Trong khi phố Wall nghĩ lễ, thì chứng khoán châu Âu trở thành ngôi sao trong phiên thứ Năm khi tăng lên mức cao nhất 3 tháng. Chứng khoán châu Âu tăng mạnh khi giới đầu tư kỳ vọng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ tung thêm gói kích thích kinh tế (QE) trong cuộc họp vào tuần tới.
Kết thúc phiên 26/11, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 55,49 điểm (+0,88%), lên 6.393,13 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 151,23 điểm (+1,35%), lên 11.320,77 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 53,03 điểm (+1,08%), lên 4.946,02 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản tăng trở lại sau phiên điều chỉnh trước đó, nhưng mức tăng cũng không mạnh khi bị ảnh hưởng bởi nhóm cổ phiếu của các nhà cung cấp phụ tùng cho các màn hình LCD của iPhone khi báo Nikkei đưa tin về kế hoạch của Apple giới thiệu màn hình diode phát sáng hữu cơ cho iPhone vào năm 2018.
Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc đại lục cũng chỉ lình xình trong phiên thứ Năm sau 2 phiên giật mình do tình hình căng thẳng giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.
Kết thúc phiên 26/11, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 96,83 điểm (+0,49%), lên 19.944,41 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 9,06 điểm (-0,04%), xuống 22.488,94 điểm. Chỉ số Shanghai Composite giảm 12,38 điểm (-0,34%), xuống 3.635,55 điểm.
Giá vàng có phiên giao dịch bình lặng do thị trường Mỹ nghỉ giao dịch. Trong phiên châu Á và châu Âu, nhà đầu tư cũng giữ tâm lý thận trọng là chủ yếu, khiến giá kim loại quý này chỉ lình xình ở sát mức thấp nhất gần 6 năm. Dù vậy, giá vàng cũng có được phiên tăng nhẹ khi chốt phiên châu Âu.
Kết thúc phiên 26/11, giá vàng giao ngay tăng 0,7 USD (+0,07%), lên 1.071,6 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 1,4 USD (+0,13%), lên 1.071,4 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2 tăng 1,6 USD (+0,15%), lên 1.071,3 USD/ounce.
Nỗi lo dư cung đẩy giá dầu giảm trở lại. Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) được dự đoán sẽ tiếp tục bơm thêm dầu vào thị trường, bất chấp gây áp lực về giá dầu, làm căng thẳng tài chính của các nước thành viên. OPEC sẽ nhóm họp tại Vienna (Áo) vào ngày 4/12 tới để tìm giải pháp của mình.
Trong khi đó, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cho biết, Nga và Ả Rập Saudi (nước xuất khẩu lớn nhất của OPEC) sẽ thành lập nhóm công tác liên hợp đặc biệt về dầu khí để thúc đẩy sự đối thoại giữa các nhà sản xuất năng lượng hàng đầu thế giới.
Kết thúc phiên 26/11, giá dầu thô Mỹ giảm 0,45 USD/thùng (-1,05%), xuống 42,59 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,71 USD (-1,54%), xuống 45,46 USD/thùng.