Lỗ hơn 144 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, dẫn đến lỗ lũy kế đến thời điểm hiện tại âm hơn 132,6 tỷ đồng (chiếm 90% vốn điều lệ) được ông Nguyễn Văn Chiểu, Chủ tịch Công ty cổ phần chế biến hàng xuất khẩu Long An (LAF) cho là một "tai nạn" bất ngờ xảy ra khi thị trường điều quốc tế biến động khó lường. Nếu trong quý IV này, Lafooco chỉ lỗ thêm 15 tỷ đồng nữa thì sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc do lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ.
Con số lỗ cực lớn lên tới hàng trăm tỷ đồng là một bất ngờ đối với nhiều nhà đầu tư và các cổ đông của Lafooco, đơn vị có trên 20 năm kinh nghiệm mua bán, chế biến xuất khẩu điều. Nguyên nhân chính dẫn đến thua lỗ là do năm trước, giá nhân điều tăng liên tục, nhưng Lafooco vẫn mạnh dạn mua hạt điều thô ở mức giá cao, cộng với việc nhập khẩu khoảng 8.000 tấn điều thô của nước ngoài. Thậm chí, có thời điểm Lafooco đã đi một nước cờ mạo hiểm hơn khi dùng một lượng lớn vốn vay để mua hàng về dự trữ.
Lúc cao nhất, các khoản vay ngắn hạn của công ty lên tới trên 616 tỷ đồng, kèm với đó là hơn 750 tỷ đồng hàng tồn kho, nên khi thị trường thay đổi đột ngột, hoạt động kinh doanh của công ty rơi vào thế khó. Đến quý IV/2011, các nước tiêu thụ nhân điều chủ yếu (Mỹ, châu Âu) bị khủng hoảng kinh tế, nhu cầu nhân điều giảm dẫn đến giá giảm mạnh liên tục cho đến nay. Và kết quả là lợi nhuận đi xuống. Lãi vay cao và các khoản trích lập dự phòng lớn là những lý do khác khiến Lafooco lún sâu vào thua lỗ.
Năm nay, do phải tiếp tục sản xuất từ nguồn nguyên liệu tồn kho giá cao với khối lượng lớn (trên 16.000 tấn, khoảng 514 tỷ đồng), nên Lafooco phải chịu thua lỗ khủng khiếp này. Như vậy, theo lời ông Chiểu thì "tai nạn" xảy ra là không kiểm soát được diễn biến thị trường, tiêu thụ liên tục giảm, nhưng phí sản xuất tăng cao, áp lực trả nợ ngân hàng lớn, đã đẩy các doanh nghiệp đến thua lỗ lớn.
Ngoài việc bị động với thị trường điều thế giới, Lafooco còn phải chịu thêm một rủi ro lớn khác là khi giá bán nhân điều bình quân cuối tháng 6/2012 tiếp tục giảm rất mạnh, giảm 30% so với cùng kỳ, mà nguyên nhân chủ yếu do kinh tế thế giới tiếp tục xấu đi, sức mua suy giảm. Thuế nhập khẩu hàng biên mậu vào Trung Quốc tăng đột biến trong giai đoạn này cũng tăng thêm áp lực chi phí cho công ty.
9 tháng đầu năm công ty âm 144,5 tỷ đồng, dẫn đến lỗ lũy kế tính đến thời điểm hiện tại là 132,6 tỷ đồng. Chỉ cần lỗ thêm hơn 15 tỷ đồng trong quý IV này thì Lafooco sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc (do lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ thực góp).
Trước tình trạng kinh doanh khó khăn, LAF đã quyết định đổi hướng, mở rộng thị trường, mặt hàng, đa dạng hóa sản phẩm. Theo đó, LAF đã xuất khẩu hạt điều rang muối bằng thương hiệu Lafooco, trực tiếp vào các siêu thị
Trước đây, cổ phiếu LAF luôn hiệu quả kinh doanh cao và ổn định. Năm 2010, công ty đã đạt mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận rất cao, lần lượt là 172% và 390%, nhờ quyết sách đúng đắn về dự trữ hàng tồn kho. Vậy nên, khi thua lỗ xảy ra, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cho đó là "tai nạn", ngoài sức tưởng tượng của ban điều hành. "Với tư cách là người đứng đầu công ty, tôi xin nhận trách nhiệm về thất bại vừa qua và thành thật xin lỗi cổ đông Lafooco. Chúng tôi sẽ tập trung toàn tâm, toàn lực để khắc phục hậu quả trên", ông Nguyễn Văn Chiểu, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty phát biểu.
Hội đồng quản trị mới sẽ thay đổi mô hình kinh doanh của Lafooco trong 1-2 năm tới là tập trung sản xuất-kinh doanh ba mặt hàng chính, đó là hạt điều, thủy sản và gạo, đồng thời sẽ phát triển hoạt động hợp tác đầu tư, dịch vụ cho thuê kho bãi… công ty đã lên kế hoạch huy động vốn từ cổ đông chiến lược. Nếu thành công, nguồn vốn mới sẽ là động lực giúp Lafooco vượt khó.
Theo dự báo của công ty, giá điều nguyên liệu sẽ tăng dần do nhu cầu sản xuất bánh kẹo dịp Tết và Giáng sinh tăng. Hơn nữa, cuối quý III, công ty cũng đã giảm được nợ ngắn hạn xuống chỉ còn 352 tỷ đồng, giảm gần một nửa so với mức 616 tỷ đồng cuối quý III/2011. Vì thế, áp lực trả lãi vay cũng đã giảm xuống.
Theo ông Chiểu, nếu thị trường giá nhân điều đảo chiều tăng vào dịp cuối năm, công ty khi sản xuất-kinh doanh hết hàng tồn kho sẽ tính lãi (lỗ) thực tế và được hoàn nhập trở lại số dự phòng. Lúc đó, khả năng có thể sẽ thoát án hủy niêm yết. Ngược lại, nếu giá vẫn tiếp tục giảm, thì đó là bất thường, công ty cũng không thể nói trước được điều gì sẽ xảy ra.
Doanh nghiệp lớn trong ngành điều như Lafooco nhưng lại không hề có bất kỳ chiến lược phát triển vùng nguyên liệu nào trong nước. Thay vào đó, công ty đã kinh doanh thêm thủy sản, gạo, thậm chí đầu tư bất động sản, điểm giao dịch chứng khoán… "Đổi gạo lấy điều nguyên liệu từ châu Phi" có thể là chiến lược duy nhất Lafooco đã công bố nhằm phát triển vùng nguyên liệu.
Chính vì mối liên kết lỏng lẻo đó nên khi mất mùa, người dân đã chọn cách bỏ hoang không chăm sóc hoặc chặt bỏ cây điều để trồng các loại cây có giá trị cao hơn như cao su. Hơn nữa, doanh nghiệp điều ít đa dạng hóa sản phẩm, bỏ quên thị trường trong nước và không đầu tư cho công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm. Vì vậy, khi "tai nạn" xảy ra thì mọi hối tiếc cũng đã muộn màng.