Theo thống kê của Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước, lãi suất huy động USD của các ngân hàng thương mại không kỳ hạn hiện từ 1,2 - 1,6%/năm; kỳ hạn 3 tháng từ 4,3 - 4,9%/năm; kỳ hạn 6 tháng từ 4,7 - 5,1%/năm và kỳ hạn 12 tháng phổ biến từ 5,0 - 5,5%. Có thể thấy, lãi suất kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại Việt Nam đã cao hơn lãi suất cơ bản của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) duy trì trong suốt năm qua (5,25%); cao hơn cả lãi suất LIBOR (12 tháng 5,13% vào cuối tuần qua) trên thị trường London (Anh) và cao hơn cả lãi suất SIBOR trên thị trường Singapore (12 tháng là 5,12%).
Vụ Chính sách tiền tệ nhận định, quyết định tăng lãi suất USD của Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) kỳ hạn 12 tháng từ 4,96%/năm lên 5%/năm đã khiến mặt bằng lãi suất tiết kiệm USD của khối ngân hàng quốc doanh tăng 0,04%/năm. Thị phần khối này vẫn đang chiếm phần lớn, khi lãi suất tăng càng tạo thêm áp lực nới rộng khoảng cách đối với các ngân hàng thương mại cổ phần. Cuối tháng 8, một loạt ngân hàng cổ phần lớn như Ngân hàng Xuất nhập khẩu (Eximbank), Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank), Ngân hàng Quốc tế (VIB Bank)… đã quyết định nới rộng khoảng cách trên. Gần đây nhất, ngày 7/9, Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đã tăng lãi suất huy động USD từ 0,1 - 0,2% đối với từng kỳ hạn.
Cùng với quyết định điều chỉnh lãi suất, Sacombank cho rằng, hoạt động xuất nhập khẩu khởi sắc khiến nhu cầu vay vốn ngoại tệ tại các ngân hàng đang tăng mạnh; theo đó, không chỉ riêng Sacombank, nhiều ngân hàng đã lần lượt điều chỉnh lãi suất huy động, tập trung chủ yếu vào kỳ hạn từ 3 - 18 tháng. Nhu cầu vốn là thực tế, bởi hầu hết ngân hàng không còn cảnh huy động USD rồi “tái gửi” ra nước ngoài hưởng chênh lệch lãi suất như những năm trước, bởi lãi suất hiện đã cao hơn cả LIBOR lẫn SIBOR. Một diễn biến khác cũng cho thấy yêu cầu đáp ứng nhu cầu vốn thực tế hơn, đó là một số ngân hàng đã bắt đầu sử dụng những phương án “lách” ngắn hạn, khi lãi suất khó thể kéo căng.
Đó là các đợt phát hành chứng chỉ tiền gửi USD kỳ hạn ngắn với lãi suất cao. Cụ thể, Ngân hàng An Bình (ABBank) dự kiến cuối tháng 9 này sẽ huy động được 19 triệu USD với đòn bẩy lãi suất lên tới 5,5%/năm, vượt trội so với lãi suất tiền gửi USD thông thường. Ngay cả như HSBC Việt
Theo Ngân hàng Nhà nước - chi nhánh TP. HCM, những kế hoạch phát hành trên là hình thức huy động vốn được các tổ chức tín dụng thường sử dụng để thu hút nguồn vốn khi cần thiết; cùng với các chương trình khuyến mại đi kèm đã tạo nên hiệu quả nhất định. Riêng tại TP. HCM, tốc độ huy động ngoại tệ đang có xu hướng tăng, chiếm từ 27 - 30% trong tổng nguồn vốn huy động, trong đó những kế hoạch phát hành giấy tờ có giá bằng ngoại tệ góp công lớn.
Lãi suất tăng, nguyên nhân trực tiếp nhất là từ cầu ngoại tệ cao trong khi vốn ngoại tệ của ngân hàng khá hạn chế. Ước tính, dư nợ ngoại tệ (chủ yếu là USD) tại các địa bàn trọng điểm như Hà Nội, TP. HCM, Hải Phòng, Cần Thơ đã tăng trên 20%, một số nguồn tin còn đề cập đến trường hợp tăng tới 111% so với cuối năm 2006. Trong khi đó, tốc độ huy động ngoại tệ chỉ tăng khoảng 17 - 20%. Cùng với TP. HCM, tại Hà Nội, tốc độ này từ tháng 8 đã bắt đầu có dấu hiệu nhích lên bởi nguồn ngoại tệ từ đầu tư trực tiếp tăng, từ đầu tư gián tiếp giải ngân và đặc biệt là kiều hối đang chuẩn bị vào mùa. Đây là những yếu tố thuận lợi để giảm bớt sức ép tăng lãi suất ngoại tệ trên thị trường. Dự báo, lãi suất huy động ngoại tệ sẽ tương đối ổn định từ nay đến cuối năm.