Phiên giữa tuần qua, VN-Index một lần nữa leo qua mốc 1.000 điểm. Sự trở lại lần này liệu có bền vững không, theo ông?
Thị trường đã đóng cửa trên 1.004 điểm trong phiên ngày 20/9 với thanh khoản tăng rất rõ rệt. Đà tăng lần này khác với những lần trước là rất chậm và có khối lượng tăng kèm theo, cộng với khối ngoại đã quay trở lại mua ròng.
Ông Trịnh Duy Viết, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Đông Á
Các thông tin vĩ mô về nền kinh tế Việt Nam vẫn đang ổn định, bất chấp những biến động lớn từ thị trường tài chính toàn cầu. Dự báo GDP của quý III/2018 sẽ tiếp tục tăng trưởng cao và lạm phát được kiểm soát.
Trong khi đó, các thông tin tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã một phần nào đó được phản ánh vào giá trong đợt giảm vừa qua.
Sóng tăng giá từ giờ đến hết năm 2018 có thể không mạnh như các đợt trước, xu hướng tiếp theo có thể đi ngang làm chủ đạo. Tuy nhiên, trong đợt tăng này, tôi tin là chỉ số sẽ vững vàng hơn, dao động quanh 1.020 - 1.040 điểm.
Dòng tiền trở lại với nhóm cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán có phải là một dấu hiệu củng cố cho đà tăng sắp tới không? Đà phục hồi này liệu có kéo dài không và nếu có sẽ trên cơ sở nào?
Đợt tăng hiện tại thể hiện một sự phân hóa rất rõ ràng, chỉ số thị trường có tăng, nhưng biên độ rất hẹp nhờ các nhóm cổ phiếu thay phiên nhau hỗ trợ, trong đó nổi bật có nhóm dầu khí, ngân hàng, dệt may và thủy sản.
Lý do giải thích cho đợt tăng này một phần đến từ những diễn biến tích cực tạm thời mà cuộc chiến Mỹ - Trung mang lại cho kinh tế Việt Nam, cộng với những thông tin tiêu cực phần lớn đã được phản ánh trước đó rồi.
Nhóm ngân hàng có tỷ trọng cao và có sức ảnh hưởng đến chỉ số chung. Tuy nhiên, giai đoạn tới nhóm này cũng khó tăng mạnh mà sẽ có sự phân hóa rõ ràng.
Lý do bởi vì nhiều ngân hàng đã gần hết dư địa tín dụng và rất khó để gia tăng đột biến lợi nhuận trong thời gian còn lại của năm.
Chỉ những ngân hàng còn dư địa tín dụng nhiều, cộng với có các câu chuyện hỗ trợ như bán cho đối tác nước ngoài, thoái vốn... thì mới có nhiều dư địa hỗ trợ cho việc tăng giá cổ phiếu.
Ông thường khuyên khách hàng của Công ty nhìn nhận như thế nào về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung?
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung diễn biến ngày càng căng thẳng, không chỉ mang lại những thách thức, mà còn mang lại các cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Trong ngắn hạn, nhiều cổ phiếu sẽ được hưởng lợi tăng giá nhờ tận dụng được cơ hội này, nhưng trong dài hạn thì sự phân hóa sẽ diễn ra và chỉ số ít doanh nghiệp có thể tận dụng được.
Trong ngắn hạn, có nhiều lĩnh vực của Việt Nam được hưởng lợi, chẳng hạn, các mặt hàng mà Việt Nam xuất qua Mỹ nhưng có lợi thế cạnh tranh với Trung Quốc lâu nay như dệt may, da giày, thủy sản…
Việc áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc sẽ làm tăng lợi thế cạnh tranh về giá của các mặt hàng Việt Nam so với hàng Trung Quốc và các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng mở rộng thị phần.
Trong dài hạn, nếu Trung Quốc và Mỹ không có nhượng bộ đáng kể thì tác động của cuộc chiến có thể sẽ làm giảm thương mại toàn cầu và kéo theo là giảm tăng trưởng kinh tế thế giới.
Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tất cả các nền kinh tế, trong đó có nền kinh tế có độ mở cao như Việt Nam.
Ông đánh giá như thế nào về tâm lý và cách giao dịch gần đây của khối ngoại?
Hoạt động của khối ngoại trong tháng 9 đang khá tích cực mặc dù khó đoán. Cứ khoảng sau 2 - 3 phiên mua ròng thì nước ngoài quay trở lại bán ròng.
Lũy kế từ đầu tháng 9/2018 đến ngày 20/9/2018 thì vốn ngoại đang mua ròng khoảng hơn 700 tỷ đồng trên sàn HOSE, trái ngược với tình trạng bán ròng mạnh hơn 1.800 tỷ đồng/tháng trước đó.
Tình trạng bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài trong mấy tháng trước diễn ra khá mạnh, nếu không tính các khoản mua ròng chiến lược (giá trị lớn) thì gần như lượng bán ròng đã gần bằng lượng mua ròng trong đầu năm 2018. Đây cũng có thể là nguyên nhân khiến áp lực bán của khối này đã giảm đáng kể, kể từ đầu tháng 9/2018.
Tuy nhiên, nếu xét về quy mô thì lượng mua ròng của khối ngoại hiện còn nhỏ. Điều này cho thấy họ vẫn có tâm lý thận trọng, chờ cơ hội thị trường rõ ràng mới thể hiện việc đầu tư rõ nét trên TTCK.
Với nhà đầu tư trong nước, theo ông, nên lựa chọn chiến lược nào từ nay đến cuối năm?
Từ nay đến cuối năm là giai đoạn có những diễn biến khó lường của TTCK thế giới, trong đó có Việt Nam. Các diễn biến mới từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, Brexit, làn sóng dịch chuyển vốn, nguy cơ chiến tranh tiền tệ... đều sẽ tác động đến tâm lý nhà đầu tư trong giai đoạn này.
Tại TTCK Việt Nam, theo tôi, khả năng Index sẽ duy trì được đà tăng nhưng không mạnh như các năm trước. Sẽ có một vài ngành được hưởng lợi và có triển vọng tăng giá giai đoạn tới.
Chẳng hạn, ngành dầu khí sẽ có triển vọng khi giá dầu có thể tăng lên đến 80 USD/thùng. Các dự án dầu khí sắp triển khai trong giai đoạn 2019 - 2020 cũng sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mảng xây lắp có thêm việc làm và tăng trưởng doanh thu.
Ngành hạ tầng giao thông sẽ là ngành được hưởng lợi tiếp theo vì nhiều dự án hạ tầng đang được đẩy nhanh tiến độ, trong đó có tuyến giao thông trọng điểm như Đường cao tốc Bắc - Nam.
Các ngành như thủy sản, may mặc cũng có cơ hội tiếp tục tăng trưởng, nhờ khả năng cạnh tranh về giá, cộng với nhiều đơn hàng được dịch chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam.