Chỉ số VN-Index đã mất hơn 8% trong tuần qua.

Chỉ số VN-Index đã mất hơn 8% trong tuần qua.

Lạc lối trong chu kỳ “tiền đắt”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Diễn biến của thị trường trong những phiên gần đây khiến không ít nhà đầu tư hoảng loạn.

Bước vào chu kỳ “tiền đắt”

Tuần qua, chỉ số VN-Index đã “bay hơi” gần 100 điểm, tương đương mức giảm hơn 8%. Áp lực bán tháo diễn ra trên diện rộng khiến tâm lý nhà đầu tư có phần hoảng loạn, đẩy chỉ số VN-Index tiến gần về mốc 1.000 điểm trong phiên cuối tuần.

Môi trường “tiền rẻ” (lãi suất thấp) kéo dài trong hơn 2 năm vừa qua (để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn bởi đại dịch Covid-19) đã kết thúc khi các ngân hàng trung ương vào cuộc đua tăng lãi suất. Điều này đã tác động mạnh đến diễn biến thị trường chứng khoán toàn cầu, cả ở khía cạnh điểm số và dòng tiền. Thị trường Việt Nam cũng không là ngoại lệ, nhất là sau khi Ngân hàng Nhà nước nâng lãi suất điều hành.

Trong tuần qua, hàng loạt nhà băng trong nước đã nâng lãi suất tiết kiệm, với lãi suất cao nhất được ghi nhận là 9,1%/năm. Mặt bằng lãi suất tăng khiến cho kênh cổ phiếu trở nên kém hấp dẫn. Thanh khoản thị trường tiếp tục bị ảnh hưởng do sức ép rút tiền nhằm hạ margin, dòng tiền “nóng” cũng đã được rút ra khỏi thị trường trong bối cảnh khó hút thêm dòng vốn mới.

Theo ông Trần Xuân Bách, Trưởng bộ phận Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán Bảo Việt, đại dịch Covid khiến nhiều người, thậm chí cả doanh nghiệp sản xuất đổ tiền vào chứng khoán và bất động sản trong giai đoạn 2020-2021; trong đó, thị trường bất động sản là nơi hút lượng tiền cực kỳ lớn. Giá nhà đất tăng gấp 2 - 3 lần và cũng vì thế mà tín dụng tăng mạnh tại nhiều nhà băng.

Thị trường bất động sản đã nguội đi khi Ngân hàng Nhà nước thắt chặt chính sách tiền tệ và dòng tiền đọng ở thị trường này rất lớn. Nhiều doanh nghiệp đến hạn đáo nợ cũng không tìm ra được dòng tiền, trong khi ngân hàng thì không thu được tiền về, tiền gửi thì sụt giảm đã đẩy lãi suất huy động thời gian này tăng khá mạnh.

Bối cảnh hiện nay, người đang mắc vào nợ rối như tơ vò khi không thể xoay được tiền trả nợ. Đương nhiên, họ sẽ phải tìm cách bán tài sản, những tài sản dễ bán có thể là cổ phần.

Ông Trần Xuân Bách,Trưởng bộ phận Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán Bảo Việt

Trong bối cảnh hiện nay, người nắm tiền đang làm chủ tình hình. Ngược lại, người đang mắc vào nợ rối như tơ vò khi không thể xoay được tiền trả nợ.

Theo đó, đương nhiên họ sẽ phải tìm cách bán tài sản, những tài sản dễ bán có thể là cổ phần. Nhiều con nợ không thể trả nợ mà đang cầm cố bằng cổ phiếu cũng có thể bị chủ nợ mang ra bán.

Trong bối cảnh áp lực về lạm phát và tỷ giá trong năm nay đều tăng mạnh, dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước đã không còn và các biện pháp thắt chặt đã được áp dụng (hạn chế room tín dụng, tăng lãi suất điều hành, hút tiền qua kênh OMO và tín phiếu, bán ngoại tệ).

Tổng hợp các biện pháp này đã dẫn đến sự suy yếu thanh khoản trên thị trường chứng khoán và cũng là một trong các nguyên nhân khiến định giá thị trường sụt giảm sâu (xét theo P/E).

Ở thời điểm hiện tại, áp lực lạm phát đã giảm xuống khi lạm phát bình quân 9 tháng đầu năm mới chỉ đạt 2,7% nhờ giá cả hàng hoá cơ bản đã hạ nhiệt và nhiều khả năng mức lạm phát mục tiêu dưới 4% mà Chính phủ đề ra sẽ đạt được.

Theo đó, không gian chính sách của Ngân hàng Nhà nước thời điểm hiện tại sẽ phụ thuộc chính vào diễn biến tỷ giá USD/VND, nói cách khác là sức mạnh của đồng USD trên thị trường quốc tế.

