Bán tháo ở… “phút 89”
Thời gian gần đây, trên nhiều room chứng khoán, nhà đầu tư xôn xao vì thị trường có nhiều cú giảm điểm mạnh về cuối phiên mặc dù không xuất hiện tin xấu nào.
Tại phiên giao dịch chiều 17/10, khi chỉ số đang lình xình đi ngang 1.135 – 1.140 điểm với thanh khoản yếu, có lúc đảo chiều nhưng biên độ giảm của nhiều ngành chỉ ở mức thấp (thậm chí đóng cửa phiên sáng còn tăng 6,22 điểm), thì khi vừa bước vào phiên ATC (at the close – phiên khớp lệnh xác định giá đóng cửa, kéo dài 15 phút cuối), hàng loạt lệnh bán giá sàn đột ngột được tung vào khiến thị trường có nhịp lao dốc mạnh, mất 19,77 điểm về 1.121,65 điểm khi đóng cửa.
Kết thúc phiên, có tới 36 mã giảm sàn như: VGC, KDH, HHV (nhóm bất động sản), VCI, HCM, AGR, CTS (nhóm chứng khoán), IDI, GIL, ANV, CSV (nhóm dầu khí, vận tải, nguyên vật liệu…)… Bên cạnh đó, hàng loạt mã khác giảm mạnh đến mức gần sàn.
Diễn biến phiên giao dịch ngày 17/10. |
Trước đó, tại phiên 14/6, hàng loạt cổ phiếu vốn hoá lớn bị ép xuống trong phiên ATC khiến VN-Index đang tăng 3,13 điểm thành giảm 5,04 điểm; phiên giao dịch 29/12/2022 cũng chứng kiến chỉ trong phiên ATC và hơn 10 phút trước đó, VN-Index đã mất tới 1,24% giá trị…
Chứng kiến diễn biến này vào ngày 17/10, trên các diễn đàn, nhóm chứng khoán, hàng loạt nhà đầu tư tỏ ra rất khó hiểu và thất vọng. Không ít nhà đầu tư cho rằng việc bị “đạp” trong phiên ATC làm méo mó mức giá và kiến nghị loại bỏ phiên ATC.
“Đang xanh mướt bỗng sập sàn, mặc dù không có tin xấu vĩ mô hay vụ bắt bớ nào cả. Điều này rất khó giải thích, trừ lý do tạo lập đang “độc diễn” nhằm thao túng thị trường. Nên bỏ quy định giao dịch ATC thì sẽ hạn chế được điều này”, nhà đầu tư Quang Hưng bình luận trên một nhóm chứng khoán.
““Cá lớn” cứ đạp thế này anh em hết muốn đầu tư, khác nào những vụ cướp có kế hoạch. Thôi đóng bảng mà quay về làm công ăn lương. Chờ nhau ở 1.00x”, nhà đầu tư Quỳnh Nga ngao ngán.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, anh Mạnh Hùng, một nhà đầu tư lâu năm nhận định, khi thị trường lình xình, thanh khoản cạn (trùng hợp diễn biễn thị trường thời gian gần đây), những “tay to” thường sẽ phải lựa chọn một trong hai kịch bản: một là kéo vụt chỉ số lên để thu hút dòng tiền vào nhằm thoát hàng, hai là đánh sập thị trường khiến nhà đầu tư bị call margin phải cắt lỗ bán ra rồi họ dễ dàng thu gom cổ phiếu giá rẻ ở vùng đáy.
“Vừa qua tôi quan sát thấy dường như sau khi “nhử” nhà đầu tư nhỏ lẻ mấy phiên bằng cách kéo chỉ số lên nhưng không ăn thua (do tiền trên thị trường bây giờ hầu hết của nhà đầu tư nhỏ lẻ, còn nước ngoài và tổ chức đã thoát hàng trước đó do vĩ mô không thuận lợi), thì có vẻ họ đã chọn kịch bản thứ hai là cho sập thị trường", anh Hùng nói.
