Nhiều kế hoạch lợi nhuận đột biến
Cho đến thời điểm hiện tại, đã có hàng trăm doanh nghiệp công bố kế hoạch kinh doanh năm 2022. Trong đó, hàng loạt doanh nghiệp trong ngành địa ốc đặt mục tiêu tăng trưởng mạnh.
Đơn cử, Tổng công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn (mã SGR) lên kế hoạch tổng doanh thu hợp nhất 1.313 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 180 tỷ đồng. Con số này dù thấp hơn khá nhiều so với mức 243 tỷ đồng trong bản phương hướng hoạt động sản xuất - kinh doanh nhiệm kỳ 2021 - 2025 (được thông qua trong kỳ đại hội năm trước), nhưng lại cao gấp 3,84 lần so với mức thực hiện của năm ngoái.
Tính tới cuối tháng 12/2021, hàng tồn kho của SGR ghi nhận hơn 2.755 tỷ đồng, nằm ở một loạt dự án. Trong đó, riêng dự án Carilon7, hàng tồn kho chỉ còn khoảng hơn 6 tỷ đồng, nhiều khả năng sẽ bắt đầu được ghi nhận doanh thu từ quý I/2022.
Ngoài ra, với khoản người mua trả tiền trước là hơn 1.355 tỷ đồng, cùng việc thị trường bất động sản TP.HCM đang sôi động trở lại, nhiều nhà đầu tư mua mạnh cổ phiếu SGR trong tuần trước với kỳ vọng doanh nghiệp sẽ ghi nhận lợi nhuận đột biến trong quý đầu năm nay.
Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Đô (mã HDG) dự kiến mức tăng trưởng khả quan từ 2022, trong đó giá trị bán hàng năm 2022 - 2025 đạt từ 12.000 - 13.000 tỷ đồng, chủ yếu từ dự án Charm Villas (Hoài Đức, Hà Nội), Greenlane (quận 8, TP.HCM) và Minh Long (Thủ Đức, TP. HCM).
Từ cuối năm ngoái, dự án Charm Villas đã bắt đầu hoàn thành và bàn giao tới khách hàng, tạo điều kiện cho HDG ghi nhận doanh thu từ quý I/2022. Theo báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán MB (MBS), HDG dự kiến hoàn thành mua lại 125 ha đất phía Tây Hà Nội trong quý I năm nay với chi phí sơ bộ 1.000 tỷ đồng, biên lợi nhuận ròng từ 18 - 20% trở lên.
Động lực phát triển trong trung, dài hạn của Tập đoàn Hà Đô chính là mảng năng lượng. Đây là lĩnh vực kinh doanh có biên lợi nhuận cao, tạo dòng tiền ổn định.
Đến cuối năm 2021, Tập đoàn đã đưa vào vận hành 8 nhà máy phát điện, với tổng công suất 462 MW, trong đó có 1 nhà máy điện gió. Thông tin từ Hà Đô cho biết, các dự án điện gió mới đã được bổ sung vào Quy hoạch điện (PDP) 7 sửa đổi và HDG sẽ động thổ ngay các dự án mới này khi có cơ chế giá mới rõ ràng.
Năm 2022, PDR dự kiến đạt lợi nhuận sau thuế 2.908 tỷ đồng, tăng trưởng trên 50% so với năm trước.
Tại Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt (mã PDR), Tổng giám đốc Bùi Quang Anh Vũ cho biết, PDR đang có nhiều cơ sở để tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm 2022. Dự kiến doanh thu năm nay đạt 10.700 tỷ đồng, cao gấp 3 lần năm 2021; lợi nhuận sau thuế đạt 2.908 tỷ đồng, tăng trưởng trên 50% so với năm trước.
Ông Vũ cho biết, mục tiêu doanh thu này đã bao gồm doanh thu tài chính, nhưng chưa bao gồm doanh thu chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ Dự án The EverRich 2 và phần còn lại của Dự án The EverRich 3.
Dự án Nhơn Hội New City và Astral City của Phát Đạt vẫn tiếp tục kinh doanh tốt, thể hiện qua số liệu hàng tồn kho giảm khá mạnh trong năm vừa qua. Về cơ bản, dự án Nhơn Hội New City đã thi công gần xong phần hạ tầng và đang được thúc đẩy tiến độ để bàn giao trong nửa đầu năm nay.
