Lãi suất cao kéo dài ở Mỹ và châu Âu đang gây tác động tiêu cực tới Nhật Bản

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hôm thứ Năm (27/6), Chính phủ Nhật Bản cho biết, nền kinh tế nước này đang dần phục hồi, nhưng cảnh báo rằng lãi suất cao ở Mỹ và châu Âu có nguy cơ gây tổn hại cho nền kinh tế Nhật Bản cũng như của chính họ.
Lãi suất cao kéo dài ở Mỹ và châu Âu đang gây tác động tiêu cực tới Nhật Bản

Những rủi ro này đối với nền kinh tế Nhật Bản còn bao gồm áp lực lớn hơn đối với đồng yên đang suy yếu.

Sự suy yếu mạnh của đồng yên đã làm dấy lên mối lo ngại về chi phí sinh hoạt thông qua các hóa đơn nhập khẩu tăng cao. Đồng yên đã giảm khoảng 2% trong tháng 6 và 12% trong năm nay do chênh lệch lãi suất rõ rệt giữa Mỹ và Nhật Bản.

Báo cáo hàng tháng của Chính phủ Nhật Bản cho biết: “Nền kinh tế Nhật Bản đang phục hồi với tốc độ vừa phải, mặc dù gần đây có vẻ như đang tạm dừng… Nền kinh tế có thể phải đối mặt với rủi ro suy thoái do ảnh hưởng của mức lãi suất cao tiếp tục ở Mỹ và châu Âu… Cần chú ý đầy đủ đến những biến động trên thị trường tài chính và vốn".

Xét theo từng tiểu ngành, Chính phủ Nhật Bản vẫn giữ quan điểm ảm đạm đối với tiêu dùng tư nhân và xuất khẩu - hai trụ cột của nền kinh tế - đồng thời cho biết sự phục hồi dường như đang tạm dừng.

Mặt khác, Nhật Bản đã phát tín hiệu có thể can thiệp để nâng đỡ đồng yên sau khi đồng tiền này giảm xuống mức thấp nhất trong 38 năm so với đồng đô la Mỹ.

Hôm thứ Năm (27/6), Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki cho biết chính quyền sẽ có hành động cần thiết để ngăn chặn thiệt hại cho nền kinh tế.

“Chúng tôi đang theo dõi các động thái với tinh thần khẩn trương cao độ, phân tích các yếu tố đằng sau các động thái đó và sẽ thực hiện các hành động cần thiết”, ông cho biết.

Bình luận này của ông được đưa ra sau khi đồng yên suy yếu xuống mức 160,88 so với đồng đô la vào thứ Tư (26/6), mức thấp nhất kể từ năm 1986.

Sự sụt giảm mới nhất xảy ra trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang (Fed) phát đi tín hiệu rằng họ sẽ giữ lãi suất ở mức cao lâu hơn và lo ngại về sự bất ổn chính trị ở châu Âu trước cuộc bầu cử quốc hội Pháp.

Lần gần nhất Nhật Bản can thiệp để hỗ trợ đồng yên là vào tháng 4 sau khi đồng tiền này chạm mức thấp nhất trong 34 năm, với lượng mua vào đạt mức kỷ lục 9,788 nghìn tỷ yên (62,2 tỷ USD).

Các nhà chức trách cũng đã can thiệp vào thị trường ngoại hối ba lần vào năm 2022.

Đồng yên đã mất hơn 1/3 giá trị kể từ đầu năm 2021 khi các nhà đầu tư bán tháo đồng tiền này trong bối cảnh chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và Nhật Bản ngày càng lớn.

Trong khi Fed đã tăng lãi suất trong nhiều năm qua để giảm lạm phát đang tăng vọt, thì Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) vẫn giữ chi phí vay gần mức thấp kỷ lục như một phần trong nỗ lực đẩy giá cả và tiền lương tăng lên sau nhiều thập kỷ kinh tế trì trệ.

Tin bài liên quan