Theo nhà đầu tư này, sở dĩ họ làm được như vậy vì họ có lực cung nên bán chủ động ở ATC, phiên giao dịch mà nhà đầu tư nhỏ lẻ hầu như chỉ có thể đứng nhìn cho dù tài khoản cứ thế bốc hơi. Thậm chí, họ có thể đã liên kết với nhau mang “hàng kho” ra short (bán khống) nhằm “đạp” thị trường để gom vào.
ATC – Góc tối của thị trường chứng khoán?
Trước diễn biến của phiên ATC ngày 17/10, anh Linh, chuyên viên tư vấn của một công ty chứng khoán lớn cho rằng, khi thị trường không có tin gì xấu, nhóm “cá mập” đã lợi dụng bối cảnh thanh khoản thấp để bán khống dần từ sau 14h kéo đến hết phiên ATC.
"Nhìn diễn biến dòng tiền lớn trong những ngày đó thì thấy bên cạnh lượng bán lớn luôn có lệnh mua giá sàn chờ sẵn để khớp, phần còn lại được mua bù ở 1-2 phiên sau”, chuyên viên này nói và nhấn mạnh, “cá mập” cho sập thị trường để vừa gom cổ phiếu giá thấp vừa hiện thực hoá lợi nhuận từ việc “short” trong phiên 17/10.
Ông Huỳnh Minh Tuấn, nhà sáng lập kiêm CEO Công ty Đầu tư FIDT cho biết, trong quá khứ, việc thị trường xảy ra bán tháo thường tập trung ở tin vĩ mô hoặc tin lãnh đạo doanh nghiệp bị vướng vòng lao lý.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, thông tin xấu mang tính vĩ mô như vậy là không có, và phần lớn lời đồn thổi của thị trường liên quan tới "kho hàng", một dạng sản phẩm margin phái sinh của thị trường chứng khoán đã tồn tại nhiều năm qua.
Ông Huỳnh Minh Tuấn, nhà sáng lập kiêm CEO Công ty Đầu tư FIDT |
Xâu chuỗi câu chuyện trong quá khứ sau những vụ như Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết, CEO Nguyễn Đỗ Lăng của APEC Group (đều bị khởi tố vì thao túng chứng khoán)..., ông Tuấn cho rằng: “Đâu đó có những sự liên đới tới loại hình sản phẩm phái sinh này ở góc độ tăng vốn ảo và thao túng là có sơ sở”, đặc biệt khi gần đây câu chuyện uỷ thác (người môi giới nhận đầu tư hộ cho khách hàng và chia lời lỗ) cũng nóng lên khi thị trường trải qua một đợt sụt giảm mạnh từ 2022 tới giờ, khiến nhà đầu tư đi từ lỗ nặng tới rất nặng.
Trong nhận định chủ quan của mình, CEO FIDT cho rằng, sự hội tụ của những vấn đề này tạo ra một lực cung bất ngờ đến từ những dòng tiền thông minh (smart money), nên việc “thuận nước đẩy thuyền” trong một bối cảnh tâm lý nhà đầu tư yếu và hàm ẩn tin xấu hoàn toàn hợp lý với bối cảnh hôm 17/10.
Nhà đầu tư Mạnh Hùng tiết lộ, sau nhiều năm thực chiến, anh phát hiện trên thị trường có sự tồn tại không chính thức những “kho hàng” luôn sẵn sàng cho nhà đầu tư vay cao hơn mức 5-5. Không chính thức là bởi vì quy định hiện tại chỉ cho phép vay margin không quá tỷ lệ 5-5.
