Các chủ đầu tư condotel lớn lại thêm một lần khấp khởi mừng, bởi thực tế có những dự án condotel nhiều ngàn căn đang rất khó khăn trong việc ra hàng. Nguyên nhân một phần do vướng mắc quyền sở hữu.
Xuất hiện từ cuối năm 2015, tính đến nay, số liệu thống kê từ các đơn vị nghiên cứu như CBRE hay Savills Việt Nam cho thấy, đã có tới gần 30.000 căn condotel được tung ra thị trường.
Cùng với mục đích gia tăng số lượng cơ sở lưu trú chất lượng cao phục vụ khách du lịch, condotel còn được coi là một kênh đầu tư hấp dẫn.
Từ lâu trên thế giới, condotel đã được xem là loại sản phẩm có sức hút và được rất nhiều thương hiệu lớn theo đuổi phát triển như Hilton, Hyatt, Starwood…Trong đó, họ thường đầu tư trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các nhà phát triển địa phương để xây dựng những dự án condotel tầm cỡ với đầy đủ các dịch vụ nghỉ dưỡng và giải trí chất lượng cao.
Lợi thế của việc phát triển condotel còn nằm ở việc các chi phí đầu tư được san sẻ cho các nhà đầu tư cá nhân mua lại từng phòng khách sạn rồi chuyển cho đơn vị quản lý vận hành, khai thác kinh doanh.
Lợi ích từ việc này sau đó sẽ được san sẻ lại với những cam kết lợi nhuận hấp dẫn từ 8 - 12%/năm trong vòng 8 - 10 năm. Chính vì những lợi ích rất rõ ràng này, nên condotel nhanh chóng trở thành xu hướng chỉ sau một thời gian ngắn xuất hiện trên thế giới.
Câu chuyện này diễn ra tương tự trong 3 năm đầu tại Việt Nam, tuy nhiên, một sự khác biệt lớn về mặt pháp lý đã dẫn đến mô hình đầy tiềm năng này gần như bị "stop" trong khoảng 1 năm trở lại đây.
Nếu như việc đầu tư condotel trên thế giới được đảm bảo một cách an toàn cho các nhà đầu tư nhờ vào hệ thống văn bản pháp lý về quy chuẩn và quản lý một cách rõ ràng, thì tại Việt Nam, điều này cho tới thời điểm hiện tại vẫn là điều bế tắc.
Condotel - viết đầy đủ là condo-hotel được hiểu là từ viết tắt của condol (chung cư) và hotel (khách sạn). Chính sự “lai tạp” khiến cho việc xác định địa vị pháp lý của mô hình ưu việt này tại Việt Nam trở nên khó khăn hơn khi không thể xác định đích danh và nên điều chỉnh theo sắc luật nào, Luật Đất đai hay Luật Du lịch?
Việc không thể xác định, kéo theo việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu (hay còn gọi là sổ hồng) với loại hình này trở nên phức tạp và khó khăn khi quy định chỉ cấp loại giấy tờ này cho "đất ở hình thành đơn vị ở".
Chính sự rối rắm, thiếu thống nhất, khiến việc ban hành một văn bản chính thống giúp đảm bảo tính an toàn cho cả nhà phát triển lẫn nhà đầu tư vẫn là một bài toán khó giải.
Trở lại thông tin được nhắc tới trong tuần vừa qua, Bộ Xây dựng khẳng định, đã rà soát, đánh giá và báo cáo Thủ tướng, từ đó đề xuất hướng quản lý. Theo đó, cơ quan này đang phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng và sẽ sớm ban hành một văn bản pháp lý thống nhất.
Việc Bộ Xây dựng thể hiện rõ quyết tâm cùng các bộ, ngành nêu trên phối hợp “khai sinh” cho condotel có thể xem là một dấu hiệu lạc quan cho thị trường bất động sản nói chung, bất động sản nghỉ dưỡng nói riêng. Tuy nhiên, để dấu hiệu này được thể hiện một cách rõ ràng hơn, điều quan trọng hơn cả là Bộ Xây dựng và các bộ nên sớm có thông tin chi tiết về thời gian ban hành những văn bản pháp lý này.
Lưu ý rằng, từ cuối năm 2017, Bộ Tài Nguyên và Môi trường đã từng đăng đàn khẳng định sẽ sớm giải quyết khúc mắc pháp lý cho loại hình condotel và một số loại hình "con lai" khác bằng việc sửa đổi trong Luật Đất đai.
Tuy nhiên, ngày 12/3/2019 vừa qua, Chính phủ đã có tờ trình gửi Quốc hội đề nghị rút dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai ra khỏi chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019. Theo đó, Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục nghiên cứu, phân tích, đánh giá toàn diện các quy định của Luật Đất đai hiện hành và định hướng sửa đổi Luật, trình Chính phủ sau năm 2020.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com