Động thái mua vào, bán ra của khối ngoại luôn có ảnh hưởng ít nhiều đến diễn biến TTCK, bởi nhà đầu tư trong nước luôn có tâm lý quan sát giao dịch của khối ngoại để làm căn cứ đầu tư. Trong quý I/2016, hoạt động của khối ngoại khá cầm chừng, chưa mang tính định hướng cho dòng tiền trong nước.
Bước sang quý II, khối ngoại đã mua ròng trong nhiều phiên liên tiếp và đặc biệt bứt phá trong phiên ngày 22/4/2016, với giá trị mua ròng đạt 204,61 tỷ đồng trên sàn HOSE.
Theo phân tích của ông Trần Anh Tuấn, Trưởng phòng Phân tích, CTCK Vietcombank (VCBS), từ đầu quý II, những diễn biến mới của nền kinh tế thế giới có tác động tích cực đến TTCK toàn cầu. Cụ thể, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thận trọng hơn trong việc nâng lãi suất đồng USD, áp lực rút vốn từ các thị trường mới nổi theo đó giảm xuống.
Những rủi ro từ TTCK Trung Quốc cũng lắng xuống khi các biện pháp ngăn chặn đà giảm tốc của nền kinh tế từ Chính phủ nước này đã bắt đầu phát huy tác dụng. Nền kinh tế vĩ mô trong nước cũng ghi nhận sự ổn định, rủi ro tỷ giá giảm, nhiều cơ hội từ hội nhập, đặc biệt là Hiệp định TPP… Trong bối cảnh ấy, khối ngoại đã quay trở lại mua ròng.
“Chuỗi mua ròng mạnh của họ nhiều khả năng đã được kích hoạt và tôi cho rằng, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ hoạt động tích cực hơn trong thời gian tới”, ông Tuấn nhận định.
Nhìn lại diễn biến giao dịch của khối ngoại từ quý II đến nay, có thể thấy, khối này đã mua ròng bền bỉ trên thị trường tại nhiều cổ phiếu blue-chips như BVH, VCB, SSI, HPG, PVS, SCR…, ngay cả khi VN-Index điều chỉnh giảm mạnh từ vùng 580 điểm về dưới 570 điểm. Tính riêng tuần qua, khối ngoại đã mua ròng 411 tỷ đồng trên sàn HOSE.
Ông Vũ Minh Đức, Giám đốc Phân tích kinh tế và thị trường, Khối phân tích CTCK VPBS cho biết trong báo cáo chiến lược mới đây, VPBS dự báo xu hướng quay trở lại mua ròng của khối ngoại trên thị trường trong quý II này.
Nguyên nhân xuất phát từ việc Fed trong cuộc họp Ủy ban Thị trường mở tháng 3 vừa qua đã phát đi tín hiệu thận trọng về việc tiếp tục tăng lãi suất của Mỹ trong quý II. Điều này đã ảnh hưởng tích cực đến xu hướng dòng tiền đầu tư gián tiếp tại các thị trường mới nổi.
Các TTCK trong khu vực như Thái Lan, Indonesia và Philippines đều chứng kiến việc khối ngoại mua ròng trở lại trong quý I/2016 sau khi họ đã rút vốn mạnh trong những tháng cuối năm 2015. Do đó, có cơ sở để tin rằng, khối ngoại sẽ tiếp tục mua ròng trong thời gian tới, đặc biệt là hai quỹ ETF là Market Vectors Vietnam ETF và FTSE Vietnam ETF đều đang ở trạng thái Premium, có nghĩa là có khả năng huy động thêm vốn đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
Về diễn biến của dòng vốn ngoại trong thời gian tới, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, CTCK MaybankKimEng cho rằng, khối ngoại sẽ tiếp tục duy trì mua ròng trên sàn và sẽ giảm những giao dịch bán ròng lớn. Tuy nhiên, ông Khánh cũng lưu ý một diễn biến giao dịch của khối ngoại. Đó là, mặc dù khối ngoại mua ròng qua khớp lệnh, nhưng thỉnh thoảng vẫn bán mạnh qua giao dịch thỏa thuận và họ bán những cổ phiếu lớn như MSN, VIC, HAG... Tỷ lệ sở hữu của khối ngoại với nhiều cổ phiếu blue-chips đã giảm xuống trong năm nay.
Theo ông Khánh, nếu xu hướng này của khối ngoại vẫn được duy trì sẽ tác động xấu đến triển vọng trung hạn của TTCK. Vì nếu, NĐT nước ngoài bán ròng ở giao dịch thỏa thuận thường phải bán khối lượng lớn, dù không tác động trực tiếp đến giá cổ phiếu ngay tại thời điểm đó, nhưng sẽ ảnh hưởng đến tâm lý thị trường và làm các dòng tiền mới thận trọng hơn.
Thực tế là các giao dịch mua ròng trên sàn của khối ngoại chủ yếu là các giao dịch nhỏ, vì vậy, đà mua ròng trên sàn của khối ngoại trên sàn sẽ thực sự trở thành lực đẩy với thị trường khi tiếp tục được duy trì và bán ròng của khối này qua giao dịch thỏa thuận cũng được chặn lại.
Trước thềm chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Mỹ Brack Obama, thống kê về dòng vốn Mỹ cho thấy, so với thời điểm Việt Nam tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư tại New York (tháng 7/2015), dòng vốn Mỹ vào TTCK Việt Nam hiện có sự tăng trưởng khá mạnh.
Cụ thể, tính đến ngày 31/3/2016, nhà đầu tư Mỹ sở hữu xấp xỉ 1,3 tỷ chứng khoán tại Việt Nam (tăng 18,2% so với thời điểm tháng 6/2015), trong đó có gần 37,7 triệu trái phiếu chính phủ (tăng 598% so với thời điểm tháng 6/2015) và gần 1,26 tỷ cổ phiếu và chứng chỉ quỹ (tăng 26% so với thời điểm tháng 6/2015). Tỷ trọng nhà đầu tư Mỹ trong giá trị đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài gần 13% đối với cổ phiếu và 0,06% đối với trái phiếu.