Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố một con số đáng chú ý: 9 tháng đầu năm nay, cả nước có 48.700 DN giải thể hoặc ngừng hoạt động; trong đó, số DN giải thể là 5.803 DN, ngừng hoạt động là 11.421 và 31.477 DN đã dừng nộp thuế nhưng chưa đăng ký giải thể.
Cũng theo báo cáo, cả nước hiện có 550.000 DN đang hoạt động. So sánh tương quan có thể thấy, lượng DN giải thể, ngưng hoạt động trên cả nước trong 9 tháng đầu năm nay bằng gần 9% tổng số DN hiện có.
TTCK vốn được coi như hàn thử biểu, là tấm gương của nền kinh tế, có phản ánh được thực trạng trên? Theo thống kê, TTCK đang tổ chức giao dịch chứng khoán cho 803 DN (trên 3 sàn HOSE, HNX và UPCoM), với bức tranh hoạt động của các DN trên TTCK cũng mang nhiều gam màu sáng, tối. Bên cạnh những DN trong một số ngành đặc thù như cao su tự nhiên, thủy sản, dược phẩm, khoáng sản...…vẫn kinh doanh ổn định và có lãi, thì rất nhiều DN khác đang phải chật vật tìm kiếm lợi nhuận, thậm chí chật vật với việc làm thế nào để giảm bớt số lỗ trong năm nay. Cái khó nhất với đa số DN là thiếu vốn và dù Ngân hàng Nhà nước đã và đang cố gắng chỉ đạo giảm lãi suất cho vay xuống 17-19%, nhưng thực tế, một số DN vẫn đang phải chịu lãi vay trên 20%, cá biệt, có DN phải chấp nhận lãi vay đến 28%.
Giải bài toán vốn bằng cách nào là câu hỏi đau đầu nhất với các DN hiện nay. Trao đổi với ĐTCK, Chủ tịch Vinaconex đã từng chia sẻ rằng, Vinaconex buộc phải tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng trong thời điểm này là biện pháp "cực chẳng đã". Nếu tiếp cận được vốn vay với chi phí có thể chấp nhận được thì Vinaconex đã không phải phiền đến cổ đông. Một DN khác - CTCP Tổng công ty Xây lắp đầu khí Nghệ An (PVA) - DN đang trông chờ cổ đông đăng ký mua cổ phần trong đợt tăng vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng lên 600 tỷ đồng thì chia sẻ, DN nợ lớn (nợ gần 1.800 tỷ đồng) không phải do thua lỗ, mà là do đầu tư vào nhiều dự án lớn, vượt quá nguồn tiền có thể tự chi trả. Chấp nhận mạo hiểm để đổi lấy cơ hội, đó là quan điểm của lãnh đạo PVA. Nhưng cơ hội có đến hay không sẽ phụ thuộc rất lớn vào việc DN có tìm được nguồn tiền để trang trải nợ nần và đầu tư tiếp vào các dự án dang dở hay không.
Thiếu vốn, DN tìm mọi cách xoay xở để tìm vốn. CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội vừa công bố kế hoạch phát hành 350 tỷ đồng trái phiếu, trong đó đợt 1 sẽ huy động 250 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất lên đến 20%/năm. Mua trái phiếu để hưởng lãi suất 20%/năm là một tỷ lệ hấp dẫn nếu khoản đầu tư này là an toàn. Nhưng với DN, nếu huy động được vốn như kế hoạch thì làm thế nào để đồng vốn vay này sinh ra lợi nhuận lớn hơn 20%? Đây là bài toán khó và nếu DN không giải được thì tình trạng lỗ vốn của DN vẫn sẽ hoàn lỗ mà thôi.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, khó khăn của các DN năm nay có nguyên nhân từ lãi suất quá cao. Trong số 48.700 DN giải thể hoặc ngừng hoạt động 9 tháng đầu năm nay theo điều tra của Bộ, hiện không có tên DN niêm yết. Nhưng nếu không giải được bài toán vốn thì nhiều DN niêm yết - đối tượng DN khỏe mạnh và tiên phong của nền kinh tế, cũng sẽ phải đối mặt với áp lực ngưng hoạt động hoặc giải thể.