Biến động của đồng USD vốn rất khó dự đoán, đặc biệt trong bối cảnh Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đang phát đi các tín hiệu mạnh tay nâng lãi suất để đối phó với lạm phát. Khả năng USD đảo chiều giảm sẽ rất khó xảy ra nếu lạm phát Mỹ không có dấu hiệu hạ nhiệt, hoặc rủi ro suy thoái kinh tế Mỹ rõ ràng hơn trong thời gian tới.

Khó “chơi” trong ngắn hạn

Trong bối cảnh chứng khoán toàn cầu bật hồi phục thì chỉ số VN-Index đang có chuỗi 6 tuần giảm liên tiếp và đã mất 30% kể từ đỉnh, nằm trong Top các thị trường có mức giảm mạnh nhất trên thế giới.

Với diễn biến ngược dòng thế giới như phiên 4/10, tâm lý nhà đầu tư sẽ chuyển biến xấu đi và không tìm thấy điểm tựa nào ở thời điểm hiện tại. Về kỹ thuật, thị trường tiếp tục đi vào vùng quá bán.

Thời điểm này, có rất nhiều lời khuyên được giới chuyên gia chứng khoán đưa ra là nên đứng ngoài quan sát. Thường ở giai đoạn thị trường rơi vào xu hướng giảm kéo dài, việc quản trị rủi ro cần ưu tiên, sau đó mới nghĩ đến việc tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn.

Theo BVSC, đối với những nhà đầu tư có tầm nhìn đầu tư trung dài hạn thì đây là thời điểm có thể bắt đầu xem xét phân bổ nguồn lực để mua tích lũy dần các cổ phiếu có nền tảng cơ bản, còn tiềm năng tăng trưởng trong những năm tới và có giá thị trường nhỏ hơn hoặc bằng giá trị sổ sách.

BVSC cho rằng, nhóm doanh nghiệp sản xuất hưởng lợi từ chi phí đầu vào, thị trường tiêu thụ ổn định và tình hình tài chính tốt cũng là một gợi ý, đơn cử như BMP, DRC, SAB… Đây cũng là những doanh nghiệp vẫn duy trì được mức lợi nhuận tốt trong quý III/2022.

Hay nhóm bán lẻ, phân phối, hàng tiêu dùng dù sẽ chịu áp lực từ gia tăng chi phí vốn lưu động nhưng được hỗ trợ từ thị trường nội địa tốt (MWG, PNJ, PET, MSN…).

Dù vậy, cũng lưu ý thêm là kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp bán lẻ đang được dự báo lợi nhuận có thể không tăng trưởng kịp so với doanh thu.

Đơn cử tại MWG, nhiều báo cáo phân tích của các công chứng khoán dự phóng MWG có thể hoàn thành 100% kế hoạch doanh thu nhưng chỉ đạt 86% kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2022 (MWG đặt kế hoạch doanh thu 140.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 6.350 tỷ đồng).

Ngoài ra, nhà đầu tư cũng có thể quan tâm đến nhóm cổ phiếu các ngành miễn nhiễm với lạm phát như điện, nước (GEG, BWE, PC1...); nhóm ngành hạ tầng và vật liệu xây dựng được hưởng lợi từ câu chuyện đầu tư công đã điều chỉnh khá sâu (HPG, DHA, IJC).

Ông Trần Đức Anh, Giám đốc vĩ mô và chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) chia sẻ, bối cảnh hiện tại rất khó để tìm kiếm cơ hội đầu tư ngắn hạn khi mà biến động của thị trường vẫn đang phụ thuộc nhiều vào biến động thị trường chứng khoán toàn cầu.

Dù vậy, nếu nhà đầu tư có mục tiêu đầu tư dài hạn vẫn hoàn toàn có thể tìm kiếm cơ hội ở một số ngành với kỳ vọng tăng trưởng trong dài hạn được đảm bảo nhờ hưởng lợi từ bối cảnh vĩ mô thuận lợi của nền kinh tế trong nước, trong khi về mặt định giá cũng đã rơi về vùng đủ hấp dẫn.

Trong đó, các ngành có thể ưu tiên như bán lẻ (hưởng lợi từ xu hướng gia tăng tiêu dùng của tầng lớp trung lưu, thu nhập bình quân khả dụng của người dân được cải thiện theo tăng trưởng kinh tế, áp lực lạm phát trong nước có dấu hiệu hạ nhiệt…), công nghệ thông tin (hưởng lợi từ xu hướng chuyển đổi số, chi tiêu toàn cầu cho công nghệ thông tin tăng ổn định, lợi thế nhân công giá rẻ…) và một số ngành có tính phòng thủ cao, cổ tức ổn định như tiện ích, điện, nước.

Tin bài liên quan