Hai “chất xúc tác mạnh”
Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh, mục tiêu lớn nhất là đáp ứng được tiêu chí nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi, đem lại lợi ích cho các bên tham gia.
Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi gọi đây là nhiệm vụ “không thể trì hoãn, không thể để lỡ”, là bước tiến mới của thị trường để thu hút được nhiều tỷ USD từ các nhà đầu tư nước ngoài. Mục tiêu nâng hạng phải được thực hiện và đạt kết quả trong năm nay.
Bà Nguyễn Thị Việt Hà, Quyền Chủ tịch Hội đồng quản trị Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM cho biết, dự án công nghệ thông tin với nhà thầu Hàn Quốc (hệ thống KRX) đã đạt được một số bước tiến đáng kể, thực hiện được giai đoạn kiểm thử người dùng cuối cùng và đang tiến đến xem xét việc triển khai hệ thống trong thời gian tới.
Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM sẽ tiếp tục phát huy thành quả 24 năm và triển khai các giải pháp, hoạt động phù hợp với chương trình hành động của Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam để thực hiện chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030, sẵn sàng cho việc nâng hạng thị trường trong năm 2025.
Các thông điệp mạnh mẽ, các mục tiêu có tiến triển tích cực đã ngay lập tức phản ánh vào diễn biến giao dịch khởi sắc trên thị trường, trong đó dòng chứng khoán tăng điểm tích cực. Nhiều room thảo luận, chia sẻ cơ hội đầu tư đưa nhóm chứng khoán vào danh sách quan tâm, không nên bỏ lỡ trước cơ hội từ hệ thống KRX và nâng hạng thị trường. Luận điểm chung là 2 “chất xúc tác mạnh” này sẽ đưa thị trường tiến lên một bậc phát triển mới, thanh khoản gia tăng là điều kiện thuận lợi cho khối công ty chứng khoán.
Bên cạnh mục tiêu đáp ứng các tiêu chí nâng hạng thị trường, chỉ đạo từ Bộ Tài chính năm nay là ngành chứng khoán phải hoàn thiện các văn bản, khung pháp lý hướng dẫn các quy định mới của Luật Chứng khoán. Việc sửa đổi phải sớm đưa vào thực tiễn, có văn bản hướng dẫn nhanh. Việc cải cách các thủ tục hành chính là cần thiết để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia thị trường không bị lỡ cơ hội đầu tư.
Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi yêu cầu, năm nay, thị trường chứng khoán phải được vận hành thông suốt, an toàn, trách nhiệm thuộc về các Sở giao dịch chứng khoán và Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam. Hệ thống công nghệ thông tin đã được đầu tư, quyết tâm đưa vào vận hành và ứng dụng các tính năng ưu việt trong năm nay, hướng đến bước phát triển mới về chất của thị trường. Bên cạnh đó, ngành chứng khoán phải tiếp tục tự giác tuân thủ các quy định, đảm bảo kỷ cương, kỷ luật của thị trường, quyền lợi của các chủ thể tham gia, không dung thứ cho các hành động trục lợi, thao túng, vi phạm các quy định. Đặc biệt, công tác phát triển và đa dạng hàng hoá chất lượng cần được được chú trọng hơn, thu hút hàng hoá chất lượng cao lên niêm yết, đăng ký giao dịch.
“Trên thị trường chứng khoán, không ai đi được một mình mà phải đi cùng nhau thì mới phát triển đi lên được. Cơ quan quản lý nhà nước (Bộ Tài chính) cam kết là người dẫn dắt, đi đầu”, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi khẳng định.
Tích cực triển khai các giải pháp
Trao đổi với báo chí, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Chân Phương cho hay, nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi là chủ trương lớn của Chính phủ, được Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo sát sao thời gian qua, phấn đấu thực hiện mục tiêu nâng hạng trong năm 2025. Công tác nâng hạng thị trường được Ủy ban Chứng khoán tích cực triển khai dưới sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ Tài chính.
Ngày 18/9/2024, Thông tư số 68/2024/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư quy định về giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch chứng khoán, bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán, hoạt động của công ty chứng khoán và công bố thông tin trên thị trường chứng khoán đã được Bộ Tài chính ban hành, đánh dấu một bước tiến quan trọng, tháo gỡ nút thắt về mặt pháp lý, đáp ứng tiêu chí về nâng hạng thị trường của FTSE Russell.
