Việt Nam và Vương quốc Anh đã thiết lập quan hệ ngoại giao kể từ năm 1973. Theo chia sẻ của ông Gareth Ward, Ðại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam thì hiện nay quan hệ giữa hai nước đang ở thời kỳ tốt đẹp nhất, các lĩnh vực hợp tác cụ thể đều đạt nhiều kết quả tích cực. Ðây là cơ hội và tiền đề tốt cho việc thúc đẩy đầu tư gián tiếp giữa hai thị trường, mở ra cơ hội cho việc thúc đẩy sự phát triển của thị trường tài chính Việt Nam và Vương quốc Anh.
Về đầu tư vào Việt Nam, Anh hiện đứng trong Top 15 nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam, với khoảng 4 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp trong năm 2018. Trên TTCK Việt Nam, giá trị đầu tư gián tiếp của Anh vào Việt Nam hiện nay đạt gần 1 tỷ USD, đây là con số còn thấp so với tiềm năng của nhà đầu tư Anh và so với khả năng hấp thụ vốn đầu tư của thị trường Việt Nam.
Hiện tại, số lượng các nhà đầu tư nước ngoài mang quốc tịch Anh đăng ký tài khoản lưu ký chứng khoán tại Việt Nam là 269 tài khoản (trong đó có 120 tài khoản nhà đầu tư cá nhân, 149 tài khoản nhà đầu tư tổ chức), với tổng giá trị cổ phiếu sở hữu là gần 21.600 tỷ đồng.
Hội nghị tại Luân Ðôn diễn ra ngày 4/7 tới mang tên “Ðầu tư vào Việt Nam” do Bộ Tài chính Việt Nam phối hợp với Bộ Thương mại Quốc tế (đại diện là UK ABC) tổ chức. Hội nghị nhằm mục tiêu quảng bá về thị trường vốn Việt Nam, chia sẻ mục tiêu phát triển, kỳ vọng đầu tư và tiềm năng của thị trường Việt Nam trong những năm tới.
Trong nỗ lực thúc đẩy dòng vốn quốc tế chảy mạnh hơn vào Việt Nam nói chung, thị trường tài chính nói riêng, ngành tài chính, chứng khoán Việt Nam đã thực hiện xúc tiến đầu tư tại một số thị trường trọng điểm như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… Những sự kiện này tạo không gian đối thoại chính sách trực tiếp giữa nhà đầu tư nước ngoài và cơ quan quản lý tài chính của Việt Nam và một số doanh nghiệp lớn.
Ðược biết, một số doanh nghiệp từ Việt Nam như Tập đoàn Bảo Việt, Tập đoàn Than - Khoáng sản, Tập đoàn Dầu khí, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Ngân hàng TMCP Ðầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) và một số công ty chứng khoán, quản lý quỹ như SSI, HSC… cũng dự kiến có cuộc tiếp xúc với nhà đầu tư tại Anh để giải đáp thông tin, kết nối các cơ hội mới.
Anh là một trong 5 quốc gia có đầu tư ra nước ngoài lớn nhất thế giới, khoảng 300 tỷ USD. Bên cạnh nỗ lực truyền tải thông điệp từ Chính phủ, từ Bộ Tài chính đến các nhà đầu tư quốc tế nói chung, nhà đầu tư tại Anh nói riêng, tư lệnh ngành tài chính dự kiến sẽ có các cuộc tiếp xúc, trao đổi trực tiếp với một số nhóm nhà đầu tư tài chính quốc tế tại Luân Ðôn.
Ðây là các quỹ đầu tư lớn, quản lý tổng tài sản cộng dồn lên tới hơn 2.000 tỷ USD. Sự bứt phá về tăng trưởng kinh tế Việt Nam với môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện là điều kiện thuận lợi để kỳ vọng Việt Nam sẽ thu hút mạnh hơn dòng vốn đầu tư từ Vương quốc Anh đến tìm kiếm cơ hội đầu tư, hợp tác trong thời gian tới.