Ảnh AFP

Ảnh AFP

Kỳ vọng vào vắc-xin chữa Covid-19, giới đầu tư hồ hởi xuống tiền

(ĐTCK) Những thông tin tích cực của việc thử nghiệm vắc-xin chữa Covid-19 cùng kế hoạch mở cửa lại nền kinh tế Mỹ của Tổng thống Trump đem lại những kỳ vọng to lớn cho nhà đầu tư trong phiên cuối tuần qua (17/4).

Sau khi đại dịch Covid-19 tại nhiều tiểu bang của Mỹ có dấu hiếu qua đỉnh, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra kế hoạch mở cửa trở lại nền kinh tế với lộ trình 3 giai đoan. Một số tiểu bang cũng đã nới lỏng dần lệnh hạn chế đối với đời sống và kinh doanh.

Trong đó, tiêu bang Washington cũng đã cho khởi động lại hoạt động sản xuất máy bay thương mại sau khi tạm dừng hoạt động tháng trước để phòng Covid-19. Thông tin này đã giúp cổ phiếu Beoing tăng vọt 15%.

Trong khi đó, cổ phiếu của hãng dược Gilead Science cũng tăng 10% sau báo cáo rằng, một số bệnh nhân Covid-19 có triệu chứng nghiêm trọng đã phản ứng tích cực với thuốc Remdesivir khi dùng thử nghiệm.

Những thông tin trên đã giúp giới đầu tư trút bỏ được nỗi lo nên hồ hởi xuống tiền mua mạnh cổ phiếu trong phiên cuối tuần, kéo các chỉ số chính của phố Wall tăng mạnh.

Kết thúc phiên 17/4, chỉ số Dow Jones tăng 704,81 điểm (+2,99%), lên 24.242,49 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 75,01 điểm (+2,68%), lên 2.874,56 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 117,78 điểm (+1,38%), lên 8.650,14 điểm.

Phiên khởi sắc cuối tuần giúp phố Wall duy trì đà tăng thứ 2 liên tiếp, tiếp nối tuần tăng mạnh nhất kể từ năm 1974 trước đó.

Cụ thể, trong tuần, chỉ số Dow Jones tăng 2,21%, chỉ số S&P 500 tăng 3,04%, chỉ số Nasdaq tăng 6,09%.

Chứng khoán châu Âu cũng khởi sắc trong phiên cuối tuần khi Tổng thống Mỹ lên kế hoạch mở cửa lại nền kinh tế, tiếp theo một số nước châu Âu khác cũng đã nới lỏng dần lệnh phong tỏa khi dịch Covid-19 có dấu hiệu qua đỉnh tại nhiều nước.

Kết thúc phiên 17/4, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 158,63 điểm (+2,82%), lên 5.786,96 điểm. Chỉ số DAX tăng 324,24 điểm (+3,15%), lên 10.625,78 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 148,85 điểm (+3,42%), lên 4.499,01 điểm.

Dù khởi sắc trong phiên cuối tuần, nhưng chứng khoán châu Âu cũng không tránh khỏi tuần điều chỉnh trở lại sau tuần tăng mạnh nhất gần 10 năm trước đó. Cụ thể, trong tuần, chỉ số FTSE 100 giảm 0,95%, chỉ số DAX tăng 0,58%, chỉ số CAC40 giảm 0,17%.

Tương tự, chứng khoán châu Á cũng khởi sắc trong phiên cuối tuần qua với chứng khoán Nhật Bản tăng lên mức cao nhất 6 tuần, chứng khoán Hàn Quốc có mức tăng theo phần trăm lớn nhất trong hơn 1 tuần, chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc đại lục cũng tăng điểm bất chấp GDP quý I của Trung Quốc giảm 6,8%. Chứng khoán châu Á khởi sắc phiên cuối tuần khi giới đầu tư kỳ vọng vào việc kinh tế Mỹ sẽ mở cửa trở lại như tuyên bố của Tổng thống Trump, kết hợp với thông tin về triển vọng sẽ có vắc-xin chống Covid-19.

Kết thúc phiên 17/4, Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 607,06 điểm (+3,15%), lên 19.897,26 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 18,56 điểm (+0,66%), lên 2.839,49 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 373,55 điểm (+1,56%), lên 24.380,00 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 57,46 điểm (+3,09%), lên 1.914,53 điểm.

Trong tuần, chỉ số Nikkei 225 tăng 2,05%, chỉ số Hang Seng tăng 0,33%, chỉ số Shanghai Composite tăng 1,53% và chỉ số Kospi tăng 2,89%.

Sự khởi sắc của chứng khoán, cùng với kỳ vọng dịch Covid-19 đã qua đỉnh và kinh tế Mỹ, cũng như nhiều người bắt đầu mở trở lại làm giảm rủi ro khiến vai trò trú ẩn của vàng giảm đi. Cùng với đó, áp lực chốt lời gia tăng khi giá kim loại quý đạt đỉnh 7 năm rưỡi khiến giá vàng giảm mạnh trong phiên cuối tuần, qua đó chấm dứt luôn chuỗi tuần tăng giá ấn tượng trước đó.

Kết thúc phiên 17/4, giá vàng giao giảm 30,3 USD (-1,76%), xuống 1.686,5 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 giảm 31,2 USD (-1,81%), xuống 1.689,2 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 giảm 32,9 USD (-1,90%), xuống 1.698,8 USD/ounce.

Trong tuần giá vàng giao ngay gần như không đổi, chỉ tăng 0,05%, trong khi giá vàng tương lai giao tháng 4 giảm 2,71%, giá vàng tương lai giao tháng 6 giảm 2,15%. Trong tuần trước, giá vàng tăng mạnh trên dưới 6%.

Dù vẫn đặt kỳ vọng vào đà tăng của giá vàng trong tuần mới, nhưng kỳ vọng này đã giảm so với trước đó khi giá kim loại quý đã lên mức đỉnh 7 năm rưỡi và đang đứng trước áp lực chốt lời lớn, trong khi chứng khoán khởi sắc với kỳ vọng dịch Covid-19 đã qua đỉnh.

Cụ thể, trong 15 chuyên gia trả lời khảo sát có 7 người dự báo giá vàng sẽ tăng trong tuần mới, chiếm 47%, có 6 người dự báo giá sẽ giảm, chiếm 40% và 2 người dự báo đi ngang, chiếm 13%.

Trong khi đó, trong 1.683 lượt người tham gia khảo sát trực tuyến, có 1.144 lượt dự báo giá vàng tăng, chiếm 68%, 305 lượt dự báo giá giảm, chiếm 18% và 234 lượt dự báo đi ngang, chiếm 14%.

Trong 2 tuần trước, tỷ lệ chuyên gia phân tích và nhà đầu tư dự báo giá vàng tăng luôn ở mức 100% và 92%.

Trong khi đó, bất chấp thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC+ mới, nhưng giá dầu thô vẫn chưa thoát khỏi xu hướng giảm khi nỗi lo giảm cầu đang lấn át.

Kết thúc phiên 17/4, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 1,6 USD (-8,76%), xuống 18,27 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,26 USD (+0,93%), lên 28,08 USD/thùng.

Giá dầu thô tiếp tục chứng kiến tuần giảm mạnh tiếp theo khi giá dầu thô Mỹ giảm 19,73%, còn giá dầu thô Brent dù đỡ hơn, nhưng cũng mất thêm 10,8% trong tuần qua.

Tin bài liên quan