Kỳ vọng xuất siêu năm 2022 vượt mốc 10 tỷ USD

0:00 / 0:00
0:00
Kết quả hoạt động xuất - nhập khẩu đạt được từ đầu năm đến nay là cơ sở để kỳ vọng, xuất siêu năm 2022 sẽ vượt mốc 10 tỷ USD.
Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tính từ đầu năm đến giữa tháng 10/2022, kim ngạch xuất khẩu của cả nước đạt hơn 296,337 tỷ USD - quy mô lớn nhất so với cùng kỳ từ trước đến nay, kể cả các năm trước đại dịch Covid-19. So với cùng kỳ năm 2021, kim ngạch xuất khẩu tăng gần 16,7% (tăng hơn 42,328 tỷ USD).

Tăng trưởng xuất khẩu đạt được ở cả 2 khu vực. Khu vực trong nước tăng gần 14,1% (tăng 9,4 tỷ USD) nhờ phát huy thế mạnh của lĩnh vực nông, lâm nghiệp - thủy sản và tranh thủ những ưu đãi khi từ các hiệp định thương mại tự do. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng gần 17,6% (tăng hơn 32,928 tỷ USD).

Đáng chú ý, có 10 mặt hàng có mức tăng lớn (trên 1 tỷ USD). Đặc biệt, trong đó có 6 mặt hàng đạt trên 10 tỷ USD là điện thoại và linh kiện; máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng; dệt may; giày dép; gỗ và sản phẩm gỗ.

Trong 52/63 địa phương trên cả nước tăng trưởng xuất khẩu, có 12 địa phương tăng cao (trên 1 tỷ USD), là Bắc Giang, TP.HCM, Phú Thọ, Thái Nguyên, Đồng Nai, Bắc Ninh...

Về thị trường xuất khẩu, có 11 thị trường tăng trưởng tăng cao (trên 1 tỷ USD) là Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hà Lan, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, Canada, Australia, Campuchia. Đặc biệt, có 4 thị trường đạt trên 10 tỷ USD.

6 mặt hàng đạt trên 10 tỷ USD là điện thoại và linh kiện; máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng; dệt may; giày dép; gỗ và sản phẩm gỗ

Do xuất khẩu có quy mô cao hơn và tốc độ tăng so với cùng kỳ năm trước cao hơn nhập khẩu (16,7% so với 12,7%), nên tính từ đầu năm đến ngày 15/10, Việt Nam xuất siêu hơn 7,242 tỷ USD, ngược chiều so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục xuất siêu cao hơn cùng kỳ năm trước cả về quy mô tuyệt đối và tỷ lệ xuất siêu.

Những kết quả này đã tác động tích cực đến tăng trưởng, giúp cán cân thương mại thặng dư lớn, góp phần quan trọng vào cán cân thanh toán tổng hợp, dự trữ ngoại hối…

Trong 2 tháng còn lại của năm, nếu kim ngạch xuất khẩu bình quân 1 tháng bằng mức bình quân của 10 tháng qua, thì kim ngạch xuất khẩu cả năm 2022 sẽ đạt 370,9 tỷ USD, tăng 10,3% so với 2021, cao hơn mục tiêu mà Bộ Công thương đề ra (8%).

Nếu nhập khẩu bình quân 1 tháng trong 2 tháng còn lại của 2022 bằng với mức bình quân của 10 tháng qua, thì kim ngạch nhập khẩu cả năm 2022 khoảng 360 tỷ USD.

Theo kịch bản này, thì năm 2022, Việt Nam sẽ xuất siêu 10,8 tỷ USD, cao gấp hơn 2 lần năm 2021 và là năm thứ 8 liên tục xuất siêu.

Tuy nhiên, để đạt được dự báo trên, cũng còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Một số điểm đáng lưu ý là, quy mô xuất khẩu và nhập khẩu tháng 9/2022 ở mức thấp nhất so với nhiều tháng trước đó; tốc độ tăng so với tháng trước của xuất khẩu đang có xu hướng thấp dần; so với cùng kỳ năm trước, những tháng gần đây, tốc độ tăng của xuất khẩu cao hơn của nhập khẩu, nhưng tốc độ tăng cũng giảm dần; do giá nguyên - nhiên liệu nhập khẩu vẫn tăng cao, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất trong những tháng cuối năm....

Tin bài liên quan