Với mỗi ngân hàng, cách định danh khách hàng VIP là khác nhau, nhưng phần lớn đều dành sự ưu ái và những cơ chế đặc thù đối với phân khúc khách hàng đặc biệt này. Dù vậy, những vụ việc hàng chục, hàng trăm tỷ đồng tiền gửi trong tài khoản tiết kiệm tại ngân hàng bỗng dưng "bốc hơi" khiến khách hàng lo ngại. Hàng loạt vụ việc xảy ra trên thực tế cho thấy, có lỗ hổng từ phía ngân hàng và sự chủ quan từ phía khách hàng.
Trong một số vụ việc, cán bộ ngân hàng cố ý làm sai quy trình, quy định giao dịch. Trong vụ án Vũ Thanh Tùng (sinh năm 1982, nguyên Phó Phòng quan hệ khách hàng cá nhân của Ngân hàng H - Chi nhánh Hoàn Kiếm kiêm Trưởng Quỹ tiết kiệm Long Biên) lập các sổ tiết kiệm giả để rút 24,7 tỷ đồng của các khách hàng.
Để đối phó với ngân hàng, Tùng nói, đây là các khách hàng VIP, họ yêu cầu rút tiền, chuyển tiền mà không cần đến ngân hàng và mình có trách nhiệm giao tiền trước cho khách, yêu cầu họ ký chứng từ rồi giao lại cho ngân hàng sau.
Do đó, các nhân viên ngân hàng khác như kiểm soát viên, giao dịch viên, thủ quỹ đều không nghi ngờ và cho Tùng rút tiền mặt hoặc chuyển khoản. Về phía khách hàng, do tin tưởng Vũ Thanh Tùng là lãnh đạo nên nhờ làm thủ tục thu tiền, gửi tiền tại nhà.
Trong vụ việc tại Eximbank, cơ quan điều tra có thông báo gửi ngân hàng với nội dung, chữ ký của khách hàng trên các chứng từ có liên quan đến việc rút tiền là thật. Lãnh đạo ngân hàng này chia sẻ, theo quy trình giao dịch tại nhà đối với khách VIP, thường có từ 2-3 nhân viên ngân hàng đến làm việc. Tuy nhiên, trong quá trình giao dịch, khách hàng không muốn tiếp xúc với người khác ngoài phó giám đốc chi nhánh. Vụ việc này đang được cơ quan điều tra làm rõ.
Tuy nhiên, điểm mấu chốt trong các vụ việc trên, đồng thời cũng là mối quan tâm hàng đầu của khách hàng mất tiền, đó là việc truy đòi tài sản để khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, ai là người chịu trách nhiệm bồi thường lại là vấn đề không hề đơn giản. Khách hàng phải mất nhiều thời gian, công sức theo đuổi vụ án hình sự để có bản án của tòa án mới được giải quyết quyền lợi.
Có những vụ việc ngân hàng chủ động chi trả để đảm bảo quyền lợi khách hàng như trong vụ án Vũ Thanh Tùng nêu trên, Ngân hàng H đã trích tiền tạm ứng để chi trả cho các khách hàng. Song, không phải vụ việc nào cũng được giải quyết êm xuôi, đặc biệt là việc xác định tội danh bị cáo nhằm xác định trách nhiệm dân sự.
Có những vụ việc gây tranh cãi trong thời gian dài như vụ Huỳnh Thị Huyền Như tự huy động vốn chiếm đoạt hơn 1.000 tỷ đồng của 5 công ty là tội Tham ô tài sản hay Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty luật Basico, khách hàng mất tiền sẽ được cơ quan pháp luật bảo vệ.
“Tuy nhiên, việc các ngân hàng không phải chịu trách nhiệm, điển hình như vụ án Huỳnh Thị Huyền Như, dẫn đến thiệt thòi cho khách hàng. Nếu ngân hàng phải đền tiền với con số hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng ắt hẳn mọi thứ sẽ vào nề nếp. Vấn đề tương tự đã từng được đặt ra cách đây 3 năm trên thị trường chứng khoán khi một số khách hàng bỗng dưng mất tiền do bị công ty chứng khoán bán giải chấp cổ phiếu. Sau vụ việc, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã quy trách nhiệm cho công ty chứng khoán. Theo đó, doanh nghiệp tự phải "rào dậu' đối với nhân viên của mình”, ông Đức chia sẻ thêm.
Luật sư Trương Thanh Đức cũng cho rằng, cần thay đổi quan điểm về quy trách nhiệm, xử lý trách nhiệm về cơ bản nguyên tắc phải là pháp nhân.