Một số DN lựa chọn phát hành riêng lẻ kết hợp với phát hành cho cán bộ, nhân viên như CTCP Cảng Cát Lái (CLL) nộp hồ sơ đăng ký phát hành 10 triệu cổ phiếu để tăng vốn từ 240 tỷ đồng lên 340 tỷ đồng. Trong đó, Công ty phát hành 1,2 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP), tỷ lệ 5%, với mức giá 15.000 đồng/CP; chào bán riêng lẻ 6,4 triệu cổ phiếu, với giá chào bán 16.000 đồng/CP; phát hành 2,4 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2014, tỷ lệ 10%. Số vốn huy động từ đợt phát hành sẽ được CLL bổ sung vốn lưu động và phục vụ nhu cầu đầu tư sản xuất - kinh doanh, đồng thời tái cơ cấu nguồn vốn.
CTCP Tư vấn Thương mại Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân (HQC), sau khi phân phối thành công 30 triệu cổ phiếu phát hành cho cổ đông hiện hữu (tương đương tỷ lệ 2%) trên tổng số 50,9 cổ phiếu chào bán trong tháng 12/2014, HQC cho biết, Công ty tiếp tục chào bán 29,9 cổ phiếu với giá 10.000 đồng/CP cho 5 cổ đông ngay trong quý I/2015.
CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (DLG) vừa thông qua phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ để hoán đổi 100% cổ phần của Công ty Mass Noble. Cụ thể, DLG sẽ phát hành riêng lẻ 20,4 triệu cổ phần để hoán đổi 29,16 triệu cổ phần của Công ty Mass Noble (tương ứng 100% cổ phần) với tỷ lệ hoán đổi 1:1.43. So với Nghị quyết ĐHCĐ bất thường ngày 27/11/2014 của DLG thì tỷ lệ hoán đổi mới cao hơn và điều này đang có lợi cho cổ đông của DLG.
Trong khi đó, CTCP Nông dược H.A.I (HAI) lựa chọn phương án phát hành gần 52,2 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 1:1,5 với giá 12.500 đồng/CP.
Lên kế hoạch là vậy, nhưng thành công trong việc tăng vốn DN lại phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. CTCP Công nghiệp Khoáng sản Bình Thuận (KSA) khá “lận đận” trong việc tăng vốn. KSA lên kế hoạch tăng vốn từ năm 2012, nhưng vì điều kiện thị trường không thuận lợi (thị giá thấp hơn nhiều so với giá phát hành) nên Công ty phải chuyển sang năm 2013, nhưng đến cuối năm 2014 mới thực hiện chào bán thành công 30 triệu cổ phần với giá 10.000 đồng/CP để tăng vốn từ 373 tỷ đồng lên 673 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo KSA, Công ty quyết tâm tăng vốn để có nguồn đầu tư mở rộng dự án khoáng sản. Với nguồn vốn 300 tỷ đồng từ đợt phát hành trên, KSA hợp tác với CTCP Xuất nhập khẩu Đạt Anh khai thác khoáng sản than tại Bắc Giang với tổng diện tích được cấp phép là 77 héc-ta, trữ lượng 387.60 tấn đến hết năm 2018 (số tiền đầu tư tối đa là 100 tỷ đồng), đồng thời Công ty sẽ tham gia hợp tác với các DN theo phương án tái cấu trúc và bổ sung vốn lưu động. Nếu thị trường thuận lợi, KSA sẽ tiếp tục tăng vốn 2015.
Không chỉ dừng lại ở nhu cầu của DN, việc tăng vốn còn nhằm đáp ứng quy định mới đối với từng ngành, từng lĩnh vực. Ở lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng, năm nay sẽ là một năm “chạy đua” tăng vốn. Nhiều CTCK đã lên kế hoạch từ năm 2014 nhằm tìm nguồn vốn thay thế cho nguồn vốn vay từ các ngân hàng bị siết chặt theo quy định của Thông tư 36/2014/TT-NHNN (có hiệu lực từ ngày 1/2/2015) thông qua phát hành cổ phiếu, trái phiếu. Tăng vốn cũng là điều kiện cần để các CTCK đáp ứng được tiêu chuẩn tham gia TTCK phái sinh, dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2016.
Ở khối ngân hàng, tăng vốn để đáp ứng yêu cầu vốn tối thiểu trở thành áp lực đối với những ngân hàng có quy mộ vốn nhỏ, nếu không muốn bị sáp nhập với các ngân hàng khác. Ngày 6/1 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận cho Ngân hàng Nam Á (NamABank) tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng theo phương án tăng vốn được ĐHCĐ thường niên và HĐQT ngân hàng thông qua.
Lãnh đạo một số DN “trong cuộc” chia sẻ, việc huy động vốn trong thời gian này dù khó khăn, nhưng vẫn còn hướng để xoay xở. Trước đây, các DN gặp khó trong việc phát hành tăng vốn khi giá phát hành thấp hơn mệnh giá, nhưng năm nay hy vọng sẽ dễ dàng hơn nếu TTCK khởi sắc và Bộ Tài chính ban hành văn bản hướng dẫn DN phát hành dưới mệnh giá.