Không nên đặt bút ký khi chưa hiểu kỹ sản phẩm bảo hiểm

Không nên đặt bút ký khi chưa hiểu kỹ sản phẩm bảo hiểm

Lại nhắc chuyện bán bảo hiểm liên kết đơn vị

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo phản ánh từ khách hàng, một số đại lý bán bảo hiểm liên kết đơn vị (ILP) mà không tư vấn rõ ràng, thậm chí bỏ qua hoặc tự ý hoàn thành phiếu khảo sát mức độ chấp nhận rủi ro của khách hàng, trong khi theo quy định hiện hành thì đây là điều bắt buộc.

Khách hàng kêu đại lý bán ẩu

Cụ thể, tại Điều 12 - Thông tư 135/2012/TT-BTC, trước khi giao kết hợp đồng bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải tiến hành phân tích nhu cầu và khả năng tham gia bảo hiểm của khách hàng để tư vấn cho khách hàng về sản phẩm bảo hiểm và số tiền bảo hiểm phù hợp với tình hình tài chính hiện tại và các nhu cầu tài chính trong tương lai của khách hàng.

Cũng theo quy định này, doanh nghiệp bảo hiểm phải xây dựng mẫu phân tích nhu cầu khách hàng và bộ câu hỏi đánh giá mức độ chấp nhận rủi ro trong đầu tư của khách hàng. Trên cơ sở câu trả lời, doanh nghiệp bảo hiểm phải xác định được mức độ chấp nhận rủi ro của khách hàng.

Khách hàng phải ký xác nhận vào bản đánh giá mức độ chấp nhận rủi ro trong đầu tư, ký xác nhận về việc hiểu rõ sản phẩm bảo hiểm dự kiến mua, nhận thức rõ được quyền lợi bảo hiểm, quyền lợi đầu tư và các rủi ro đầu tư có thể gặp phải và các khoản phí mà doanh nghiệp bảo hiểm tính cho khách hàng. Doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm kiểm tra kết quả cung cấp thông tin và tư vấn sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị cho khách hàng, bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật và quy trình nội bộ của doanh nghiệp về việc triển khai sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị.

Khách hàng Nguyễn Phương Trà kể, khi mua sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị P qua ngân hàng V, nhân viên tư vấn tự ý làm (tích vào các ô trống) bảng khảo sát mức độ rủi ro và chỉ yêu cầu cung cấp mã OTP để hoàn thiện hợp đồng bảo hiểm (cũng không cần phải ký tay), mà không tư vấn cụ thể, rõ ràng về sản phẩm. Theo khách hàng này, hành động đó không khác nào hành vi lạm dụng sự tin tưởng của khách hàng, lừa dối khách hàng.

Ngoài trường hợp trên, nhiều khách hàng khác cũng rơi vào tình cảnh tương tự là không được giải thích, hướng dẫn hoàn thành phiếu khảo sát chấp nhận mức độ rủi ro khi mua sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị theo quy định.

Theo ông Nguyễn Khắc Xuân, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ hỗ trợ bảo hiểm Infair, thậm chí có trường hợp sau khi bị khiếu nại về việc “quên” phiếu khảo sát, có công ty bảo hiểm còn “tự chế” ra phiếu khảo sát, cắt dán mã OTP rồi chụp gửi cho khách hàng, trong khi ngay từ lúc đầu ký hợp đồng bảo hiểm lại không hề có. Khách hàng đang hoàn tất hồ sơ để khởi kiện bên bán bảo hiểm ra tòa.

Đại diện Công ty cổ phần Tư vấn dịch vụ bảo hiểm Việt Nam cũng cho hay, trong quá trình giải quyết quyền lợi cho khách hàng, công ty này cũng nhận được nhiều phản ánh của khách hàng về việc không được giải thích, tư vấn, hướng dẫn hoàn thành phiếu khảo sát như trên, cho dù hầu hết đã được đính kèm trong bộ hợp đồng bảo hiểm.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, tại nhiều hợp đồng bảo hiểm liên kết đơn vị của các công ty bảo hiểm như Prudential, Manulife, Daiichi, AIA, Hanwha Life… đã ký giữa khách hàng và bên bảo hiểm, tất cả đều đính kèm tờ phiếu khảo sát để đo lường khẩu vị rủi ro của khách hàng. Trên website của các công ty bảo hiểm này cũng đều đăng tải công khai mẫu phiếu khảo sát.

Thế nhưng, theo phản ánh của khách hàng cũng như một số đại lý bảo hiểm, không phải đại lý nào cũng giải thích, tư vấn kỹ về nội dung tờ phiếu này, thậm chí còn tự ý tích hộ, ký thay khách hàng (yêu cầu khách hàng cung cấp mã OTP để tạo chữ ký điện tử).

“Bên bán bảo hiểm yêu cầu khách hàng phải có trách nhiệm trước tiên, nhưng sao lại bỏ qua thông tin quan trọng nhất khi bán sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị là phiếu khảo sát mức độ chấp nhận rủi ro của khách hàng? Mọi thông tin khách hàng cần có là sự kê khai trung thực, nếu làm hộ thì phải có xác nhận, sự đồng ý của khách hàng, chứ không thể tự ý làm được, sau này sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng khi gặp sự cố cần phải bồi thường”, khách hàng Trần Thu Hường thắc mắc.

