Đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương nối TP.HCM với Tiền Giang nói riêng và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Ảnh: A.M
Lại kiện phản tố
Bộ GTVT vừa “bật đèn xanh” cho Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận được tiến hành khởi kiện Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh (Công ty Yên Khánh) liên quan đến tranh chấp hợp đồng mua bán quyền thu phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, với tư cách là động thái cần thiết nhằm đảm bảo quyền lợi cho Nhà nước.
Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận là đơn vị được Bộ GTVT giao kế thừa toàn bộ trách nhiệm, nghĩa vụ của Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (Tổng công ty Cửu Long) - đơn vị từng thay mặt cho bộ này quản lý Hợp đồng số 4767CIPM-HĐ về bán quyền thu phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương được ký với Công ty Yên Khánh vào ngày 30/12/2013.
Tuy nhiên, thực hiện yêu cầu của Chính phủ về tái cơ cấu, sắp xếp doanh nghiệp nhà nước, Tổng công ty Cửu Long đã được Bộ GTVT giải thể vào năm 2021.
Trong Công văn số 9038/BGTVT-TC gửi Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận ngày 31/8/2022, Bộ GTVT yêu cầu đơn vị này phải căn cứ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 9308/VPCP-KTTH ngày 26/9/2018 của Văn phòng Chính phủ, các quy định của Hợp đồng bán quyền thu phí số 4746/CIPM-HĐ ngày 30/12/2016 (Hợp đồng số 4746) và quy định pháp luật có liên quan để chủ động triển khai các giải pháp cần thiết nhằm đảm bảo thu hồi đầy đủ, kịp thời tài sản công (bao gồm cả tiền) từ Công ty Yên Khánh (bên thắng đấu giá quyền thu phí), Ngân hàng BIDV - Chi nhánh Thành Đô (bên bảo lãnh thực hiện hợp đồng bán quyền thu phí).
“Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ được Bộ trưởng Bộ GTVT giao tại Quyết định số 270/QĐ-BGTVT ngày 9/2/2021 (phân giao nghĩa vụ kế thừa Tổng công ty Cửu Long), nghiên cứu các ý kiến hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Công văn số 10143/BTC-HCSN ngày 29/8/2019 và các văn bản chỉ đạo của Bộ GTVT đối với Tổng công ty Cửu Long trước đây để chủ động giải quyết theo thẩm quyền”, Công văn số 9038/BGTVT-TC do ông Nguyễn Duy Lâm, Thứ trưởng Bộ GTVT ký nêu rõ.
Trước đó, tại Văn bản số 1733/PMUMT-KTKH ngày 16/5/2022 về việc báo cáo tình hình giải quyết tranh chấp Hợp đồng bán quyền thu phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận đã kiến nghị Bộ GTVT xem xét có ý kiến thống nhất các nội dung khởi kiện phản tố Công ty Yên Khánh.
Phản tố là một trong các quyền lợi cơ bản của bên phía bị đơn (người bị kiện) trong một vụ án dân sự nào đó. Hiểu một cách đơn giản hơn, phản tố là người bị kiện được quyền kiện ngược lại người đã làm đơn khởi kiện mình tại tòa án (nguyên đơn). Người phản tố sẽ nộp đơn phản tố tại tòa án với nội dung có liên quan đến vấn đề đặt ra trong đơn khởi kiện. Cùng với đơn khởi kiện trước đó của nguyên đơn, tòa án sẽ tiếp tục xem xét và đưa ra hướng giải quyết vụ kiện này.
Cụ thể, 4 nội dung mà Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận dự kiến khởi kiện phản tố gồm yêu cầu Công ty Yên Khánh thanh toán tiền phạt theo Hợp đồng số 4746 là 264,74 tỷ đồng (đã được tuyên xử tại Bản án phúc thẩm số 631); yêu cầu Công ty Yên Khánh thanh toán tiền lãi theo quy định tại Điều 357, Điều 468, Bộ luật Dân sự năm 2015 là 74,93 tỷ đồng (tạm tính từ ngày 9/7/2019 theo Bản án phúc thẩm số 631).
Về bảo lãnh thực hiện hợp đồng, Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận dự kiến kiện phản tố để yêu cầu Ngân hàng BIDV - Chi nhánh Thành Đô phải thanh toán ngay số tiền 100,21 tỷ đồng.
