Mặc dù những nội dung sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới là dự thảo, song động thái tăng lãi suất huy động những ngày qua cho thấy, các nhà băng đang nỗ lực huy động nguồn tiền nhàn rỗi kỳ hạn dài để cân đối lại tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn. Vì vậy, khả năng lãi suất cho vay, nhất là đối với lĩnh vực bất động sản (chủ yếu vốn vay trung, dài hạn) sẽ nhích dần.
Trong dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 36 có nhiều quy định mới, đáng chú ý như giảm trần tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn từ của các NHTM từ 60% xuống còn 40%; đồng thời tái nâng hệ số rủi ro về các khoản phải đòi bất động sản từ 150% lên 250%.
Vì thế, các nhà băng đang ra sức đẩy mạnh huy động vốn, nhất là kỳ hạn dài ngày để cân đối nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn. Trong những ngày gần đây, không chỉ nhà băng nhỏ mà ngay cả ngân hàng lớn cũng điều chỉnh tăng lãi suất huy động, chủ yếu tập trung kỳ hạn dài ngày.
Eximbank đẩy mạnh chương trình khuyến mãi dành riêng cho khách hàng gửi tiền VND từ 15 tháng trở lên, với lãi suất lên đến 8%/năm dành cho kỳ hạn tiết kiệm VND 36 tháng, tăng 0,4% so với đầu tháng 2/2016.
OCB cũng vừa niêm yết lãi suất huy động mới tăng mạnh ở các kỳ hạn dài từ 12 - 36 tháng. Cụ thể, kỳ hạn 18 tháng, lãi suất là 7,6%/năm; 24 tháng 7,8%/năm và 36 tháng lên tới 8%/năm. Lãi suất huy động VND ở mức 8%/năm với kỳ hạn 13 tháng. Theo số liệu của NHNN TP. HCM, lãi suất cao nhất áp dụng trong khối NHTM cổ phần là 8,2%/năm đối với kỳ hạn trên 24 tháng.
Nhận xét về động thái tăng mạnh lãi suất kỳ hạn dài ngày của các nhà băng hiện nay, phó tổng giám đốc một ngân hàng cho rằng, không nằm ngoài mục đích cân đối lại tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn.
Theo vị này, đặc thù nguồn vốn huy động lâu nay tập trung lớn vào kỳ hạn ngắn. Tuy mặt bằng lãi suất huy động thời gian qua ổn định, các nhà băng áp dụng lãi suất huy động kỳ hạn dài cao hơn ngắn, nhưng người gửi tiết kiệm vẫn chọn kỳ hạn ngắn để dễ dàng xoay chuyển đồng vốn. Nhất là trong thời điểm một số kênh đầu tư khác như bất động sản, vàng, chứng khoán… đang xuất hiện những cơ hội bỏ vốn nên ngân hàng khó huy động tiết kiệm dài ngày.
Thực tế, với tín dụng bất động sản, khó có thể cho vay ngắn hạn, vốn vay chủ yếu trung dài hạn. Sản phẩm tín dụng vay mua nhà dành cho cá nhân đang được hầu hết ngân hàng triển khai có thời gian vay từ 10 - 15 năm, thậm chí 20 - 25 năm. Vì vậy, các nhà băng khó tránh được tình trạng lấy “ngắn” nuôi “dài” dẫn đến rủi ro thanh khoản.
Trong khi đó, theo thống kê mà NHNN mới công bố, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của hệ thống các tổ chức tín dụng đến thời điểm cuối tháng 12/2015 đã tăng khá cao, trong đó khối NHTM có vốn nhà nước là 33,36% và NHTM cổ phần là 36,9%, gần tiệm cận mức giới hạn theo quy định sửa đổi Thông tư 36 sắp được ban hành. Do đó, NHNN đã sớm đưa ra khuyến nghị, đồng thời “siết” lại tín dụng lĩnh vực này khi giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn và nâng hệ số rủi ro về các khoản phải đòi bất động sản.
Theo một lãnh đạo Eximbank, lãi suất huy động tăng, cộng với chủ trương siết tín dụng bất động sản sẽ khiến lãi suất cho vay lĩnh vực này tăng. Nhưng điều này nếu xảy ra cũng có độ trễ, vì các ngân hàng mới tăng lãi suất huy động. Mặt khác, lãi suất cho vay sẽ khó có thể tăng mạnh.
Bởi trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay, khi muốn điều chỉnh lãi suất, các NHTM sẽ phải nghe ngóng theo cung - cầu thị trường, phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chứ không phải chỉ phụ thuộc vào lãi suất huy động. Đồng thời, đầu ra tín dụng vẫn được NHNN kiểm soát, với mục tiêu 18 - 20% năm nay và cầu vốn chưa đột biến, ngân hàng khó “vượt” rào về “room” tín dụng…
Trong Chỉ thị 01/CT-NHNN vừa được ban hành, Thống đốc NHNN cũng đã yêu cầu các NHTM giữ ổn định lãi suất. Vì vậy, nếu lãi suất cho vay tăng, sẽ là đối với cho vay trung, dài hạn và mức tăng cũng không nhiều khi áp lực từ lạm phát tăng chưa xuất hiện.
Theo Chỉ thị 01/CT-NHNN về các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng năm 2016, định hướng của NHNN là tăng trưởng tín dụng cả năm vào khoảng 18 - 20%. Thế nhưng, các chuyên gia tài chính - tiền tệ cho rằng, lãi suất cho vay có thể tăng tối thiểu 1% từ nay tới hết năm 2016.
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng nhận định, lãi suất huy động tăng tạo áp lực lên lãi suất cho vay là điều khó tránh. Đồng thời, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất trong năm nay cũng sẽ tác động tới mặt bằng lãi suất Việt Nam. Tuy nhiên, khả năng phải đến cuối năm 2016, Fed mới tăng lãi suất.