Từ mật ngọt “không cần thế chấp” đến…
Gần Tết Nguyên đán, nhu cầu về tiền tăng cao nên các dịch vụ tín dụng tại cácngân hàng cũng như “tín dụng đen” có cơ hội phát triển. 5h chiều, ngày 26/1, tức ngày 17/12 Âm lịch, tại ngã tư đường nội bộ thuộc Khu công nghiệp Bình Tân (quận Tân Phú, TP.HCM) hàng ngàn công nhân tại các nhà máy tan ca, xuất hiện 3 thanh niên dúi vào tay công nhân tờ giấy với lời mời “cho vay tiền mặt không cần thế chấp”, đồng thời tờ giấy cũng ghi rõ số điện thoại cũng như thủ tục nếu công nhân muốn vay thì liên hệ.
Khi phóng viên gọi vào số 0936.773xxx thì được một người phụ nữ tên Oanh giới thiệu là nhân viên của ngân hàng K.L. Oanh cho biết, thủ tục vay rất đơn giản, chỉ cần có CMND và hộ khẩu, ảnh 3x4 và là công nhân có bảng lương 3 tháng trở lên, hoặc có hóa đơn điện từ 300.000 đồng trở lên là có thể vay từ 10 đến 30 triệu đồng với lãi suất từ 1 – 2,7%/tháng, nếu đồng ý Oanh sẽ tới tận nhà làm thủ tục và cho vay chỉ trong vòng 3 ngày.
Ngoài ra, cũng tại các bức tường quanh khu công nghiệp này có nhiều tờ giấy dán với lời mời, “công nhân chỉ cần “cắm” thẻ ATM, hoặc thẻ công nhân hay CMND” là có thể vay được cả chục triệu đồng. Thậm chí, nhiều người còn cho vay thông qua mối quan hệ quen biết, môi giới mà không cần thế chấp, hay tín chấp với mức lãi suất khá cao từ 5 đến 7% mỗi tháng.
Tại khu vực Làng Đại học Thủ Đức, (quận Thủ Đức, TP.HCM), những tờ rơi với lời mời tương tự như vậy rải đầy các cửa phòng trọ sinh viên và công nhân. Sinh viên và công nhân có thể vay với số tiền bằng 80% trị giá xe, hoặc từ 5 tới 10 triệu đồng cho giấy tờ tùy thân, “lãi suất cao hay thấp tùy vào giấy tờ vay”, một tờ giấy mời gọi vay tiền viết.
Hoàng Thanh Hiền, sinh viên năm thứ tư, Trường Đại học Bác khoa TP.HCM cho biết, thông thường, mức từ lãi suất sẽ tính theo ngày với mức từ 3.000 đồng - 10.000 đồng/1triệu đồng/ngày. Cũng theo Hiền, đây là hoạt động cho vay nặng lãi của các cá nhân, tổ chức tại khu vực làng đại học, chứ không phải của ngân hàng.
Không chỉ tại các khu công nghiệp hay làng sinh viên, những tờ rơi chào mời vay tiền tiêu Tết còn xuất hiện ngay tại các ngã tư ở quận trung tâm Thành phố. Liên hệ với số điện thoại 0907.413.xxx trên tờ rơi quảng cáo thì chúng tôi nhận được sự tư vấn nhiệt tình: “Nếu là nhân viên văn phòng muốn vay tiền, em cầm theo bảng lương cùng giấy tờ tùy thân khác sẽ có các mức cho vay khác nhau. Lãi suất tùy số tiền, thời gian vay, đặc biệt vay của ngân hàng nên lãi suất chỉ 1 - 3%, tùy vào mức tiền vay”, người đàn ông tên Cường chủ nhân số điện thoại trên tư vấn.
