Bà Nguyễn Thúy Hạnh, Phó tổng giám đốc điều hành Khối Khách hàng doanh nghiệp và đầu tư, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam

Bà Nguyễn Thúy Hạnh, Phó tổng giám đốc điều hành Khối Khách hàng doanh nghiệp và đầu tư, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam

Lạc quan tín dụng cuối năm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo bà Nguyễn Thúy Hạnh - Phó tổng giám đốc điều hành Khối Khách hàng doanh nghiệp và đầu tư, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam, tăng trưởng tín dụng sẽ tích cực hơn trong nửa cuối năm nay khi khả năng tiếp cận vốn ngân hàng của người dân, doanh nghiệp được cải thiện.

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tốc độ tăng trưởng tín dụng đang cải thiện dần qua các tháng. Bà đánh giá thế nào về tăng trưởng tín dụng trong nửa đầu năm nay?

Số liệu của NHNN cho biết, đến cuối tháng 6 đã đạt 6% so với đầu năm sau những tháng tăng trưởng âm và hồi phục chậm chạp. Điều này phản ánh nhiều doanh nghiệp giảm hoặc tạm dừng hoạt động trong bối cảnh áp lực gia tăng, bất ổn chính sách trong nước kéo dài, đồng VND và nhu cầu toàn cầu suy yếu.

Mặc dù mức tăng trưởng tín dụng đã đạt mục tiêu đặt ra trong 6 tháng đầu năm và phù hợp với những thách thức này, nhưng điều đó cho thấy các doanh nghiệp đang thận trọng trong việc mở rộng tín dụng, ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế tổng thể.

Tại một số địa phương tăng trưởng tín dụng còn thấp. Có những tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng thấp hơn mức tăng trưởng chung, thậm chí tăng trưởng âm. Đâu là nguyên nhân dẫn tới sự phân hóa này?

Tăng trưởng tín dụng thấp bị ảnh hưởng bởi các yếu tố sau:

Thứ nhất, các yếu tố kinh tế vĩ mô: Tỷ lệ lạm phát cao là một trong những nguyên nhân làm xói mòn sức mua của người tiêu dùng và tăng chi phí sinh hoạt. Bên cạnh đó, những bất ổn kinh tế toàn cầu bao gồm căng thẳng thương mại, xung đột Ukraine - Nga, rủi ro địa chính trị… đã làm chậm lại quá trình mở rộng kinh doanh và gián đoạn chuỗi cung ứng.

Thứ hai, tiêu chuẩn cho vay nghiêm ngặt: Các quy định mới nhằm tăng cường kiểm soát tín dụng trong hệ thống ngân hàng với mục tiêu giảm thiểu nợ xấu và “bong bóng” tín dụng đã khiến một bộ phận người tiêu dùng, doanh nghiệp khó tiếp cận tín dụng hơn, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang bị ảnh hưởng tiêu cực bởi suy thoái thị trường.

Thứ ba, an toàn vốn ngân hàng: Nhiều ngân hàng phải đối mặt với những thách thức trong việc đáp ứng yêu cầu an toàn vốn theo Basel III hoặc duy trì tỷ lệ AD theo quy định phù hợp, dẫn đến hạn chế khả năng cho vay.

Thứ tư, bối cảnh tín dụng cạnh tranh cao: Để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng tín dụng, nhiều ngân hàng lớn đưa ra lãi suất cho vay thấp cho khách hàng, khiến các ngân hàng thương mại nhỏ khó cạnh tranh hơn.

Tín dụng đang cải thiện dần qua các tháng

Tín dụng đang cải thiện dần qua các tháng

Theo bà, việc định hướng tín dụng tập trung cho sản xuất - kinh doanh với mức lãi suất ưu đãi liệu có hiệu quả?

Theo tôi, định hướng này đã phát huy hiệu quả trong thời gian qua, cụ thể là sản lượng sản xuất tăng trưởng tốt ở mức 8,7% trong 6 tháng đầu năm 2024.

Lãi suất ưu đãi là biện pháp rất hiệu quả để hỗ trợ doanh nghiệp trong ngắn hạn và thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên, chi phí hoạt động và chi phí vốn của ngân hàng giữ nguyên hoặc tăng lên do nhu cầu đầu tư vào công nghệ thông tin nhiều hơn. Vì vậy, biện pháp này khó có thể duy trì trong thời gian dài.

Tại Standard Chartered, bên cạnh các giải pháp tín dụng truyền thống, Ngân hàng còn tận dụng hệ thống mạng lưới toàn cầu để cung cấp tài chính cho chuỗi cung ứng, kết nối người mua và nhà cung cấp trên thị trường toàn cầu. Ngân hàng cam kết thúc đẩy mạnh mẽ cung cấp nguồn tài chính bền vững và giúp khách hàng của chúng tôi trong việc tiếp cận các giải pháp và dịch vụ tài chính bền vững dựa trên các yếu tố môi trường - xã hội - quản trị doanh nghiệp (ESG) để giúp khách hàng đạt được mục tiêu ESG và kết nối họ với các nhà đầu tư, chuyên gia toàn cầu.

