Lãi suất âm từng được coi là một khái niệm chỉ tồn tại trong giới học thuật, chứ không hiện hữu trong thực tế. Hiểu theo một cách đơn giản nhất, lãi suất âm xảy ra khi người cho vay phải trả tiền cho người khác để vay tiền của họ.
Lãi suất âm đã “tiến hóa” từ ý tưởng thành trọng tâm chính sách mà nhiều chính phủ tại châu Âu và châu Á đang theo đuổi. Ngay cả tại Mỹ, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Janet Yellen cũng từng phát biểu rằng, quốc gia này không loại trừ việc sử dụng lãi suất âm nếu cần thiết.
Theo thông lệ, các ngân hàng trung ương trên thế giới kiểm soát lượng cung tiền tại quốc gia của mình và thiết lập mức lãi suất cơ bản, mà các ngân hàng thương mại khác lấy đó làm cơ sở cho hoạt động cho vay.
Cụ thể, tại Mỹ, hệ thống tài chính-ngân hàng hoạt động theo mô hình: Người lao động kiếm tiền thông qua việc làm. Họ gửi tiền vào ngân hàng. Ngân hàng giữ một phần, cho vay một phần và gửi phần còn lại vào Fed. Nếu ngân hàng đó nắm giữ lượng tiền gửi tại Fed nhiều hơn so với quy định, họ có thể cho các ngân hàng thương mại khác vay thêm. Đó chính là hoạt động cho vay liên ngân hàng và lãi suất mà cả thế giới dõi theo mỗi khi Fed muốn thay đổi chính là lãi suất áp dụng cho hoạt động vay qua đêm trên các ngân hàng. Một cách gián tiếp, lãi suất tại nhiều nền kinh tế trên thế giới luôn vận động theo lãi suất tại Mỹ.
Công cụ lãi suất cũng như “chiếc đòn bẩy” mà Fed có thể kéo khi cần kiểm soát. Nếu Fed muốn các ngân hàng tăng cường cho vay và thúc đẩy nền kinh tế, Ngân hàng Trung ương Mỹ sẽ giảm lãi suất. Khi muốn “hạ nhiệt” nền kinh tế tăng trưởng nóng, Fed sẽ tăng lãi suất.
Tuy nhiên, cuộc Đại suy thoái xảy ra hồi năm 2009 đã viết lại các quy tắc tài chính và cách mà hệ thống ngân hàng trung ương có thể ứng phó. Trong suốt khủng hoảng, các ngân hàng trung ương trên thế giới đã làm đủ mọi cách để xoa dịu “nỗi đau” tài chính. Họ hạ lãi suất nhanh chóng như một chiến lược truyền thống để kích thích nền kinh tế. Tại nhiều khu vực, lãi suất rơi xuống 0%. Một số ngân hàng trung ương như Fed bắt đầu thử nghiệm phương thức “phi truyền thống”, như mua vào chính trái phiếu và tài sản của mình bằng tiền mặt để cải thiện lượng cung tiền trên thị trường thông qua hình thức nới lỏng định lượng (QE).
Khi QE và lãi suất 0% là chưa đủ, tại một số nơi như châu Âu và Nhật Bản, các ngân hàng trung ương đã quyết định thực hiện điều chưa từng có tiền lệ là đưa lãi suất xuống mức âm. Điều đó đồng nghĩa, các ngân hàng có ngân sách “nhàn rỗi” sẽ phải trả tiền cho hoạt động cho vay.
Đến nay, các nước như Thụy Điển, Đan Mạch, Thụy Sỹ và Nhật Bản là những nước đã thử nghiệm lãi suất âm với các mức độ thành công khác nhau. Riksbank của Thụy Điển là ngân hàng đầu tiên đưa lãi suất xuống dưới 0% hồi năm 2009. Sau đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và các ngân hàng trung ương của Đan Mạch, Thụy Sỹ cũng thực hiện các động thái tương tự.
Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB), các quốc gia theo đuổi chính sách lãi suất âm hiện nay chiếm khoảng 1/4 tổng GDP toàn cầu. Nếu lãi suất xuống ngưỡng âm, nhiều khả năng ngân hàng sẽ chuyển các chi phí đó sang chính người tiêu dùng. Tài khoản tiết kiệm có thể phải chịu phí, thay vì được trả lãi. Điều đó không phải là tin vui đối với những người muốn tiết kiệm tiền, song là sáng kiến hữu ích để kích thích người dân mua sắm, thay vì tiết kiệm.
Marc Bushallow, Giám đốc Quản lý tài sản tại Manning & Napier cho rằng: “Với các mức lãi suất âm, rõ ràng người gửi tiền sẽ khó lòng chấp nhận đưa tiền của mình vào hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, kinh nghiệm trong vài năm qua cho thấy, các ngân hàng sẽ cần thêm nhiều dư địa để ứng phó với các cuộc khủng hoảng tài chính trong tương lai, chứ không chỉ trông chờ vào công cụ lãi suất âm”.
Với viễn cảnh đó, có người nói đùa rằng, Giáo sư Mishkin có thể sẽ phải cập nhật cuốn sách kinh điển của mình và manh nha thêm một số ý tưởng mới.