Dữ liệu từ doanh số bán nhà đển lạm phát và sản xuất chỉ ra nền kinh tế Mỹ vẫn còn mạnh mẽ, khiến khả năng Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất trong tháng 6 lại được đặt ra. Điều này khiến phố Wall lại chao đảo trong phiên thứ Ba và có phiên giảm thứ 2 liên tiếp trong tuần.
Theo dữ liệu vừa công bố, chỉ số CPI tháng 2 của Mỹ tăng 0,2% so với tháng 1, cao hơn mức 0,1% như báo cao sơ bộ. Trong khi đó, CPI lõi tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước, tiến sát dần tới mức mục tiêu 2% mà Fed đưa ra.
Kết thúc phiên 24/3, chỉ số Dow Jones giảm 104,90 điểm (-0,58%), xuống 18.011,14 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 12,92 điểm (-0,61%), xuống 2.091,50 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 16,25 điểm (-0,32%), xuống 4.994,73 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Âu, chứng khoán Đức, Pháp có phiên đảo chiều tăng khá mạnh hôm thứ Ba khi dữ liệu kinh tế của khu vực vừa được công bố khả quan. Theo đó, chỉ số PMI trong tháng 3 của Đức tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 7/2014, cùng với đó, sản xuất trong khu vực tư nhân của Pháp cũng có tháng tăng trưởng thứ 2 liên tiếp. Chỉ số PMI của Liên minh châu Âu tăng lên mức 54,1 trong tháng 3, từ mức 53,3 trong tháng 2. Ngoài ra, gói kích thích kinh tế mà Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang thực hiện hứa hẹn giúp khu vực tích cực hơn nữa. Trong khi đó, sau chuỗi phiên tăng điểm liên tiếp với triển vọng kinh tế khả quan, chứng khoán Anh đã chịu áp lực chốt lời và điều chỉnh nhẹ trở lại.
Tuy nhiên, nhiều khả năng chứng khoán châu Âu phiên hôm nay sẽ chịu tác động tiêu cực từ thông tin về vụ tai nạn máy bay của Hãng Germanwings của Đức rơi tại Pháp khiến 148 người thiệt mạng.
Kết thúc phiên 24/3, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 17,99 điểm (-0,26%), xuống 7.019,68 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 109,85 điểm (+0,92%), lên 12.005,69 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 33,76 điểm (+0,67%), lên 5.088,28 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, các thị trường chính đều chịu ảnh hưởng sau thông tin chỉ số PMI tháng 3 của Trung Quốc xuống mức thấp nhất 11 tháng và dưới mức 50 điểm, báo hiệu có sự sụt giảm trong sản xuất. Thông tin này khiến các thị trường trong khu vực đảo chiều giảm điểm, dù vậy, chứng khoán Trung Quốc đại lục lại thoát hiểm vào cuối phiên và tiếp tục duy trì được đà tăng liên tiếp của mình.
Kết thúc phiên 24/3, chỉ số Nikkei 225 giảm 40,96 điểm (-0,21%), xuống 19.713,40 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 94,91 điểm (-0,39%), xuống 24.399,60 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tăng 3,68 điểm (+0,10%), lên 3.691,41 điểm.
Trên thị trường vàng, dù chịu áp lực chốt lời và đồng USD hồi phục trở lại trong phiên thứ Ba do lo ngại khả năng Fed tăng lãi suất một lần nữa lại dấy lên, nhưng nhờ những thông tin hỗ trợ từ dữ liệu kém khả quan của Trung Quốc, nên kim loại quý này đã hồi phục trở lại và có phiên tăng giá thứ 5 liên tiếp, lên mức cao nhất 2 tuần rưỡi.
Kết thúc phiên 24/3, giá vàng giao ngay tăng 3,9 USD (+0,33%), lên 1.193,2 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 tăng 3,7 USD/ounce (+0,31%), lên 1.191,4 USD/ounce.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô có diễn biến trái chiều. Trong khi giá dầu thô Mỹ tăng nhẹ nhờ dữ liệu kinh tế Mỹ khả quan, thì giá dầu thô Brent lại giảm gần 1,5% do đồng USD hồi phục trở lại, cũng như lo lắng về dư cung khi Ả Rập Saudi tăng sản lượng khai thác lên mức kỷ lục và cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân của Iran đang có những bước tiến tích cực.
Kết thúc phiên 24/3, giá dầu thô Mỹ tăng 0,06 USD/thùng (+0,13%), lên 47,51 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,81 USD (-1,47%), xuống 55,11 USD/thùng.