Kinh tế thế giới hồi phục, nhất là những thị trường lớn như Mỹ, Nhật, EU đang tạo đà thuận lợi cho dệt may bứt phá. Đây được coi là ngành có khả năng hồi phục nhanh sau suy giảm kinh tế với mức tăng trưởng 17 - 18% trong những tháng đầu năm.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, quý I kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đạt 2,16 tỷ USD, tăng 12,3% còn theo tính toán của ngành dệt may thì khả năng thực tế của toàn ngành có thể đạt được là 2,25 tỷ USD, nhiều hơn con số dự kiến khoảng 80 - 90 triệu USD. Kết quả này giúp ngành dệt may giữ được nhịp độ tăng trưởng từ 17 - 18% của ba tháng đầu năm.
Theo ông Lê Tiến Trường, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), quý II/2010, tình hình đơn hàng có nhiều tín hiệu vui và khả năng vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng như quý I. Nhiều DN trong ngành dệt may đã có đơn hàng hoạt động đến hết quý II/2010. Báo cáo của Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) cũng cho thấy, nhiều DN trong ngành đã ký hợp đồng đến hết quý III/2010, thậm chí hết năm với các nhà nhập khẩu với lượng đặt hàng khá lớn. Hiện, các DN đang tăng tốc sản xuất để kịp giao hàng cho mùa vụ thu đông sắp tới.
Dự báo về xuất khẩu của các DN dệt may trong năm 2010, ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Vitas cho biết, đơn hàng sẽ dồi dào hơn so với năm 2009 do nhiều nhà nhập khẩu tăng số lượng đặt hàng. Điều DN quan tâm và mong muốn được tháo gỡ là khó khăn về vốn cho đầu tư mở rộng sản xuất và chủ động về nguyên vật liệu. Quý II, chính sách tiền tệ bớt thắt chặt, tăng trưởng tín dụng cao hơn sẽ là tiền đề hỗ trợ hoạt động của ngành thuận lợi.
Đơn hàng tăng mạnh
Về đặc thù của thị trường, theo phân tích của Vinatex, đã có những tín hiệu phục hồi thể hiện qua số lượng đơn hàng và lượng nhập khẩu của một số thị trường lớn tăng mạnh.
Xuất khẩu áo Jacket tháng 1/2010 đạt 5,89 triệu cái, trị giá 72,9 triệu USD, tăng 10,5% về lượng và 3,8% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu áo thun của 2 tháng đầu năm 2010 đạt 112,3 triệu cái, trị giá 332,3 triệu USD, tăng 19,7% về lượng và 11,4% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu áo sơ mi của Việt Nam tháng 1/2010 đạt 9,4 triệu cái, trị giá 51,7 triệu USD, tăng 16,9% về lượng và 9,3% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái… Trong đó, các thị trường chủ lực Mỹ, EU và Nhật Bản đều tăng, nhu cầu tăng mạnh nhất là thị trường Mỹ.
Về giá, hàng dệt may đang trên đà hồi phục. Đơn cử, nếu so sánh 3 mức tiêu dùng cơ bản trước đây như tiêu dùng của người Mỹ cho quần áo ở thời kỳ đỉnh cao năm 2007 - 2008 đạt khoảng 76 USD/tháng thì đến đáy trong khủng hoảng là 66 USD/tháng và hiện tại đã tăng trở lại ở mức khoảng 70 - 71 USD/tháng. Mức phục hồi chưa thể quay lại thời kỳ hoàng kim trước đó nhưng đã có sự gia tăng đáng kể so với thời điểm khủng hoảng. Chính vì đặc điểm này, đơn giá trung bình các mặt hàng dệt may xuất khẩu của quý I/2010 mới tăng khoảng 2 - 3% chứ không tăng mạnh mẽ như một số mặt hàng khác. Song chuyển động của thị trường cũng sẽ đóng góp tín hiệu lạc quan cho kết quả kinh doanh của các DN trong ngành.
Chủ động về giá
Nếu so với kim ngạch xuất khẩu 3 tháng đầu năm thì việc nhập khẩu bông, vải, sợi của các DN tăng khá cao. Theo lý giải của DN, do đơn hàng đã có nên DN chủ động nhập khẩu nguyên liệu để thực hiện đơn hàng. Bên cạnh đó, dự đoán giá nguyên liệu thế giới trong giai đoạn vừa rồi tăng rất nhanh, đặc biệt là giá bông đã tăng 35%, việc nhập khẩu này sẽ góp kiểm soát về giá sản phẩm trong thời gian tới.
Trên thực tế, quý I/2020, Vinatex và Vitas cũng chỉ đạo các DN nhập khẩu sớm nguyên liệu do dự báo về nhu cầu nguyên vật liệu sẽ còn tăng. Việc phân tích dự báo diễn biến thị trường như vừa qua khá hiệu quả bởi với đơn giá thấp từ nguyên liệu nhập khẩu hồi tháng 1, tháng 2 so với hiện nay thì hàng dệt may trong nước có sức cạnh tranh hơn. Nếu với mức trung bình của giá bông của dệt may nhập trong quý I khoảng 1,6 USD/kg, hiện lên tới 1,9 USD/kg thì giá đầu vào của các DN trong nước đã được giảm đáng kể. Ngoài nguyên liệu nhập khẩu, năm 2010 Vinatex chủ trương đẩy mạnh việc dùng nguyên liệu nội địa để tăng giá trị gia tăng trong các sản phẩm dệt may.
Qua diễn biến thị trường quý I, có thể nhìn nhận cho dù giá bán các sản phẩm dệt may chưa trở lại được thời kỳ đỉnh cao nhưng xuất khẩu dệt may vẫn đang đạt được những mục tiêu đề ra và kỳ vọng đạt 10,5 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này trong năm 2010 sẽ hoàn thành.