Bối cảnh vĩ mô
Tình hình vĩ mô thế giới phức tạp thể hiện qua việc lạm phát toàn cầu vẫn ở mức cao, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã 5 lần điều chỉnh tăng lãi suất mục tiêu lên mức 3 - 3,25%/năm và dự báo sẽ còn tiếp tục tăng trong các tháng cuối năm 2022 và năm 2023, đồng USD tăng giá mạnh làm gia tăng áp lực lên mặt bằng lãi suất và tỷ giá trong nước, tạo sức ép lên lạm phát.
Để tiếp tục kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tiền tệ, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước cũng đã quyết định điều chỉnh các mức lãi suất có hiệu lực từ ngày 25/10/2022.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất tái cấp vốn từ 5,0%/năm lên 6,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 3,5%/năm lên 4,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng từ 6,0%/năm lên 7,0%/năm.
Động thái trên kỳ vọng sẽ còn kéo dài tình trạng mặt bằng thanh khoản thấp trên toàn thị trường, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt của sản phẩm tiền gửi.
Diễn biến thị trường
Chỉ số VN-Index kết tuần với mẫu nến Doji “chân dài” tại 1.027 điểm, ghi nhận động lượng thanh khoản tham gia tích cực khi thị trường có nhịp nhúng về mức thấp nhất từ đầu năm 2022. Mẫu nến cho thấy tín hiệu mua bắt đáy, tạo tâm lý giao dịch tích cực trong ngắn hạn; tín hiệu bán phía trên thể hiện thị trường sẽ gặp nhiều khó khăn với áp lực cung gia tăng tại vùng 1.030 - 1.070 điểm.
Đồ thị chỉ số VN-Index phiên 28/10/2022. |
Tuy vậy, DSC đánh giá vận động không quá tiêu cực ở biểu đồ ngày khi điểm số vẫn được neo trên đường tín hiệu MA10, chưa phải tín hiệu đảo chiều trong ngắn hạn.
Về mặt kỹ thuật, thị trường tích lũy kéo dài trong vùng quá bán thì xuất hiện những tín hiệu hồi phục kỹ thuật đầu tiên, chưa đủ yếu tố xác nhận cho một tín hiệu đảo chiều trung hạn. Trường hợp điểm số bứt thoát khỏi vùng 1.030 - 1.070 điểm sẽ xác nhận tổng thể nhịp giảm đáy 2 là một quá trình tích lũy thanh khoản cao với xu hướng mua.
Chiến lược được DSC khuyến nghị là: hạn chế mua gia tăng trên con đường hướng tới mốc kháng cự xu hướng mà ưu tiên chốt lời dần đối với vị thế đã bắt đáy thành công; quan sát điểm mua trở lại khi thị trường xác nhận vượt cản 1.070 điểm.
Nhóm ngành nổi bật: Cổ phiếu khu công nghiệp
Ngành khu công nghiệp trong nước có hoạt động kinh doanh đặc thù, ổn định qua các năm, tương quan cao với sự tăng trưởng của nền kinh tế, thuộc ngành bất động sản nhưng không ảnh hưởng nhiều bởi câu chuyện siết tín dụng.
Sức hút trên thị trường khu công nghiệp không hề suy giảm khi giá cho thuê tăng 8-20% so với cùng kỳ (tùy khu vực), tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp tại khu vực phía Nam và phía Bắc ở mức cao, lần lượt đạt 80% và 85%, riêng tại khu vực kinh tế trọng điểm TP.HCM tỷ lệ này lên đến 95%. Ngoài ra, Việt Nam hưởng lợi lớn từ xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng và sản xuất dịch chuyển khỏi thị trường Trung Quốc, đặc biệt khi nước này tiếp tục chính sách không Covid.
Tuy nhiên, rủi ro ngành khu công nghiệp đến từ tiến độ chậm giải ngân đầu tư công; khó khăn về kết nối giao thông và cơ sở hạ tầng làm hạn chế sự quan tâm từ phía nguồn vốn FDI. Rủi ro cuối cùng, trong tình huống xấu nhất là nền kinh tế toàn cầu bước vào suy thoái hay yếu tố địa chính trị gia tăng, kỳ vọng về tăng trưởng nhu cầu khu công nghiệp phải được đánh giá lại.
Biểu đồ giá toàn ngành đang chịu sức ép từ vận động chung của TTCK, riêng nhóm khu công nghiệp ghi nhận mức giảm điểm 29,5% kể từ đầu năm, trong khi bức tranh hoạt động kinh doanh ổn định trong năm nay. Nhà đầu tư kỳ vọng nền kinh tế ổn định và mở cửa trở lại, điểm mua hướng về câu chuyện dài hạn 1-2 năm tại mức chiết khấu định giá hiện tại hoàn toàn có thể cân nhắc.
Đặc biệt, chờ những phiên bùng nổ thanh khoản của nhóm khu công nghiệp xác nhận dòng tiền tổ chức tham gia, cho tín hiệu đảo chiều đáng tin cậy hơn trong một xu hướng giảm tiết cung. Các cổ phiếu khu công nghiệp đáng chú ý là IDC và SZC.