Lại “nóng” chuyện cước tàu biển tăng cao từng ngày

0:00 / 0:00
0:00
Hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường lớn như Mỹ, EU... đều phụ thuộc vào hãng tàu nước ngoài. Đáng nói là, gần đây, những hãng này liên tục rút chuyến và đội giá lên cao, gây khó cho doanh nghiệp.
Các hãng tàu lớn hiện phần lớn tập trung "phục vụ" hàng hoá Trung Quốc.

Các hãng tàu lớn hiện phần lớn tập trung "phục vụ" hàng hoá Trung Quốc.

Vì sao giá cước tàu biển tăng đến hơn 100%

Theo Cục Hàng hải Việt Nam, thống kê từ đầu tháng 6/2024, giá vận chuyển hàng hoá container bằng đường biển đi các nước châu Âu, Mỹ đang có xu hướng tăng mạnh, chỉ số container thế giới tăng 12% đến 4.716 USD/container 40 feet trong tuần qua.

Còn theo dữ liệu từ sàn giao dịch logistics quốc tế Phaata, giá cước tuyến TP.HCM đi Mỹ đang tăng mạnh. Trong khi đó, chỉ số container thế giới của Drewry (WCI) tăng 12% lên 4.716 USD/container 40 feet trong tuần từ ngày 30-5 tới ngày 6-6 và tăng 181% so với cùng kỳ năm ngoái.

Từ Thượng Hải đến Genoa, giá cước đã tăng 17% ở mức 6.664 USD/container 40 feet. Giá cước từ Thượng Hải đến New York tăng 6% lên 7.214 USD/container 40 feet.

Việc định tuyến lại các tàu từ Biển Đỏ qua Mũi Hảo Vọng đã gây ra tình trạng thiếu công suất, tắc nghẽn cảng ngày càng tăng và nhu cầu tăng cao. Đây cũng chính là nguyên nhân thúc đẩy sự gia tăng đột biến về giá vận chuyển container giao ngay trên các tuyến đường chính. Bên cạnh tình hình tắc nghẽn cảng biển tại một số cảng ở châu Á hiện còn có thực trạng mất cân đối vỏ container phục vụ hàng xuất khẩu và nhập khẩu.

Nhiều chuyên gia đầu ngành nhận định, việc Mỹ lên kế hoạch áp thuế mạnh lên nhiều loại hàng hóa Trung Quốc như xe điện, linh kiện pin, pin mặt trời... từ tháng 8/2024 khiến các nhà xuất khẩu Trung Quốc đang đẩy mạnh xuất hàng trước thời hạn.

Do đó nhiều nhà xuất khẩu Trung Quốc đang trả giá cao hơn với các hãng tàu để đảm bảo được chỗ trên các tàu đi Mỹ và châu Âu. Các doanh nghiệp phía Trung Quốc sẵn sàng trả đến 1.000 USD cho 1 slot trên tàu, trong khi Việt Nam chỉ trả 600 USD. Vì vậy các hãng tàu hiện gần như đã ưu tiên phần lớn cho phía Trung Quốc, rút bớt chuyến với các nước trong đó có Việt Nam, dẫn đến thực trạng tăng giá khủng như hiện nay.

Doanh nghiệp xuất khẩu ứng biến ra sao

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết phí vận tải biển đang được ghi nhận tăng trở lại gây khó cho ngành thuỷ sản. Bởi theo ông Nam, doanh nghiệp trong ngành chủ yếu hoạt động xuất khẩu, mỗi năm sử dụng hơn 1 triệu container, nhưng hiện tại, để đặt được container là rất khó.

“Các hãng tàu lớn đang giảm chuyến, giảm tàu, nên chi phí logistics bị đẩy lên rất cao, nhất là khi các doanh nghiệp Việt hay bán FOB”, ông Nam chia sẻ.

Theo ông Phan Văn Có, Giám đốc Marketing Vinarice, giá cước vận chuyển nội địa lẫn xuất khẩu đều tăng nhanh đến nỗi doanh nghiệp không thể xuất gạo đi và có nhiều hợp đồng xin gia hạn cũng như đàm phán lại về chi phí vận chuyển.

“Từ hồi tháng 4/2024, cước phí vận chuyển một container gạo từ Cần Thơ lên TP.HCM đã tốn của doanh nghiệp 10 triệu đồng. Bây giờ giá tàu biển tăng hàng ngày và hiện đã tăng từ 100 - 200% so với trước khiến doanh nghiệp khó bán hàng ra vì bán ra sẽ chịu lỗ”, ông Có nói.

Còn theo đại diện một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu rau củ, trái cây tươi đi Mỹ chia sẻ từ đầu năm nay chi phí logistics nhất là tàu biển tăng liên tục không có dấu hiệu dừng lại bởi tác động chính sự thế giới, cụ thể là Biển Đỏ. Trong khi mặt hàng tươi sống không thể trì hoãn thời gian giao hàng. Điều này buộc doanh nghiệp phải chấp nhận chuyển sang hình thức giao bằng được hàng không với mức phí cao ngất, nhiều lô hàng doanh nghiệp chấp nhận thua lỗ để giữ mối.

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lĩnh vực khác cũng cho biết cước tàu biển biến động từng ngày. Các hãng tàu cũng báo giá theo tuần thay vì từ 15 - 30 ngày như trước đây.

Trước tình hình trên, mới đây, Cục Hàng hải Việt Nam yêu cầu các Cảng vụ Hàng hải phối hợp với các Chi cục Hàng hải và các cơ quan chức năng, hiệp hội, đơn vị có liên quan tăng cường giám sát các doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển thực hiện niêm yết giá và phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển (giá và phụ thu ngoài giá); việc tuân thủ hiệu lực của việc niêm yết giá, phụ thu ngoài giá theo quy định tại Nghị định số 146 của Chính phủ.

Cụ thể, Chi cục Hàng hải TP.HCM được giao chủ trì phối hợp với Chi cục Hàng hải TP.Hải Phòng, các Cảng vụ Hàng hải tại TP.HCM, Hải Phòng, Vũng Tàu theo dõi số liệu thống kê, làm việc với đại diện về việc tăng/giảm giá, phụ thu ngoài đối với 1 số hãng tàu có cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa container đi châu Âu, Mỹ như Maersk, MSC, CMA, Evergreen, Cosco...

Tin bài liên quan