Thực tế cho thấy, việc triển khai nghiệp vụ giao dịch không yêu cầu ký quỹ trước bằng tiền (Non- prefunding) của nhà đầu tư tổ chức nước ngoài diễn ra thuận lợi, đáp ứng được nhu cầu giao dịch của nhà đầu tư và đảm bảo sự an toàn, thông suốt từ các thành viên thị trường, các bên liên quan.
Cùng với đó, Luật Chứng khoán 2019 được bổ sung nhiều quy định nhằm đáp ứng các tiêu chí nâng hạng thị trường chứng khoán.
Các bộ, ngành cũng tích cực triển khai các giải pháp để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường Việt Nam, như việc sửa đổi quy định pháp lý liên quan đến thủ tục mở tài khoản vốn đầu tư gián tiếp theo hướng giảm thiểu thủ tục và rút ngắn thời gian mở tài khoản, cập nhật và công bố đầy đủ tỷ lệ sở hữu nhà nước tối đa đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, hạn chế tiếp cận đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Bà Vũ Thị Chân Phương chia sẻ, việc nâng hạng thị trường chứng khoán phụ thuộc vào sự đánh giá khách quan của các tổ chức xếp hạng quốc tế thông qua trải nghiệm thực tế của các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, qua ghi nhận từ các tổ chức quốc tế và trong nước, Việt Nam có nhiều cơ hội để FTSE Russell nâng hạng theo đúng lộ trình. Cơ quan quản lý vẫn đang nỗ lực cao nhất trong việc triển khai các công việc tiếp theo để tháo gỡ các nút thắt như triển khai cơ chế đối tác bù trừ trung tâm, phối hợp đề xuất nới “room” sở hữu nước ngoài, công bố thông tin bằng tiếng Anh… nhằm đáp ứng các tiêu chí nâng hạng của MSCI.
Năm 2025 có nhiều dấu mốc quan trọng, là năm kết thúc kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, 80 năm thành lập nước, 50 năm thống nhất đất nước, 80 năm thành lập ngành tài chính, 25 năm thị trường chứng khoán vận hành…
Giao nhiệm vụ cho ngành chứng khoán, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, ngành chứng khoán phải nỗ lực không ngừng từ tất cả các thành viên thị trường, từ việc cải cách cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ, đặc biệt thu hút nhà đầu tư quốc tế, thu hút nguồn vốn trung và dài hạn cho ngân sách nhà nước, cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Đồng thời, tạo ra một môi trường đầu tư minh bạch, an toàn và hấp dẫn, để thị trường chứng khoán Việt Nam trở thành điểm đến tin cậy của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Thị trường chứng khoán Việt Nam khai trương phiên giao dịch đầu tiên vào ngày 28/7/2000 với 2 mã cổ phiếu. Năm 2015, thị trường có 3 loại hình sản phẩm niêm yết, với 307 mã cổ phiếu, 1 mã ETF, 39 mã trái phiếu. Đến năm 2020, thị trường có 4 loại hình sản phẩm niêm yết, gồm 392 mã cổ phiếu, 10 mã chứng chỉ quỹ (trong đó có 7 mã ETF), 118 mã chứng quyền có bảo đảm, 33 mã trái phiếu.
Kết thúc năm 2024, thị trường chứng khoán có 393 mã cổ phiếu, 20 mã chứng chỉ quỹ (trong đó có 16 mã ETF), 114 mã chứng quyền có bảo đảm. Giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 5,21 triệu tỷ đồng, tăng 14,3% so với cuối năm 2023, tăng 27,6% so với cuối năm 2020 (giai đoạn 20 năm) và gấp 4,5 lần so với cuối năm 2015 (giai đoạn 15 năm).
Không chỉ tăng về số lượng, chất lượng thị trường cũng đã có nhiều cải thiện, giá trị giao dịch bình quân năm 2024 đạt 18.685 tỷ đồng/phiên, tăng 22,4% so với năm 2023, gấp 3 lần so với năm 2020, gấp 9,5 lần so với năm 2015. Khối lượng giao dịch bình quân năm 2024 đạt 781,8 triệu chứng khoán, tăng 0,8% so với năm 2023, gấp 2,3 lần so với năm 2020, gấp 6,9 lần so với năm 2015. Thanh khoản thị trường cổ phiếu Việt Nam xếp ở vị trí thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á, sau thị trường Thái Lan và Singapore.