thời điểm tháng 3/2020 ở quanh mức 3,8%/năm, nhưng hiện tại giảm xuống mức hơn 1%/năm và trên 100.000 tỷ đồng đã được đưa ra thị trường qua kênh tín phiếu chứng tỏ thanh khoản rất dồi dào.

“Bản thân các ngân hàng cũng muốn cho vay vì đây là hoạt động bán hàng, nên bán càng được nhiều càng tốt. Tuy nhiên, ngân hàng mượn tiền để cho vay nên phải thu lại được tiền”, ông Tú Anh nói.

Thực tế, các ngân hàng cũng tìm mọi phương thức để đưa nguồn vốn giá rẻ đến doanh nghiệp, nhất là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME).

Chẳng hạn, trong ký kết hợp đồng khung cho vay gián tiếp giữa Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEDF) thuộc Bộ Kế hoạch và Ðầu tư với các ngân hàng SHB, BAC A BANK, MB…, SMEDF cho vay trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua giao vốn cho các ngân hàng nhóm SME khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành và chuỗi giá trị thỏa mãn đủ các điều kiện vay vốn.

Ðược biết, khoản cho vay được áp dụng mức lãi suất thấp, chỉ 4,16%/năm với kỳ hạn ngắn và 6%/năm ở kỳ hạn trung và dài hạn với mục tiêu được xác định trở thành vốn mồi để thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước, các định chế tài chính, quỹ đầu tư, ngân hàng cùng hướng sự chú ý đến khối SME.

Ðặc biệt, doanh nghiệp được quyền trả nợ trước hạn mà không phải chịu bất cứ một khoản tiền hay phí trả nợ trước hạn.

Hay như SHB và Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) đã ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện nhằm mục đích hỗ trợ các hội viên của VINASME nâng cao năng lực cạnh tranh, tiếp cận nguồn vốn và sử dụng nguồn vốn vay có hiệu quả.

Trao đổi với Báo Ðầu tư Chứng khoán, tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần cho biết: “Ngân hàng là doanh nghiệp kinh doanh tiền, có khách hàng tốt, hà cớ gì mà không cho vay? Ngân hàng không thể ôm tiền mà không cho vay ra”.

Chia sẻ thêm, bà Tạ Thị Tuệ Anh, Giám đốc HSBC Việt Nam - Chi nhánh Hà Nội cho biết, doanh nghiệp Việt Nam có đặc thù là giao dịch với nhiều ngân hàng nên lý lịch tín dụng rất phức tạp. Trong khi để cùng đồng hành, doanh nghiệp cần tạo sự tin tưởng dài hạn đối với ngân hàng.

“Khi một doanh nghiệp đặt vấn đề vay vốn, nhân viên ngân hàng đến thẩm định dự án và phát hiện doanh nghiệp cũng đang sử dụng vốn tại ngân hàng khác, điều này khiến quá trình vay trở nên khó khăn”, bà Tuệ Anh nói.

Ông Vũ Tuấn Anh, Quyền Giám đốc khối Ngân hàng - Doanh nghiệp SHB nói: “Ðó là chưa tính đến việc nhiều doanh nghiệp chưa chú trọng đầu tư về công nghệ, quản lý… nên có chi phí vận hành lớn, khiến các ngân hàng e ngại rủi ro”.

“Về bản chất, hệ thống báo cáo tài chính của các doanh nghiệp Việt Nam có độ tin cậy thấp nên khó có thể thuyết phục ngân hàng. Doanh nghiệp cần chuyên nghiệp hơn để đi được đường dài với ngân hàng. Thực tế, thanh khoản hệ thống ngân hàng không thiếu, vấn đề là doanh nghiệp thiếu thị trường do cầu thấp. Do đó, cần xem lại giữa việc hạ lãi suất hay việc đẩy tín dụng ra, điều nào quan trọng hơn?”, ông Nguyễn Tú Anh nói.

Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch VINASME cũng thừa nhận: “Doanh nghiệp muốn vay được vốn ngân hàng thì phải thể hiện được ‘sức khỏe’, phải nâng tầm quản trị, năng lực, cấu trúc…”.

Theo TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, nếu nói về nguồn tiền vô hạn thì chắc chắn tiền đó không phải vốn ngân hàng, mà là vốn từ cổ phần hóa, đó chính là cách huy động vốn lớn nhất. Doanh nghiệp nhỏ và vừa đứng trước lựa chọn hoặc là duy trì theo kiểu doanh nghiệp gia đình, hoặc là cổ phần hóa để mở ra nguồn huy động dài hạn và vô tận này…                                     

Tin bài liên quan