Một trong những “kho hàng” được quảng bá là "margin cá mập" với tỷ lệ đòn bẩy lên tới 1:9 |
Anh Hùng cho rằng, sự tồn tại của những "kho hàng" đã đáp ứng phần nào nhu cầu đa dạng hoá sản phẩm tài chính của một bộ phận nhà đầu tư, tuy nhiên việc không được công nhận chính thức của "kho hàng" cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro về cả đầu tư lẫn pháp lý cho nhà đầu tư. Trên thực tế từng xảy trường hợp nhà đầu tư vay kho rồi khi bị call margin thì vay cả tín dụng đen để trả cho kho dẫn đến vỡ nợ, xiết nợ…
Phân tích sự tồn tại của những “kho hàng” này, ông Huỳnh Minh Tuấn cho rằng, mọi sự tồn tại đều có lý. Khi một số nhu cầu của nhà đầu tư chưa được đáp ứng bởi những sản phẩm chính danh thì những sản phẩm phái sinh buộc phải sinh ra và tồn tại cho đến khi được công nhận.
“Thị trường đang tự sửa lỗi của nó trong quá trình vận động, tồn tại và phát triển”, vị chuyên gia nói.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc Chi nhánh Hà Nội, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam nêu quan điểm, lượng hàng lớn bán ồ ạt trong thời gian ngắn thì khả năng cao là do lệnh bán từ các nhà đầu tư lớn (có thể là cá nhân, tổ chức).
Ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc Chi nhánh Hà Nội, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam |
Theo nguyên tắc cung cầu, nhà đầu tư nhỏ hay lớn đều có quyền như nhau; khi có dấu hiệu vi phạm nguyên tắc cần bán thì họ bán là chuyện rất bình thường và do tài sản họ lớn nên khi bán mới ảnh hưởng tới thị trường.
Khi được hỏi quan điểm về chuyện "kho hàng", chuyên gia Yuanta nói rằng, sử dụng đòn bẩy là con dao 2 lưỡi, đòn bẩy càng cao rủi ro sẽ càng lớn.
Để khắc phục chuyện nhà đầu tư phải vay kho, theo ông Quang, thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua 25 năm, nhà đầu tư chứng khoán ngày càng chuyên nghiệp hơn, đã đến lúc cần kiến nghị gia tăng tỷ lệ margin còn việc quản trị rủi ro và sử dụng đòn bẩy như thế nào thì để nhà đầu tư tự cân đối.
Ông Quang cũng cho rằng, bỏ phiên ATC sẽ tốt hơn cho nhà đầu tư và hạn chế được câu chuyện trên, do ATC là phiên mà nhà đầu tư bị động nhất.
"Đã đặt lệnh thì không thể hủy/sửa. Tất cả các lệnh được giao dịch dựa trên cơ sở so sánh khớp lệnh mua và bán chứng khoán tại cùng một thời điểm trong khoảng thời gian 15 phút, điều này rất rủi ro vì tâm lý sẽ được dồn nén trong 15 phút. Ví dụ, nếu có 1 lệnh bán lớn ở mã lớn sẽ tác động tâm lý tới nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu đó và họ có thể bán theo...", ông Quang nói.
Được biết, sắp tới đây, khi hệ thống giao dịch KRX được áp dụng, nhiều công cụ tài chính và nghiệp vụ mới dự kiến sẽ được triển khai, trong đó có giải pháp giao dịch T+0 và bán khống.
Trong một phát biểu mới đây, bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ phát triển thị trường, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) thừa nhận những sản phẩm phái sinh trên thị trường còn có ít (mới có một sản phẩm).
Theo bà Bình, một trong những nhiệm vụ trong thời gian tới đây, SSC sẽ cố gắng triển khai ngay các sản phẩm khác trên thị trường phái sinh như sản phẩm hợp đồng tương lai chỉ số VN100, hợp đồng tương lai với tài sản cơ sở khác, hợp đồng quyền chọn…
Và để hỗ trợ cho tất cả việc này, lãnh đạo SSC cho biết, cơ quan quản lý sẽ sớm đưa vào vận hành hệ thống giao dịch mới KRX với nhiệm vụ không chỉ hỗ trợ triển khai các sản phẩm mới mà còn hỗ trợ cho cơ quan quản lý trong công tác giám sát thị trường.