Tờ phiếu khảo sát mức độ rủi ro là tài liệu không thể tách rời trong bộ hợp đồng bảo hiểm được ký giữa khách hàng và công ty bảo hiểm nhằm giúp bên mua quyết định phân bổ phí bảo hiểm vào các quỹ đầu tư sao cho phù hợp. Động thái không để khách hàng trực tiếp tích vào phiếu, thậm chí bỏ qua hẳn (không đề cập, giải thích gì đến phiếu này) gây nghi ngại rằng, bên bán bảo hiểm đang che giấu các thông tin quan trọng nhất để khách hàng chốt hợp đồng cho nhanh.

Không chỉ “bỏ quên” phiếu khảo sát, việc bán sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị từng một thời rất chạy này còn lộ diện sự mập mờ, không minh bạch. Tại bài báo “Thận trọng với quảng cáo bán bảo hiểm liên kết đơn vị lợi tức cao” đã đăng tải trước đó, Báo Đầu tư Chứng khoán lưu ý tình trạng đăng tải tràn lan các thông tin quảng cáo theo kiểu “lập lờ đánh lận con đen” dễ gây hiểu lầm, dẫn đến rủi ro cho người mua.

Cụ thể, trên nhiều diễn đàn, mạng xã hội về bảo hiểm rầm rộ đăng tải quảng cáo đầu tư vào sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị mang lại lãi suất lên tới 17-20%/năm, cao hơn nhiều so với lãi suất gửi tiết kiệm ngân hàng hiện tại, mà không giải thích cụ thể về con số lãi suất này. Điều này dễ gây hiểu lầm rằng, chỉ cần mang tiền nhàn rỗi đầu tư vào bảo hiểm thì người mua vừa được bảo vệ, vừa có thể thu lợi nhuận cao. Tuy nhiên, khi liên hệ tới các số điện thoại ở các trang này thì phóng viên đều nhận được những câu trả lời vòng vo và không có một cam kết chắc chắn nào về mức lãi suất cao như quảng cáo.

Đề xuất hạn chế bán ILP qua ngân hàng

Động thái không để khách hàng trực tiếp tích vào phiếu khảo sát, thậm chí bỏ qua hẳn (không đề cập, giải thích gì đến phiếu này) gây nghi ngại rằng, bên bán bảo hiểm đang che giấu các thông tin quan trọng nhất để khách hàng chốt hợp đồng cho nhanh.

Góp ý cho dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 (sửa đổi), Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia từng đề nghị hạn chế sản phẩm bảo hiểm bán qua kênh ngân hàng, nhất là các sản phẩm bảo hiểm phức tạp như liên kết đơn vị, liên kết chung. Đối với các sản phẩm bảo hiểm sức khỏe, hưu trí..., có thể ưu tiên phân phối qua kênh này.

Dự thảo Nghị định cũng đã siết chặt việc bảo hiểm liên kết đơn vị. Cụ thể, đối với trường hợp mở rộng triển khai sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị thuộc nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư, doanh nghiệp bảo hiểm phải cung cấp thêm các tài liệu sau: Danh sách sách quỹ liên kết đơn vị, chính sách đầu tư mà doanh nghiệp bảo hiểm dự kiến áp dụng đối với các tài sản thuộc từng quỹ liên kết đơn vị; cơ sở phân bổ các khoản phí bảo hiểm và chi phí giữa các quỹ liên kết đơn vị; phương pháp định giá các đơn vị quỹ liên kết đơn vị; văn bằng chứng minh trình độ, năng lực, kinh nghiệm chuyên môn của các thành viên Hội đồng đầu tư đáp ứng các điều kiện quy định.

Để triển khai bảo hiểm liên kết đơn vị, hệ thống công nghệ thông tin của doanh nghiệp bảo hiểm phải hỗ trợ kiểm tra thông tin về giá trị tài khoản, số lượng đơn vị quỹ của từng quỹ liên kết đơn vị; đối chiếu khoản phí bảo hiểm chờ phân bổ với số phí bảo hiểm khách hàng đã đóng tính tới thời điểm kết thúc năm tài chính và thời điểm kết thúc năm hợp đồng; theo dõi chi tiết giao dịch bán và mua các đơn vị quỹ của hợp đồng bảo hiểm liên kết đơn vị.

Trường hợp tự triển khai bảo hiểm liên kết đơn vị, doanh nghiệp bảo hiểm phải thực hiện công khai trên website của doanh nghiệp về giá bán, giá mua đơn vị của quỹ liên kết đơn vị; giá trị tài sản ròng trên mỗi đơn vị của quỹ liên kết đơn vị chậm nhất vào ngày làm việc ngay sau ngày định giá. Doanh nghiệp bảo hiểm phải bảo đảm các thông tin về giá bán, giá mua đơn vị quỹ được lưu trữ và có thể tra cứu trên website của doanh nghiệp trong vòng 3 năm.

Tin bài liên quan