Không khó để nhận ra những căn nhà lụp xụp, được xây dựng tạm bợ tại các kênh, rạch tại TP.HCM.

Không khó để nhận ra những căn nhà lụp xụp, được xây dựng tạm bợ tại các kênh, rạch tại TP.HCM.

Lại “nóng” việc di dời nhà ven kênh, rạch tại TP.HCM

0:00 / 0:00
0:00
Kế hoạch di dời nhà ở trên và ven kênh, rạch của TP.HCM đã được triển khai nhiều năm trước, nhưng đến nay, hàng ngàn hộ gia đình ở những khu vực này vẫn thấp thỏm mong được di dời.

Lận đận di dời nhà ven kênh, rạch

Đi dọc hai bờ Nam - Bắc kênh Đôi, trải dài trên 16 phường của quận 8 (TP.HCM), không khó để nhận ra những căn nhà lụp xụp, được xây dựng tạm bợ. Theo thời gian, những căn nhà này càng trở nên cũ kỹ, nhiều căn có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào.

Nếu muốn tiếp cận những căn nhà này, phải đi qua rất nhiều con hẻm nhỏ, ngoằn ngoèo, có khi chỉ vừa đủ một xe máy lưu thông. Dù điều kiện sống như điện, nước sạch, phòng cháy, chữa cháy… không đảm bảo, nhưng khu vực này lại là nơi “an cư” của hàng ngàn người dân.

Nhằm chỉnh trang và phát triển đô thị, UBND TP.HCM đã có kế hoạch di dời nhà ở trên và ven kênh, rạch. Cụ thể, giai đoạn 2016 - 2020, TP.HCM đặt mục tiêu cơ bản hoàn tất di dời hơn 20.000 căn nhà trên và ven kênh, rạch. Sau đó, Thành phố điều chỉnh mục tiêu, phân kỳ lại kế hoạch đến năm 2020 hoàn thành di dời 10.000 căn, song nhiệm kỳ qua chỉ di dời được 2.479 căn.

Mới đây, Sở Xây dựng TP.HCM có Tờ trình gửi UBND Thành phố về chương trình Kế hoạch Chỉnh trang, phát triển đô thị giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, Sở chỉ đặt chỉ tiêu bồi thường, di dời 6.500 căn, tổng vốn đầu tư dự kiến 19.280 tỷ đồng, bằng khoảng 1/3 so với Kế hoạch.

Lý giải việc đặt chỉ tiêu khá “khiêm tốn” này, đại diện Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, trong giai đoạn 2021 - 2025, khả năng cân đối ngân sách của Thành phố tương đối hạn chế so với tổng nhu cầu vốn cho các dự án đầu tư hạ tầng giao thông trọng điểm, dự án cấp bách do sở, ngành, quận, huyện đề xuất.

Do đó, ngoài các dự án đã có chủ trương đầu tư công của giai đoạn 2016 - 2020 có thể được chuyển tiếp trong giai đoạn tới, các dự án ngân sách còn lại khó được thông qua chủ trương đầu tư công trung hạn, để tiến hành thực hiện các bước thủ tục về đầu tư, bồi thường, di dời…

Ngoài ra, việc di dời nhà ven và trên kênh rạch hiện nay không còn thực hiện theo phương thức đối tác công - tư như trước, nên các dự án bằng nguồn vốn xã hội hóa sẽ chỉ thực hiện bằng một trong hai phương thức là đấu thầu hoặc đấu giá. Vì vậy, Sở Xây dựng cho rằng, cần đề xuất các giải pháp gia tăng hiệu quả khai thác quỹ đất dọc kênh rạch để thu hút nhà đầu tư tham gia thực hiện dự án.

Cần cân đối bài toán vốn và quyền lợi

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, một số doanh nghiệp bất động sản cũng cho biết đã khảo sát, lập đề án tham gia các dự án di dời nhà ven kênh rạch tại TP.HCM, nhưng sau đó không triển khai được. Lý do là số lượng nhà trên và ven kênh rạch quá lớn, trong khi cơ chế bồi thường, hỗ trợ chưa rõ ràng; những căn nhà này hầu hết xây dựng không hợp lệ khiến việc tái định cư cho các hộ dân bị giải tỏa khó thực hiện được nếu không có sự can thiệp, hỗ trợ từ phía Nhà nước.

Hơn thế nữa, vấn đề đặt ra là cơ chế khuyến khích, ưu đãi để các nhà đầu tư “mạo hiểm” tham gia vào lĩnh vực này hiện cũng chưa có, nhất là quy hoạch, hệ số sử dụng đất hai bên kênh rạch.

“Bên cạnh đóng góp cho xã hội, doanh nghiệp nào cũng mong muốn có lợi nhuận. Vì vậy, TP.HCM nên tạo cơ chế hấp dẫn để thu hút doanh nghiệp đầu tư”, giám đốc một doanh nghiệp bất động sản đặt vấn đề.

Một số chuyên gia cho rằng, di dời nhà trên kênh, rạch không hẳn là bài toán hóc búa. Nếu TP.HCM mạnh dạn tăng quỹ đất dọc hành lang các kênh, rạch này để xây dựng các công trình thương mại; xây dựng những dự án hấp dẫn hơn, có khả năng thu hồi vốn cao, thì sẽ thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia.

Kiến trúc sư Lê Văn Năm, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM chia sẻ, từ những kinh nghiệm trước đây về giải quyết nhà ven kênh rạch, TP.HCM cần nâng cao chất lượng công tác lập và phê duyệt quy hoạch có liên quan tới kênh, rạch. Cùng với đó, phải khai thác, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn; phát huy tối đa tiềm năng từ việc tạo quỹ đất để khai thác và mời gọi đầu tư; tập trung cao độ cho yêu cầu giải phóng mặt bằng và có kế hoạch thật chi tiết cho việc tạo ra quỹ nhà tái định cư bằng nhiều giải pháp (đầu tư xây dựng mới, sử dụng nhà ở xã hội hoặc nhà ở thương mại…).

Nhìn từ khía cạnh hiệu quả đầu tư, theo kiến trúc sư Ngô Viết Lam Sơn, để giải bài toán di dời nhà ven và trên kênh rạch, TP.HCM cần có cơ chế, chính sách để cân đối giữa quyền lợi của nhà đầu tư và người dân.

“Thành phố phải xây dựng cơ chế mở để nhà đầu tư căn cứ khung chính sách và tự thỏa thuận với người dân, nên nghiên cứu cho phép thiết lập các chỉ tiêu quy hoạch mềm dẻo, trên cơ sở đánh giá rõ áp lực công trình sau khi cải tạo đối với hạ tầng giao thông, môi trường đô thị, đồng thời tăng tính hấp dẫn cho nhà đầu tư”, kiến trúc sư Ngô Viết Lam Sơn khuyến nghị.

Tin bài liên quan