Lai Châu xác định tầm nhìn đến năm 2050 trở thành tỉnh biên giới xanh

0:00 / 0:00
0:00
Đến năm 2050, Lai Châu là tỉnh biên giới xanh, văn minh, giàu bản sắc văn hoá, phát triển toàn diện, bền vững, trở thành tỉnh thuộc nhóm phát triển khá của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương chủ trì cuộc họp của Hội đồng thẩm định Quy hoạch tỉnh Lai Châu.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương chủ trì cuộc họp của Hội đồng thẩm định Quy hoạch tỉnh Lai Châu.

Thực hiện quy định của pháp luật về quy hoạch, chiều 29/11, tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã diễn ra phiên họp thẩm định quy hoạch tỉnh Lai Châu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tại phiên họp, 100% phiếu từ Hội đồng thẩm định đã đồng ý thông qua quy hoạch tỉnh Lai Châu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với điều kiện có chỉnh sửa, bổ sung.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Trần Tiến Dũng nhấn mạnh, tỉnh Lai Châu xác định việc lập Quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là nhiệm có ý nghĩa quan trọng, giúp tỉnh có tầm nhìn xa hơn.

Ông Dũng cho biết, Lai Châu là tỉnh còn nhiều khó khăn, diện tích rộng nhưng 90% có độ dốc từ 25 độ trở lên, nên diện tích đất phát triển kinh tế - xã hội rất khó khăn; mật độ dân số thấp nhất cả nước, gần 52 người/km, không có đường sắt, đường thủy, chỉ có đường bộ độc đạo. Ngoài dân số thấp, Lai Châu là tỉnh có tỷ lệ đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm 85%.

Những khó khăn như vậy cho thấy việc lập quy hoạch có tầm nhìn sẽ giúp phát triển kinh tế - xã hội, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, xây dựng Lai Châu phát triển xanh, nhanh, bền vững và toàn diện trên tất cả các mặt kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển trung bình của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ và tầm nhìn đến năm 2050 là tỉnh biên giới xanh, văn minh, giàu bản sắc văn hóa, phát triển toàn diện, bền vững; kết cấu hạ tầng nông thôn được hiện đại hóa, đạt đầy đủ các tiêu chí của nông thôn mới, trở thành tỉnh thuộc nhóm phát triển khá của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.

Trình bày báo cáo tóm tắt quy hoạch tỉnh Lai Châu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, ông Phạm Ngọc Phương, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lai Châu cho biết, quy hoạch được xây dựng dựa trên 05 quan điểm, trong đó, phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt; phát triển kinh tế - xã hội gắn với thực hiện nhiệm vụ chiến lược về quốc phòng - an ninh, đối ngoại, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân trên địa bàn tỉnh; xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, hữu nghị, hợp tác và phát triển; phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tỉnh xác định đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, xây dựng Lai Châu phát triển xanh, nhanh, bền vững và toàn diện trên tất cả các mặt kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển trung bình của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.

Tầm nhìn đến năm 2050, Lai Châu là tỉnh biên giới xanh, văn minh, giàu bản sắc văn hoá, phát triển toàn diện, bền vững; kết cấu hạ tầng nông thôn được hiện đại hóa, đạt đầy đủ các tiêu chí của nông thôn mới, trở thành tỉnh thuộc nhóm phát triển khá của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.

Định hướng không và trụ cột phát triển, tỉnh Lai Châu đưa ra trọng tâm phát triển: một trục - hai vùng - ba trụ cột.

Trong đó, Một trục là trục trọng yếu phát triển kinh tế hình thành dọc theo QL.32 - QL.4D - QL.12 nối đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai qua QL.279, kết nối huyện Than Uyên - huyện Tân Uyên - huyện Tam Đường - Thành phố Lai Châu - huyện Phong Thổ ra cửa khẩu quốc tế Ma Lù Thàng.

Hai vùng kinh tế của tỉnh gồm Vùng kinh tế động lực (gồm các huyện và thành phố: Than Uyên, Tân Uyên, Tam Đường, TP. Lai Châu, và Phong Thổ) tập trung phát triển du lịch sinh thái, mạo hiểm, văn hóa cộng đồng; sản xuất điện, vật liệu xây dựng, công nghiệp chế biến nông sản, chế biến đất hiếm; phát triển đô thị, kinh tế biên mậu.

Vùng kinh tế nông - lâm sinh thái Sông Đà (gồm các huyện biên giới Sìn Hồ, Nậm Nhùn, Mường Tè) sẽ tập trung bảo vệ phát triển rừng, trồng quế, mắc ca, cây gỗ lớn, phát triển dược liệu dưới tán rừng (sâm Lai Châu), dịch vụ môi trường rừng.

Ba trụ cột phát triển kinh tế được tỉnh Lai Châu xác định là dịch vụ, công nghiệp và nông nghiệp. Cụ thể, tập trung vào du lịch cộng đồng gắn với bản sắc văn hóa và kinh tế biên mậu; công nghiệp năng lượng, công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản, chế biến nông lâm thuỷ sản; phát triển nông nghiệp đa giá trị, nông nghiệp hữu cơ gắn với chuối giá trị, dựa vào các sản phẩm nông, lâm sản có lợi thế, có giá trị gia tăng cao.

Bốn khâu đột phá chiến lược, gồm: Thứ nhất, tập trung xây dựng, tạo bước đột phá về hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông. Thứ hai, hoàn thiện cơ chế, chính sách và cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo động lực phát triển mạnh mẽ các lĩnh vực tỉnh có tiềm năng, lợi thế. Thứ ba, thu hút và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo. Thứ tư, tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực; đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện, xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số và xã hội số.

Góp ý cho bản quy hoạch, cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định và các chuyên gia cho rằng, cần nghiên cứu, bổ sung quan điểm bảo vệ khai thác rừng, phát triển kinh tế xanh, tuần hoàn. Về hệ thống đô thị, cần nghiên cứu để gắn dịch vụ du lịch với hành lang các tỉnh lân cận; bổ sung phương án các khu chức năng, các khu, điểm du lịch; chỉnh sửa hoàn thiện, bố trí sắp xếp, phát triển vùng sản xuất nông nghiệp tập trung; phương án phát triển khu vực khó khăn và đặc biệt khó khăn, những khu vực có vai trò động lực theo quy định của pháp luật về quy hoạch.

Đánh giá cao sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh Lai Châu cũng như sự phối với các bộ, ngành, địa phương trong quá trình xây dựng quy hoạch, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, Lai Châu là tỉnh sớm xây dựng, hoàn thiện hồ sơ quy hoạch để trình Hội đồng thẩm định xem xét.

Để tỉnh Lai Châu phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, bố trí không gian phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả, giúp tỉnh phát triển nhanh, bền vững trong thời kỳ quy hoạch, Thứ trưởng Trần Quốc Phương lưu ý việc xác định vai trò, lợi thế của tỉnh trong vùng; quan điểm, triết lý, tầm nhìn phát triển trong thời kỳ quy hoạch; các ngành ưu tiên phát triển và các vùng động lực phát triển, định hướng phát triển từng ngành, từng lãnh thổ trong tỉnh; định hướng phân bố không gian, nguồn lực, phân bố các dự án có tính đột phá để tạo động lực cho sự phát triển, khai thác có hiệu quả cao nhất tài nguyên thiên nhiên của tỉnh Lai Châu.

Tin bài liên quan