Lại bàn khái niệm doanh nghiệp có vốn nước ngoài

Yêu cầu lớn nhất của các nhà đầu tư nước ngoài khi có thông tin Luật Đầu tư sẽ được sửa đổi là làm rõ những quy định đang có nhiều cách hiểu khác nhau.

Nhà đầu tư lách luật vì khái niệm không rõ

Bà Nguyễn Kim Dung, Giám đốc Pháp chế và Đối ngoại của Trường đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) đã dùng từ khẩn thiết khi đề nghị làm rõ khái niệm tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài).

“Với quy định hiện tại, những nhà đầu tư nước ngoài đường đường chính chính đầu tư vào Việt Nam sẽ thua thiệt so với những người lách luật”, bà Dung nói khi đề cập tình trạng các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư trường mầm non thông qua việc thành lập một doanh nghiệp trong nước có tỷ lệ vốn của nhà đầu tư nước ngoài dưới 51%.

 Nhiều ý kiến đề nghị làm rõ khái niệm nhà đầu tư nước ngoài. Trong ảnh: Nhà máy Nestlé tại Hưng Yên.

Theo quy định của Luật Đầu tư, trường mầm non quốc tế được thành lập theo hình thức trên (tức vốn của nhà đầu tư nước ngoài dưới 51%) sẽ được thực hiện thủ tục đầu tư như với nhà đầu tư trong nước, không phải thực hiện các điều kiện đầu tư với nhà đầu tư nước ngoài, như chỉ được tuyển học sinh Việt Nam ít hơn 50% tổng số học sinh của trường…

“Khi thảo luận về Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, chúng tôi cho rằng, chỉ cần 1% vốn nước ngoài cũng phải tuân thủ thủ tục của nhà đầu tư nước ngoài, nhất là theo cam kết với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Việt Nam chưa mở cửa giáo dục mầm non”, bà Dung đề xuất.

Đây không phải trường hợp cá biệt, nhất là khi hàng trăm ngành nghề, lĩnh vực đầu tư có điều kiện với nhà đầu tư nước ngoài đang có mặt ở nhiều cam kết song phương, đa phương mà Việt Nam đã ký kết.

Ông Quách Ngọc Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư - đơn vị được giao dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp - Dự thảo), cho biết, đã nhận được nhiều ý kiến đề nghị làm rõ các quy định của Điều 23, Luật Đầu tư về thực hiện hoạt động đầu tư của tổ chức có vốn đầu tư nước ngoài.

“Sẽ phải làm rõ khái niệm tổ chức có vốn đầu tư nước ngoài để đảm bảo bao quát hết những vấn đề trong thực tiễn”, ông Tuấn nói về nội dung này mà Dự thảo đang đưa ra.

Tìm phương án tốt nhất

Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, có vẻ như khái niệm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn chưa tìm được phương án tốt nhất. Ngay cả phương án được đưa ra trong Dự thảo để lấy ý kiến cũng tiếp tục nhận được nhiều câu hỏi.

Cụ thể, thay vì việc chỉ xét đến quan hệ sở hữu trong phân loại nhà đầu tư của Luật Đầu tư hiện hành, Dự thảo đề xuất bổ sung khái niệm “tổ chức kinh tế có sở hữu chi phối của nhà đầu tư nước ngoài” để làm rõ tiêu chí về quyền kiểm soát doanh nghiệp của nhà đầu tư nước ngoài.

Theo cách phân loại này, thì nhà đầu tư nước ngoài sở hữu trên 50% vốn điều lệ của tổ chức kinh tế đó; nhà đầu tư nước ngoài trực tiếp hoặc gián tiếp quyết định bổ nhiệm đa số hoặc tất cả thành viên Hội đồng Quản trị, người đại diện theo pháp luật của tổ chức kinh tế đó, hay nhà đầu tư nước ngoài có quyền quyết định việc sửa đổi, bổ sung điều lệ của tổ chức kinh tế đó sẽ được coi là tổ chức kinh tế có sở hữu chi phối của nhà đầu tư nước ngoài. Họ sẽ phải thực hiện thủ tục đầu tư được quy định dành cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Thực ra, cách phân loại này đang bám theo tiêu chí xác định công ty mẹ - con, quy định tại Điều 189, Luật Doanh nghiệp và cũng khá rõ. Nhưng, băn khoăn của bà Nguyễn Hương Giang, chuyên gia Công ty Luật Allens là ai sẽ xác định các tiêu chí này.

Đây cũng là lo ngại của các thành viên Câu lạc bộ Luật sư thương mại quốc tế, thuộc Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF).

“Tôi e ngại sẽ có tình trạng cơ quan này hỏi cơ quan khác về việc nhà đầu tư đó có phải tuân thủ các điều kiện đầu tư với nhà đầu nước ngoài hay không. Với số lượng ngành nghề đầu tư có điều kiện khá lớn, nằm rải rác ở các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, thì thời gian xin ý kiến có thể sẽ là vấn đề”, ông Lê Nết, đại diện Câu lạc bộ góp ý cho Dự thảo.

Ở góc độ Ban soạn thảo, ông Quách Ngọc Tuấn cho rằng, nhà đầu tư sẽ chịu trách nhiệm về việc kê khai khi làm thủ tục đầu tư. Song, ông Tuấn cũng cho biết, sẽ tiếp tục lấy ý kiến nhà đầu tư, doanh nghiệp để không còn lấn cấn khi vận dụng các khái niệm này trong thực thi Luật Đầu tư.

Làm rõ khái niệm nhà đầu tư nước ngoài
Có ý kiến cho rằng, doanh nghiệp chỉ cần có 10% vốn của nhà đầu tư nước ngoài cũng phải được coi là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và thực hiện các thủ tục đầu tư dành cho nhà đầu tư nước ngoài. Đây là khái niệm mà Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đưa ra.

Ông Lê Nết, Câu lạc bộ Luật sư thương mại quốc tế cho rằng, nếu đưa ra khái niệm này thì phần lớn các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng, vì tỷ lệ vốn trên khá phổ biến. “Việc xác định khái niệm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cần phải hướng tới cả mục tiêu lựa chọn nhà đầu tư nước ngoài, nhưng cũng không thể ảnh hưởng đến sự hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam”, ông Lê Nết nói.

Tin bài liên quan