Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP. HCM cho hay, dư nợ tín dụng tiêu dùng trên địa bàn tăng mạnh trong những năm gần đây.
Theo đó, giai đoạn từ 2012 - 2016, bình quân dư nợ tín dụng tiêu dùng của TP. HCM tăng từ 20 - 22% mỗi năm. Về con số cụ thể, riêng 10 tháng đầu năm 2017, dư nợ tín dụng tiêu dùng chiếm 12,2% trong tổng số hơn 2 triệu tỷ đồng dư nợ của Thành phố, tương đương 250.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, số liệu từ Ủy Ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGS) cũng cho thấy, 10 tháng đầu năm 2017, tỷ trọng tín dụng vào hoạt động kinh doanh bất động sản và xây dựng giảm xuống còn 15,5% (năm 2016 là 17,1%). Trong khi tín dụng tiêu dùng tiếp tục đà tăng mạnh kể từ đầu năm 2017 với tổng dư nợ cho vay tiêu dùng tăng khoảng 58,6% so với cuối năm 2016.
Con số này cho thấy dư nợ bất động sản có dấu hiệu giảm nhẹ, song trên thực tế, đã nhiều lần UBGS cảnh báo rằng, cần thận trọng rủi ro tín dụng bất động sản khi dư nợ tín dụng tiêu dùng chủ yếu vào nhà, đất.
Báo cáo công bố vào giữa năm 2017 của Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) ước tính, quy mô thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam đã đạt gần 600.000 tỷ đồng (khoảng 26 tỷ USD) trong năm 2016, chiếm gần 10% GDP. Dự báo sẽ tiến tới mốc một triệu tỷ đồng vào năm 2019 với mức tăng trưởng bình quân 29% mỗi năm.
Hiện có hai phân khúc rõ rệt trong cho vay tiêu dùng. Khách hàng của ngân hàng là chuẩn, trong khi khách hàng của công ty tài chính là dưới chuẩn, không quan tâm nhiều tới "tài sản thế chấp", phương án trả nợ, do vậy cần có những dịch vụ chuyên biệt, đặc thù và lãi suất cho vay cũng cao hơn. Chính mức lãi suất cho vay tiêu dùng tín chấp cao gấp nhiều lần khoản vay thế chấp thông thường, nhất là ở các công ty tài chính đã đưa tín dụng tiêu dùng trở thành một kênh kinh doanh hấp dẫn.
Trên thị trường hiện tại, 4 công ty gồm FE Credit, Home Credit, HD Saison và Prudential Finance, vốn nắm đến 80% thị phần tín dụng tiêu dùng, đang tích cực chạy đua trong việc hình thành liên kết với các doanh nghiệp bán lẻ. Trong khi một số ngân hàng thương mại đã và đang mua lại công ty tài chính để chuyển đổi chức năng hoạt động và đẩy mạnh cho vay tiêu dùng.
Sở dĩ lãi suất vay tín chấp của các công ty tài chính thường cao hơn so với các ngân hàng thương mại, thậm chí có thể lên đến 70%/năm, là do chi phí vốn của công ty tài chính cao khi không có chức năng huy động vốn. Bên cạnh đó, giá trị của khoản vay thấp, kỳ hạn ngắn (khoảng 6 - 18 tháng) dẫn đến các chi phí thu hồi nợ, quản lý khoản vay, chi phí phục vụ cao hơn bình thường.
Chưa kể, do ngành tài chính tiêu dùng có rủi ro cao, nên mặt bằng lãi suất sẽ cao hơn so với ngân hàng bán lẻ hay ngân hàng thương mại. Giám đốc một công ty tài chính cho rằng, mức lãi suất cho vay tín chấp trên thị trường hiện nay là hợp lý và lợi nhuận từ một khoản vay sẽ tương đối phù hợp so với chi phí mà doanh nghiệp phải trả.
Hơn nữa, mức lãi suất cho vay của công ty tài chính được điều chỉnh cho nhiều đối tượng khác nhau tùy vào chất lượng hồ sơ khách hàng và mức rủi ro của khoản vay tín chấp.
Tuy nhiên, TS Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế - tài chính cho rằng, người dân cần tính toán kỹ và nếu không có nhu cầu thực sự thì không nên sử dụng vốn vay tiêu dùng tín chấp, bởi lãi suất ở mức cao. Bên cạnh đó, cần chú ý tới rủi ro nợ xấu nếu ồ ạt đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng.
Về vấn đề này, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, công tác thanh tra tài chính tiêu dùng là nhiệm vụ quan trọng sẽ được NHNN tăng cường trong thời gian tới để đảm bảo hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng là minh bạch, đúng pháp luật.
Ngoài ra, trong công tác quản lý nhà nước về tiêu dùng, chương trình đề án của Chính phủ về cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, NHNN đã có nhóm giải pháp riêng để cơ cấu lại các công ty tài chính, cũng như hoạt động tài chính tiêu dùng tới đây.
Trong khi đó, lãnh đạo của 4 công ty tài chính tiêu dùng nói trên cho biết, hiện nợ xấu vẫn được kiểm soát ở mức cho phép, thậm chí còn ở dưới ngưỡng 3%, cho dù dư nợ tín dụng tại các đơn vị này gia tăng mạnh.