Đây là năm đầu tiên NHNN giao toàn bộ hạn mức tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm để các ngân hàng chủ động cung ứng vốn ra thị trường với nhiều ưu đãi. Ngân hàng nào không cho vay được thì có thể bị rút lại và điều chuyển hạn mức tín dụng sang ngân hàng khác. Theo bà, điều này sẽ có tác động thế nào đến hoạt động của ngân hàng?

Để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng cung ứng nguồn vốn tín dụng đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế, NHNN giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng 15% và yêu cầu các tổ chức tín dụng kiểm soát tăng trưởng tín dụng năm 2024. Trên cơ sở đánh giá diễn biến, tình hình thực tế, NHNN sẽ có những điều chỉnh phù hợp.

Đây là điểm khác biệt trong cách điều hành tín dụng của NHNN so với mọi năm vì thông thường, các ngân hàng sẽ gửi đề nghị để xét điều chỉnh hạn mức tăng trưởng tín dụng theo nhiều đợt trong năm. Các ngân hàng thương mại tự kiểm soát rủi ro, lộ trình tín dụng cho cả năm, tránh tình trạng thiếu hạn mức tăng trưởng tín dụng giữa năm như các năm trước đây. Với sự thay đổi này, khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp trong năm 2024 sẽ có sự thay đổi theo hướng tích cực hơn. Các ngân hàng được tăng tính chủ động trong hoạt động cho vay là một thuận lợi đối với ngân hàng cũng như khách hàng.

Quan điểm của bà về những chính sách kích cầu của Chính phủ và NHNN như giảm thuế VAT, hạ lãi suất và đẩy mạnh đầu tư công có tác động như thế nào tới hoạt động cho vay tiêu dùng trong nửa cuối năm 2024?

Nhìn chung, sự kết hợp giữa giảm thuế VAT, giảm lãi suất, kéo dài thời gian trả nợ và gia tăng đầu tư công đã có tác động tích cực đến các khoản vay tiêu dùng trong 6 tháng đầu năm 2024 (cả năm 2023 giảm 0,9% và nửa đầu năm 2024 giảm 9,4%).

Các chính sách này giúp kích cầu tiêu dùng mạnh mẽ hơn, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Do đó, tôi cho rằng, cần kéo dài chính sách kích cầu này đến hết năm 2024 để đạt được mức tăng trưởng kinh tế mong muốn và duy trì các dấu hiệu tích cực này cho năm 2025.

Theo bà, giải pháp nào giúp ngành ngân hàng vượt qua khó khăn và tăng khả năng tiếp cận vốn trong thời gian tới?

Tôi cho rằng, trước tiên đó là số hóa: Tăng cường áp dụng ngân hàng số để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và mở rộng cơ sở khách hàng đến những người tiêu dùng/doanh nghiệp chưa được phục vụ.

Tiếp theo là sản phẩm bền vững: Thúc đẩy các sản phẩm tài chính bền vững và cho vay/tiền gửi xanh để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng này.

Tiếp đến là câu chuyện FDI: Đầu tư trực tiếp từ nước ngoài đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế và tạo nền tảng cho tăng trưởng tín dụng. Quy trình phê duyệt quy định hợp lý sẽ giúp đẩy nhanh dự án nhằm tạo ra nhu cầu tín dụng mới từ các dự án đó.

Cuối cùng, đẩy nhanh việc phê duyệt quy định cho các dự án bất động sản: Bất động sản là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, thu hút cả nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, lĩnh vực này tiếp tục phải đối mặt với tình trạng tăng trưởng trì trệ do chậm trễ trong việc thông quan. Những trở ngại này đã tạo ra “nút thắt” cho ngành và làm chậm tăng trưởng tín dụng. Quy trình thông quan về mặt pháp lý nhanh chóng sẽ cho phép nhiều dòng vốn đầu tư hơn và triển khai các dự án mới, những yếu tố cơ bản cho tăng trưởng tín dụng.

Tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 được dự báo thấp hơn năm 2023, bối cảnh thị trường tài chính tiền tệ thế giới sẽ tiếp tục có những khó khăn, phức tạp. Là một nền kinh tế có độ mở lớn, Việt Nam sẽ không tránh khỏi những ảnh hưởng. NHNN cần có những giải pháp chống chịu rủi ro ra sao để đảm bảo điều hành hài hòa giữa lãi suất và tỷ giá phù hợp với tình hình thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ trong thời gian tới?

Trước bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy thách thức, NHNN đã và đang áp dụng rất hiệu quả chính sách tỷ giá và tiền tệ linh hoạt giúp ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Theo tôi, NHNN nên tiếp tục duy trì cách điều hành chính sách tiền tệ hài hòa này.

Cách điều hành tỷ giá hiện tại của NHNN giúp giảm nhẹ mức ảnh hưởng từ các “cú sốc” của thị trường quốc tế. NHNN đã phát hành tín phiếu với kỳ hạn và khối lượng phù hợp nhằm điều tiết lượng tiền đồng dư thừa, hạn chế các yếu tố gia tăng áp lực lên tỷ giá, giúp ổn định tâm lý thị trường.

Tin bài liên quan