Nhiều ngân hàng hồi giữa năm mua vào rất nhiều trái phiếu với giá thấp.

Nhiều ngân hàng hồi giữa năm mua vào rất nhiều trái phiếu với giá thấp.

Lạ thường thị trường trái phiếu

(ĐTCK) Tuần trước, giao dịch trái phiếu của một hàng thương mại (NHTM) nhà nước không có gì đặc biệt với tổng khối lượng giao dịch khoảng 300 tỷ đồng, đây là một ngân hàng giữ vị trí hàng đầu về khối lượng giao dịch trên thị trường trái phiếu. Đối với ngân hàng này thì thị trường trái phiếu thứ cấp vẫn bình thường, bộ phận giao dịch trái phiếu của ngân hàng cũng không có đề xuất gì về việc nâng khối lượng giao dịch.

Nhưng hành động “bình thường” của ngân hàng này đã trở thành “bất thường” trong bối cảnh chung là thị trường trái phiếu bùng nổ trong tuần qua. Tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường lên tới 16.147 tỷ đồng - mức cao nhất theo tuần từ đầu năm tới nay. Nhưng những hành động bất thường đang có cái lý của nó.

Bất thường...

Riêng trong ngày thứ Hai tuần trước (08/12), khối lượng trái phiếu giao dịch trên thị trường thứ cấp đạt gần 6.000 tỷ đồng, tương đương những tuần giao dịch sôi động từ đầu năm tới nay. Những phiên sau đó (trừ thứ Sáu ngày 12/12), giao dịch đều đạt khoảng 2.000 - 3.000 tỷ đồng.

Bên cạnh khối lượng lớn, tổng hợp thị trường tuần qua xuất hiện thêm một yếu tố lạ, đó là sự trùng khớp trong khối lượng giao dịch của nhiều mã trái phiếu. Với rất nhiều mã trái phiếu, khối lượng giao dịch tại các phiên giao dịch cách nhau 2 ngày giống hệt nhau, không giống với những tuần giao dịch bình thường.

Nếu như những lần giao dịch đột biến của thị trường trái phiếu đều có hai yếu tố là biến động lãi suất và hành động mua  -bán tích cực của khối nhà đầu tư nước ngoài thì tuần qua đều không có. Khối ngoại trong cả tuần chỉ mua - bán với khối lượng 1.621 tỷ đồng, khoảng 10% tổng giao dịch thị trường. Khối lượng trái phiếu nắm giữ của các nhà đầu tư nước ngoài hiện chỉ còn khoảng 500 - 600 triệu USD, thấp hơn nhiều so với mức trên 3 tỷ USD vào giữa năm. “Kép chính” trên thị trường trái phiếu tuần qua là các nhà đầu tư trong nước.

Yếu tố còn lại là lãi suất thì vẫn ổn định trong chiều hướng giảm. Hiện lãi suất trái phiếu kỳ hạn 2, 3 năm chủ yếu ở mức 9,5%/năm. Mức lãi suất này được khẳng định là không hấp dẫn các nhà đầu tư trong nước mua vào, bởi cũng trong tuần qua, thể hiện rõ ở đợt đấu thầu trái phiếu chính phủ do Kho bạc Nhà nước phát hành không thể bán được, lãi suất bỏ thầu thấp nhất cũng là 10%/năm, cao hơn mức lãi suất trần 9%/năm.

Để chốt lời?

Qua khảo sát của ĐTCK, không chỉ NHTM nhà nước trên mà cả 4 NHTM nhà nước với khối lượng trái phiếu nắm giữ lớn nhất thị trường với trên dưới 10.000 tỷ đồng không giao dịch nhiều trong tuần qua. Lý do được các nhà tạo lập, dẫn dắt thị trường này đưa ra là lãi suất trái phiếu đang ổn định ở mức không hấp dẫn lắm.

Chính vì vậy, có một cách giải thích cho việc tăng lên đột biến của các nhà đầu tư nội khác (ngân hàng cổ phần, CTCK, bảo hiểm…) đó là dù lãi suất có thấp nhưng trong điều kiện vốn khả dụng nhiều ngân hàng đang dư dật, những ngân hàng này vẫn mua vào với tâm lý vớt được chút lãi nào thì vớt và cũng để dự phòng thanh khoản.

Tuy nhiên, giải thích dưới góc độ này cũng khó thoả đáng cho khối lượng giao dịch tăng một cách khủng khiếp như trong tuần qua vì tình trạng dư thừa vốn tạm thời đã kéo dài trong nhiều tuần. Thêm vào đó, sự giải thích như vậy khó lý giải cho yếu tố bất thường trong khối lượng giao dịch trùng khớp đã đề cập ở trên.

Theo một chuyên gia trên thị trường, khả năng chốt lời để hạch toán lợi nhuận cuối năm của nhiều ngân hàng là lớn hơn những lý do khác.

Trong giao dịch trái phiếu, sau khi giao dịch được thực hiện thì tới cuối ngày hôm sau trái phiếu mới về tới tài khoản và sang ngày kế tiếp sau đó mới có thể bán ra. Bản tổng kết giao dịch thị trường cho thấy có rất nhiều mã trái phiếu phát sinh khối lượng giao dịch giống hệt nhau và cách nhau hai - ba ngày. Như vậy có thể đặt giả thuyết có nhiều ngân hàng cổ phần bán ra và mua lại trái phiếu hai ngày sau.

Họ làm việc này để làm gì? Theo nguyên tắc kế toán của Việt Nam, có một điểm khác với nguyên tắc kế toán quốc tế là lãi trong hoạt động kinh doanh chỉ được đưa vào bảng tổng kết kế toán sau khi hoàn thành một vòng giao dịch mua vào – bán ra.

Nhiều ngân hàng hồi giữa năm mua vào rất nhiều trái phiếu với giá thấp (lãi suất cao 20 – 25%/năm) nay bán ra ở mức giá cao để chốt lời (lãi suất trái phiếu thấp hơn khoảng 9,5%/năm), nhưng sau đó lại ngay lập tức mua vào.

Với cách thức này thì về mặt bản chất tài sản không đổi, nhưng trên bảng hạch toán thì phần chênh lệch mua – bán đã được đưa vào lợi nhuận năm 2008.

Trong hoàn cảnh nền kinh tế khó khăn hơn trong năm 2008, các ngân hàng đã gặp nhiều thách thức trong hoạt động và thu nhập từ tín dụng, một nguồn thu chính trong nhiều năm qua đã bị ảnh hưởng. Phải chăng chốt lãi từ kinh doanh trái phiếu chính là cứu cánh cho các ngân hàng một năm “trầm” nhiều hơn “thăng” vì thời điểm 31/12 đang tới gần?