Kỳ vọng tăng trưởng 2018 cao hơn 2017
Tuy còn tồn tại không ít hạn chế, nhất là xét ở góc độ chất lượng và hiệu quả tăng trưởng, nhưng bức tranh kinh tế năm 2017 vào thời điểm chỉ còn một tháng nữa là kết thúc cho thấy nhiều gam màu sáng nhờ những bứt phá vào các tháng cuối năm. Đây là kết quả của những nỗ lực cải cách nền kinh tế vận hành theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, cũng như tính minh bạch, không phải là sản phẩm của những giải pháp kích thích mang tính ngắn hạn.
“Theo chúng tôi, năm 2017 là năm cất cánh của kinh tế Việt Nam, với tăng trưởng kinh tế đạt mức cao nhất 10 năm. Ổn định vĩ mô được giữ vững, thể hiện ở chỉ số lạm phát và thâm hụt ngân sách đều ở mức thấp”. Đây là góc nhìn của ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Phân tích và tư vấn đầu tư Khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Sài Gòn.
Ông Linh phân tích, kết quả trên có được từ cả nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan. Về phía chủ quan, sự thay đổi trong tư duy phát triển cùng quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng từ Trung ương đã tạo ra “luồng gió mới” cho kinh tế Việt Nam.
Về phía khách quan, thuận lợi về giá cả hàng hóa toàn cầu, sự thành công của Samsung trong phát triển các sản phẩm mới đã tạo cú hích cho sản xuất công nghiệp, đặc biệt là trong nửa cuối năm 2017. Điểm đáng mừng là tăng trưởng kinh tế năm nay không đến từ các giải pháp kích cầu ngắn hạn, bởi những biện pháp như đẩy nhanh giải ngân tín dụng chắc chắn không kịp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2017.
“Một số tín hiệu trong năm 2017 đang làm chúng tôi có thêm niềm tin rằng, các chính sách phát triển kinh tế Việt Nam đang đi đúng hướng, nên tăng trưởng của các năm tiếp theo sẽ vẫn ở mức cao. Trong bối cảnh khó khăn của năm nay, chúng ta đã tìm ra lối đi để GDP đạt mức tăng trưởng 6,7%, thì không có lý do gì để đặt mục tiêu thấp hơn cho năm 2018, cũng như các năm tiếp theo, nhất là khi các yếu tố vĩ mô nội tại đang có chiều hướng tốt lên”, ông Linh chia sẻ.
Theo góc nhìn của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2018 được dự báo tiếp tục có chuyển biến tích cực. Các biện pháp cải cách quyết liệt của Chính phủ sẽ phát huy hiệu quả. Các điều kiện thuận lợi là nhiều đầu tàu kinh tế thế giới như: Mỹ, Nhật Bản, châu Âu đều tăng trưởng khả quan. Lĩnh vực dầu khí và khai khoáng có thể thoát đáy khi giá dầu đang có xu hướng hồi phục…
Để đạt mục tiêu tăng trưởng cao trong thời gian tới, các chuyên gia cho rằng, điều quan trọng là nhà quản lý cần thay đổi tư duy kích cầu bằng tư duy kích cung. Trong các giải pháp kích cung, cần nhấn mạnh việc tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, sân chơi bình đẳng cho các thành phần kinh tế. Cùng với đó là sự hỗ trợ tối đa từ cơ quan nhà nước về tạo lập chính sách hay trực tiếp hỗ trợ sản xuất và tiếp thị sản phẩm, nhằm tiếp sức cho các doanh nghiệp lớn mạnh...
Thị trường chứng khoán sẽ hút vốn mạnh
Với bối cảnh kinh tế vĩ mô đang vận động theo chiều hướng tích cực và khá vững như vậy, ý kiến từ các chuyên gia cho rằng, thị trường chứng khoán trong năm 2018 sẽ tiếp nối đà sôi động của năm nay.
Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia dự báo, xu hướng tăng trưởng trung dài hạn của thị trường chứng khoán có thể tiếp tục trong năm 2018, chỉ số VN-Index có thể đạt các đỉnh cao mới và giá trị vốn hóa thị trường trên GDP tiếp tục gia tăng.
Cơ sở của dự báo lạc quan trên, theo Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia, ngoài bệ đỡ là tăng trưởng kinh tế, cũng như vĩ mô tiếp tục có thêm những diễn biến tích cực mới, còn nhờ mặt bằng giá cổ phiếu hiện tương đối hấp dẫn. Mức P/E bình quân là 17,5 lần, thấp hơn 16% so với mức P/E bình quân của các thị trường chứng khoán khu vực.
Trong khi tăng trưởng GDP của Việt Nam, cũng như tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết nội địa năm 2018 được dự báo cao hơn phần lớn các nước trong khu vực. Các đợt bán vốn Nhà nước, IPO doanh nghiệp Nhà nước và niêm yết các doanh nghiệp lớn, có chất lượng trong năm 2018 sẽ tiếp tục thu hút mạnh các dòng vốn tham gia thị trường, nhất là dòng vốn đầu tư gián tiếp từ các quỹ đầu tư trên thế giới.