Về bàn giao tài sản tại các trạm thu phí (đang giải quyết tại Tòa án Nhân dân quận 1, TP.HCM), Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận dự kiến kiện để chuyển về Tòa án Nhân dân quận Bình Thạnh (TP.HCM) để giải quyết chung trong một vụ án và xem xét như một nội dung phản tố.
Đối với chi phí thuê luật sư, nộp án phí cho vụ kiện, Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận cho biết, do vụ án được xét xử theo thủ tục sơ thẩm lại từ đầu, nên việc thuê luật sư tham gia tố tụng là cần thiết và phải nộp tạm ứng án phí theo quy định.
“Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận kiến nghị Bộ GTVT cho phép sử dụng nguồn chi phí quản lý dự án để thuê luật sư và nộp án phí trong vụ án tranh chấp Hợp đồng số 4746, dự kiến khoảng 478 triệu đồng”, ông Phan Duy Lai, Phó giám đốc Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận kiến nghị.
Cần phải nói thêm, năm 2013, Tổng công ty Cửu Long được Bộ GTVT giao ký kết và quản lý Hợp đồng số 4746 trị giá 2.004,1 tỷ đồng, được thực hiện trong thời gian từ ngày 1/1/2014 đến ngày 31/12/2018 với bên mua (thông qua đấu giá) là Công ty Yên Khánh.
Thông qua Thư bảo lãnh số 1513600014094, Ngân hàng BIDV - Chi nhánh Thành Đô nhận bảo lãnh hợp đồng cho Công ty Yên Khánh với số tiền là 100,2 tỷ đồng để bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ thanh toán, xử phạt vi phạm hợp đồng và các nghĩa vụ khác của bên B.
Chưa thể dứt điểm
Tranh chấp hợp đồng bắt đầu nảy sinh trong quá trình thực hiện, Công ty Yên Khánh bị bên bán phạt 264,736 tỷ đồng với lý do chậm thanh toán theo điều khoản hợp đồng. Theo Hợp đồng số 4746, Công ty Yên Khánh phải nộp đủ số tiền bán quyền thu phí là 2.004,1 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước trong 3 đợt và kết thúc nộp đợt cuối vào tháng 10/2014, nhưng thực tế, Công ty Yên Khánh nộp thành 15 đợt và kết thúc đợt thanh toán cuối vào ngày 31/3/2017.
Tổng công ty Cửu Long cũng yêu cầu Ngân hàng BIDV - Chi nhánh Thành Đô phải thanh toán toàn bộ giá trị bảo lãnh thực hiện hợp đồng với số tiền là 100,2 tỷ đồng, nhằm thu hồi số tiền phạt trên cho ngân sách nhà nước.
Trong khi bên bán chưa kịp thực hiện các khoản phạt, thì ngày 17/8/2018, Công ty Yên Khánh bất ngờ khởi kiện bên bán ra tòa. Lý do là bên mua đã thực hiện xong các nghĩa vụ thanh toán theo Hợp đồng số 4746 và không có bất cứ hành vi vi phạm hợp đồng nào khác tính đến nay.
Công ty Yên Khánh khẳng định, việc Tổng công ty Cửu Long ban hành văn bản gửi Ngân hàng BIDV - Chi nhánh Thành Đô thanh toán khoản tiền bảo lãnh thực hiện Hợp đồng 4746 và yêu cầu bàn giao quyền thu phí 4 tháng còn lại của Hợp đồng là không có căn cứ, bởi lẽ, khoản tiền phạt hiện nay vẫn chưa được các bên thống nhất về cách tính theo các điều khoản của hợp đồng với mức áp dụng là 8% giá trị hợp đồng (theo Luật Thương mại) hay 150% lãi suất cơ bản theo năm do Ngân hàng Nhà nước công bố được dẫn chiếu theo Bộ luật Dân sự. Bên mua còn đề nghị bên bán thanh toán tiền thuế VAT và bồi hoàn thiệt hại do việc lắp đặt hệ thống giao thông thông minh (ITS) trên tuyến.
Ở chiều ngược lại, Tổng công ty Cửu Long cũng kiện phản tố bên mua, trong đó đáng chú ý nhất là yêu cầu phạt hợp đồng và thu hồi bảo lãnh thực hiện hợp đồng.