Theo một nhân viên ngân hàng quy mô nhỏ tại TP.HCM, thì tất cả các ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng nhỏ đang khuyến khích loại hình tín dụng cho vay tiêu dùng này, đặc biệt là áp đặt doanh số với nhân viên nên buộc nhân viên ngân hàng phải tìm mọi cách để giải ngân hết số tiền hạn mức của mình trong tháng.
Như vậy, việc các nhân viên ngân hàng in tờ rơi ra ngã tư đường phát là điều đương nhiên, nhưng thủ tục vay thực sự không đơn giản như những gì trong tờ rơi ghi, nếu người vay không trả đúng hạn sẽ bị nhân viên ngân hàng “tra tấn” bằng các cuộc điện thoại, thậm chí gọi về gia đình hoặc tới tận công ty để đòi nợ.
…đòi nợ kiểu “tra tấn”!
Cầm tờ giấy vay không thế chấp được những nhân viên phát tờ rơi dúi vào tay lúc tan ca, anh Nguyễn Văn Tỏ, quê Thanh Hóa đang là công nhân ở Khu công nghiệp Tân Bình cho biết, năm nay, kết quả làm ăn của công ty anh không tốt, nên chỉ được thưởng nửa tháng lương, không đủ tiền về quê ăn Tết nên buộc anh phải vay.
“Làm cả năm xa vợ con, tới Tết muốn về cùng vợ con, nhưng tiền lương và thưởng không đủ về ăn Tết thì buộc công nhân chúng tôi phải vay rồi làm trả nợ sau, lãi suất khá cao, tính ra 1 triệu đồng tiền vay, phải trả 5.000 đồng tiền lãi/ngày”, anh Tỏ cho biết.
5.000 đồng lãi suất một ngày, thì người vay phải chịu mức lãi suất 0,5%/ngày và tính theo năm sẽ lên tới 182%/năm.
Anh Châu Minh Phụng, quê Tiền Giang đang làm nhân viên văn phòng tại quận 3 ngán ngẩm, năm ngoái chưa đi làm nên không có tiền ăn Tết phải dùng giấy tờ xe vay 10 triệu đồng, với lãi suất 7%, nhưng sau Tết chưa kịp đóng tiền lãi thì bị tra tấn bởi nhân viên đòi nợ. Ngoài ra, tiền lãi 7% hàng tháng tới tận tháng 11 mới trả được hết số nợ, bởi mình lỡ ký vay gói 12 tháng, trả trước họ không chịu nên phải trả từ từ hàng tháng và tới tháng thứ 10 phía bên vay mới chịu cho trả hết một lượt.
“Giờ mới ngộ ra, tín chấp thì dễ vay khó trả”, anh Phụng ngậm ngùi.
Luật sư Đoàn Văn Hùng, Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng, mặc dù, Thông tư 12/2010/TT-NHNN ngày 14/4/2010 cho phép, “tổ chức tín dụng thực hiện cho vay bằng đồng Việt Nam theo lãi suất thỏa thuận đối với khách hàng”, tuy nhiên, “thỏa thuận” không có nghĩa là cắt cổ, bởi Điều 476, Bộ luật Dân sự quy định: lãi suất cho vay phải thấp hơn 150% lãi suất cơ bản (lãi suất cơ bản được Ngân hàng Nhà nước áp dụng là 9%/năm - nghĩa là 13,5%/năm). Theo luật sư Hùng, hiện vẫn không có văn bản nào quy định về lãi suất cho vay khác với quy định tại Bộ luật Dân sự.
“Để giải quyết và ngăn ngừa, hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực, rủi ro cho nềnkinh tế thì Ngân hàng Nhà nước cần có các quy định cụ thể về hoạt động cho vay của Công ty tài chính như: phân loại mức độ rủi ro của khách hàng với mức lãi suất cho vay tương ứng, tránh việc cào bằng áp dụng một lãi suất như nhau, đặc biệt Ngân hàng Nhà nước cần phải xác định mức lãi suất cho vay “cắt cổ” này và xử lý nghiêm”, Luật sư Hùng nói.