Kỳ vọng vào động lực dẫn dắt của đầu tư công

0:00 / 0:00
0:00
Các số liệu thống kê về đăng ký, giải thể cho thấy, các doanh nghiệp còn đang rất khó khăn. Vì vậy, đầu tư công vẫn được kỳ vọng là động lực dẫn dắt kinh tế phục hồi.
Kỳ vọng vào động lực dẫn dắt của đầu tư công

Sự năng động của khu vực tư nhân đang giảm

Dữ liệu về thành lập và đóng cửa doanh nghiệp cho thấy sự năng động của khu vực tư nhân đang giảm trong 8 tháng năm 2023 khi nền kinh tế còn nhiều khó khăn.

Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố hôm 29/8, tính chung 8 tháng năm 2023, cả nước có 103.700 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký 969.600 tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký 668.800 lao động, tăng 2,3% về số doanh nghiệp, giảm 14,7% về vốn đăng ký và giảm 3,9% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.

Nếu tính cả 1.273.600 tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 32.300 lượt doanh nghiệp tăng vốn, tổng vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 8 tháng qua là 2.243.200 tỷ đồng, giảm 38,3% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, còn có 45.700 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (giảm 5% so với cùng kỳ năm 2022), nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 8 tháng năm 2023 lên 149.400 doanh nghiệp, giảm 0,03% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có 18.700 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Tính chung 8 tháng năm 2023, có 71.800 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm trước; 41.100 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 26,7%; 11.800 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 4,2%. Bình quân một tháng có 15.600 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Những số liệu này cũng phần nào minh chứng cho nhận định của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương tại Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam 2023 mới đây. Thứ trưởng cho rằng, điều đáng quan ngại là hiện nay, hoạt động sản xuất - kinh doanh trong nhiều lĩnh vực gặp khó khăn; sức chống chịu của doanh nghiệp bị bào mòn sau đại dịch Covid-19, một bộ phận doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm sản lượng…

Các thách thức lớn hiện nay là thị trường, dòng tiền và thủ tục hành chính trong giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp. Chi phí vốn vẫn ở mức cao, tiếp cận vốn tín dụng, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, chào bán chứng khoán còn khó khăn…

“Thậm chí, nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư buộc phải chuyển nhượng bớt cổ phần, tài sản, dự án đầu tư trong bối cảnh thị trường mua bán - sáp nhập (M&A) không thuận lợi, hoặc chưa muốn vay do sản xuất - kinh doanh đình trệ, không có lãi. Việc duy trì hoạt động và tranh thủ cơ hội thị trường gặp nhiều thách thức…”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho hay.

Đầu tư công sẽ dẫn dắt kinh tế phục hồi

Trong bối cảnh đó, đầu tư công vẫn được các chuyên gia kỳ vọng là động lực dẫn dắt kinh tế Việt Nam hồi phục.

TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia cho rằng, chưa khi nào Chính phủ quyết liệt trong giải ngân vốn đầu tư công như hiện nay. Sau khi giải tỏa được yếu tố “sợ trách nhiệm” của các địa phương, có vẻ như giải ngân vốn đầu tư công ngày càng thuận lợi.

Vẫn theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tháng 8/2023 ước đạt 61.300 tỷ đồng, tăng 29,1% so với cùng kỳ năm trước. Số vốn này bao gồm vốn trung ương quản lý đạt 11.400 tỷ đồng, tăng 31,7%; vốn địa phương quản lý 49.900 tỷ đồng, tăng 28,5%.

Tính chung 8 tháng năm 2023, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước ước đạt 352.100 tỷ đồng, bằng 49,4% kế hoạch năm và tăng 23,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 bằng 47,6% và tăng 17,1%).

Các chuyên gia từ Công ty Chứng khoán VPBank (VPBankS) cho rằng, nhìn vào các năm gần đây, giai đoạn cuối năm thường có tốc độ giải ngân cao gấp hơn hai lần so với giai đoạn đầu năm, nên có thể kỳ vọng vào sự đẩy mạnh của đầu tư công trong giai đoạn cuối năm.

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường Trung tâm Phân tích nghiên cứu VPBankS nhận định, động lực cho tăng trưởng kinh tế các tháng cuối năm sẽ đến từ đầu tư công. Đây là yếu tố khơi thông các động lực của nền kinh tế, nhất là bất động sản hay xây dựng.

Lượng vốn giải ngân trong 4 tháng còn lại sẽ tạo ra sức cầu rất tốt cho nền kinh tế, đầu tư công là vốn mồi hỗ trợ các ngành nghề, lĩnh vực khác.

“Chính vì vậy, trong năm nay, mặc dù tăng trưởng kinh tế không đạt được mục tiêu như Chính phủ kỳ vọng, nhưng vẫn ở mức 5-5,5%, tốt hơn nhiều các nền kinh tế trong khu vực”, chuyên gia của VPBankS cho hay.

Tại Báo cáo “Điểm lại” phát hành giữa tháng 8/2023, các chuyên gia đến từ Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cho rằng, việc bóc tách khâu giải phóng mặt bằng và tái định cư khỏi dự án đầu tư có thể giúp đẩy nhanh tiến độ triển khai, nhất là đối với các dự án lớn.

Tuy nhiên, về dài hạn, WB cho rằng, Việt Nam vẫn cần cải thiện việc lập kế hoạch và thẩm định dự án, bởi dự án có chất lượng đầu vào thấp, khi đưa vào triển khai sẽ dẫn đến điều chỉnh, đội vốn và chậm tiến độ. Bên cạnh đó là nâng cao hiệu suất và hiệu quả của các thể chế về quản lý đầu tư công.

Tin bài liên quan