Theo Bản án sơ thẩm số 2706/KDTM-ST ngày 27/12/2018, Tòa án Nhân dân quận Bình Thạnh đã chấp thuận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Công ty Yên Khánh là 127,55 tỷ đồng, gồm tiền thuế VAT là 117,48 tỷ đồng và tiền lãi của VAT là 6,82 tỷ đồng; tiền đền bù ITS là 2,39 tỷ đồng và tiền lãi của ITS là 0,85 tỷ đồng.
Đối với yêu cầu phản tố của Tổng công ty Cửu Long, tòa chỉ chấp nhận một phần yêu cầu phản tố là 160,33/264,74 tỷ đồng tiền phạt thực hiện hợp đồng (8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm theo Điều 301, Luật Thương mại năm 2005).
Về bảo lãnh, tòa chỉ yêu cầu Ngân hàng BIDV - Chi nhánh Thành Đô thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh trong phạm vi 100,21 tỷ đồng khi Công ty Yên Khánh không thực hiện.
Tại phiên tòa phúc thẩm được tổ chức vào đầu tháng 7/2021, trên cơ sở đơn khởi kiện và yêu cầu phản tố của bên mua và bên bán, Tòa án Nhân dân TP.HCM đã ban hành Bản án phúc thẩm số 631/KDTM-PT ngày 9/7/2019.
Cụ thể, đối với yêu cầu khởi kiện của Công ty Yên Khánh, tòa chấp nhận tiền đền bù thiệt hại ITS là 2,39 tỷ đồng; không chấp nhận số tiền còn lại là 125,15 tỷ đồng (bao gồm khoản thuế VAT là 117,48 đồng và tiền lãi của VAT là 6,82 tỷ đồng; tiền lãi của ITS là 0,85 tỷ đồng).
Đối với yêu cầu phản tố của Tổng công ty Cửu Long, về tiền phạt do chậm thanh toán, tòa chấp thuận theo thỏa thuận tại Hợp đồng số 4746 là 264,74 tỷ đồng. Sau khi bù trừ nghĩa vụ đền bù ITS, Công ty Yên Khánh còn phải thanh toán 262,34 tỷ đồng. Về bảo lãnh, tòa phúc thẩm tuyên Ngân hàng BIDV - Chi nhánh Thành Đô phải liên đới thanh toán trong phạm vi của chứng thư bảo lãnh là 100,21 tỷ đồng.
Rắc rối vẫn chưa dừng, khi vào tháng 8/2020, Ủy ban Thẩm phán Tòa án Nhân dân cấp cao tại TP.HCM đã mở phiên giám đốc thẩm bản án kinh doanh thương mại theo yêu cầu của Công ty Yên Khánh.
Theo Quyết định Giám đốc thẩm số 32/2020/KDTM-GĐT ngày 24/8/2020, Tòa án Nhân dân cấp cao tại TP.HCM đã quyết định hủy Bản án sơ thẩm và Bản án phúc thẩm và giao hồ sơ vụ án cho Tòa án Nhân dân quận Bình Thạnh xét xử sơ thẩm theo quy định pháp luật.
Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận cho biết, Tòa án Nhân dân quận Bình Thạnh đã thụ lý sơ thẩm. Bên mua cũng đã có văn bản gửi Tòa án Nhân dân quận Bình Thạnh đề nghị sớm giải quyết vụ án. Cho đến nay, Tòa án đã triệu tập giải quyết một lần vào ngày 7/4/2022.
“Chúng tôi đang theo sát diễn biến của vụ án tranh chấp hợp đồng thương mại này để đảm bảo quyền lợi cho Nhà nước”, lãnh đạo Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận cho biết.
Bên cạnh vụ tranh chấp hợp đồng mua bán quyền thu phí nói trên, vào tháng 8/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí; lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi xảy ra tại Công ty Yên Khánh, Tổng công ty Cửu Long và các đơn vị có liên quan trong việc đấu giá và thu phí tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương”.
Ngày 22/12/2020, Tòa án Nhân dân TP.HCM đã xét xử sơ thẩm và tuyên án 20 bị cáo trong vụ án này, trong có cả lãnh đạo Bộ GTVT; Công ty Yên Khánh, Tổng công ty Cửu Long. Tại phiên phúc thẩm vào tháng 4/2021, Tòa án Nhân TP.HCM tuyên án Đinh Ngọc Hệ (người lập Công ty Yên Khánh) án chung thân về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”, buộc bồi thường hơn 728 tỷ đồng.