Bất động sản hưởng lợi lớn từ vĩ mô
Trong bản báo cáo nhận định về tình hình thị trường bất động sản năm 2022, Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam đưa ra góc nhìn tích cực về triển vọng của một số khu vực thị trường, trong đó có bất động sản dân cư.
Theo đó, phân khúc chung cư được dự báo sẽ phục hồi dần ở miền Bắc, với giá nhà kỳ vọng tăng 5 - 10% trong năm 2022.
Trong khi đó, nguồn cung căn hộ ở miền Nam thể hiện sức bật trong thời điểm cuối 2021 và đầu năm 2022 với gần 10.000 sản phẩm được chào bán (chủ yếu ở dự án Vinhomes Grand Park), bằng cả giai đoạn 9 tháng đầu năm 2021. Thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) toàn ngành dự báo có thể tăng trưởng tới 26,4%, P/E toàn ngành khoảng 18,2 lần.
Hiện tại, ngành bất động sản đang được hỗ trợ khá tốt từ yếu tố vĩ mô. Gói kích thích kinh tế 350.000 tỷ đồng, cùng với đó là việc đẩy mạnh đầu tư công, trong đó tập trung vào các dự án hạ tầng giao thông kỳ vọng sẽ tạo sức bật cho thị trường bất động sản tại nhiều vùng, miền. Trong đó, các tỉnh phía Nam được cho là sẽ hưởng lợi lớn từ bối cảnh vĩ mô thuận lợi.
Đây cũng là cơ sở để các doanh nghiệp địa ốc tự tin đặt kế hoạch tăng tốc sau 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.
Chẳng hạn, Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát – Hải Phát Invest (mã HPX) dự kiến đưa bốn dự án đưa vào kinh doanh, gồm HP Galaxy Cao Bằng, HP Intermix Bắc Giang, khu đô thị Mai Pha - Lạng Sơn và dự án Móng Cái – Quảng Ninh.
Mới đây, Hội đồng quản trị HPX đã thông qua chủ trương thuê Công ty cổ phần Kinh doanh địa ốc Hải Phát (Hải Phát Homes) phân phối các sản phẩm bất động sản thuộc các dự án Công ty đang và sẽ triển khai thực hiện. Hải Phát Homes sẽ là đại diện để ký hợp tác với các đại lý bán hàng là Hải Phát Land, Đất Xanh Kinh Bắc, Metroland để phân phối một loạt dự án của HPX.
Nhiều nhà đầu tư đang mong ngóng ngày HPX “trở lại” sau gần 3 năm “im hơi lặng tiếng” để hiện thực hóa cam kết tăng trưởng lợi nhuận 20 - 25%/năm mà doanh nghiệp đưa ra 4 năm trước - thời điểm chuẩn bị đưa cổ phiếu lên sàn. Được biết, năm 2022, HPX đặt mục tiêu doanh thu khoảng 2.700 tỷ đồng cùng lợi nhuận khoảng 450 tỷ đồng.
Tương tự, với Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú - Văn Phú Invest (mã VPI), triển vọng tăng trưởng tới từ các dự án đang triển khai tại Hà Nội, Bắc Giang, Thanh Hóa, Cần Thơ, TP.HCM.
Theo dự báo của Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE), năm nay, VPI ghi nhận khoảng 2.500 tỷ đồng doanh thu; trong đó, khoảng 770 tỷ đồng đến từ các dự án Terra An Hưng, Grandeur Giảng Võ, Terra Hào Nam. Ngoài ra, doanh thu của doanh nghiệp sẽ được thúc đẩy bởi dự án Vlasta Sầm Sơn tại Thanh Hóa với quy mô 28,4 ha, gồm 594 sản phẩm liền kề, biệt thự, shophouse.
Trong bối cảnh thị trường bất động sản sôi động và nhiều doanh nghiệp đẩy nhanh kế hoạch triển khai dự án, ra hàng cùng với chỉ tiêu kinh doanh đột phá, nhóm cổ phiếu bất động sản thu hút sự quan tâm lớn của nhà đầu tư. Cổ đất vẫn được kỳ vọng nối dài sóng tăng.