Tại Tổng công ty Thép Việt Nam (TVN), chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) diễn ra mới đây, ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch HĐQT TVN cho biết, TVN ghi nhận lợi nhuận hợp nhất trước thuế quý I khoảng 257 tỷ đồng. Đây là con số rất đáng chú ý, bởi cùng kỳ năm trước, TVN chỉ lãi trước thuế gần 30 tỷ đồng. Đáng nói hơn, mức lãi quý I giúp TVN hoàn thành tới gần 92% kế hoạch cả năm nay (300 tỷ đồng).
Lý giải việc đặt kế hoạch thấp hơn nhiều so với kết quả 2016 (948 tỷ đồng), ông Đa cho biết, trong năm qua, thị trường thép phát triển rất tốt, với mức tăng trưởng trên 20%. Năm 2016 cũng đánh dấu sự phục hồi của các thành viên TVN, phần này đóng góp rất nhiều cho TVN.
“Tuy nhiên, bước sang 2017, TVN nhận thấy có nhiều rủi ro về thị trường, cũng như tại một số công ty con, nên chúng tôi buộc phải thận trọng”, Chủ tịch TVN cho biết.
Ông Đa cho biết, về thị trường, Hiệp hội Thép Việt Nam đánh giá mức tăng trưởng ngành thép năm nay chỉ ở 10-12%. Dù quý vừa qua TVN và các đơn vị trên toàn hệ thống hoạt động tốt, nhưng quý II dự báo có những thay đổi lớn như biến động thị trường về nhiên liệu, cạnh tranh về giá, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, do đó HĐQT TVN rất thận trọng.
Về phía Công ty, đánh giá rủi ro xảy ra với Gang Thép Thái Nguyên (Tisco) và Khoáng sản và luyện kim Việt Trung (VTM), Tisco (TVN nắm 42,11% vốn) gặp rủi ro tại Dự án Gang thép Thái Nguyên 2, còn VTM (TVN nắm 46,8% vốn) là mức lỗ lũy kế lớn (năm 2016 lỗ 345 tỷ đồng và lỗ lũy kế đến 31/12/2016 là 1077 tỷ đồng).
Bước sang 2017, VTM đã có cải thiện, tháng 3 và tháng 4 đã có lãi 20 tỷ đồng và 25 tỷ đồng. Tuy nhiên, những biến động về giá, đặc biệt sự giảm giá về đầu ra của VTM là phôi thép đặt ra dấu hỏi lớn, do đó trích lập dự phòng với VTM có thể cũng rất lớn.
Những đơn vị lớn khác như Tôn Phương Nam, Thép tấm lá Phú Mỹ, Thép tấm lá Thống Nhất cũng có quý I khả quan, nhưng sang nửa năm sau được dự báo sẽ gặp khó khăn. Do đó, TVN thận trọng đặt chỉ tiêu 300 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế toàn hệ thống trong năm nay.
Cũng có lợi nhuận đột biến trong quý I là Tổng CTCP Đường sông miền Nam (SWC), chủ yếu đến từ việc ghi nhận khoản thu hơn 845 tỷ đồng nhờ thoái vốn tại Liên doanh Keppel Land - Watco (I, II, III, IV, V). Kết quả cụ thể, ông Trương Quốc Hưng, Thành viên HĐQT SWC cho biết, lợi nhuận trước thuế đạt 570,97 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 465,37 tỷ đồng.
Từ kết quả này, tại ĐHCĐ thường niên 2017, SWC trình kế hoạch lợi nhuận trước thuế là 603,6 tỷ đồng, gấp hơn 9 lần thực hiện năm 2016 và trả cổ tức tỷ lệ 50%. Với tình hình kinh doanh hiện tại, theo lãnh đạo SWC, Công ty chắc chắn sẽ vượt kế hoạch đề ra.
Trong chiến lược sắp tới, ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT SWC cho biết, sau khi thoái vốn thành công, Công ty có nguồn tiền đủ mạnh để đầu tư vào cơ sở hạ tầng, nhằm đưa SWC lên top đầu vận tải đường thủy tại TP.HCM...
Tại Tổng công ty Khoáng sản – TKV (KSV), doan nghiệp này ghi nhận khoản lãi trước thuế 35 tỷ đồng (Công ty mẹ đạt 20 tỷ đồng), trong khi cùng kỳ lỗ 10 tỷ đồng.
Tại buổi sơ kết đánh giá kết quả nhiệm vụ sản xuất kinh doanh quý I/2017, triển khai nhiệm vụ quý II/2017, ông Nguyễn Tiến Mạnh, Tổng giám đốc KSV cho biết, hầu hết đơn vị thành viên của KSV hoàn thành các chỉ tiêu đề ra.
Với kết quả khả quan của quý I/2017, KSV đặt mục tiêu kết thúc 6 tháng đầu năm, doanh thu đạt 2.525 tỷ đồng và lợi nhuận là 63 tỷ đồng, qua đó hoàn thành trên 50% kế hoạch năm.
Ngoài các trường hợp nêu trên, trên sàn UPCoM cũng có không ít doanh nghiệp có sự đột biến về các khoản lãi, lỗ trong quý I như CTCP Đầu tư phát triển điện miền Bắc 2 (ND2), CTCP Dịch vụ hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SAS), CTCP Bia Sài Gòn Phú Thọ (BSP)…
Trong đó, BSP đạt 13,4 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng gấp 3,8 lần cùng kỳ năm trước (3,5 tỷ đồng); ND2 lỗ 15 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 96 triệu đồng; SAS báo lãi sau thuế hơn 66 tỷ đồng, tăng 54% cùng kỳ...