Kỳ vọng trước thềm Xuân

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Với hầu hết doanh nghiệp, năm mới cũng là thời khắc mở đầu một niên độ kinh doanh mới. Trước thềm Xuân 2024, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp đã chia sẻ kỳ vọng cũng như kế hoạch kinh doanh trong năm mới.

Mục tiêu tạo ra 10 triệu chứng chỉ các-bon

Ông Nguyễn Duy Thuận, CEO Tập đoàn Lộc Trời

Ông Nguyễn Duy Thuận, CEO Tập đoàn Lộc Trời

Lộc Trời hiện đang tổ chức liên kết trồng lúa trên hàng trăm nghìn héc-ta. Cùng với đó, Lộc Trời có 5 đơn vị kinh doanh, gồm viện nghiên cứu nông nghiệp; các cơ sở sản xuất phân bón, thuốc trừ sâu, giống để cung cấp đầu vào cho nông dân; các đơn vị cung cấp dịch vụ nông nghiệp, chăm sóc mùa màng; một đơn vị sản xuất giống.

Để giảm phát thải khí nhà kính, chúng tôi dựa vào 3 hoạt động chính: cải tiến các sản phẩm sinh học, áp dụng kinh tế tuần hoàn và phát triển xanh. Mục tiêu của Lộc Trời là tạo ra 10 triệu chứng chỉ các-bon ở Đồng bằng sông Cửu Long. Về sinh học, Lộc Trời cam kết sẽ cân bằng được 3 yếu tố hóa học, sinh học và hữu cơ trong bộ sản phẩm chăm sóc mùa vụ. Về áp dụng kinh tế tuần hoàn, Công ty tạo ra nguyên liệu tro trấu, là đầu vào cho hoạt động sản xuất các sản phẩm hạt nhựa sinh học, hoặc nguyên liệu nhẹ cho các nhà cao tầng.

Về phát triển xanh, Công ty tập trung nhiều hoạt động giảm khí thải nhà kính trong sản xuất nông nghiệp.

FPT Long Châu là động lực tăng trưởng

Bà Nguyễn Đỗ Quyên, Giám đốc điều hành FPT Retail (FRT)

Bà Nguyễn Đỗ Quyên, Giám đốc điều hành FPT Retail (FRT)

Năm 2023, bán lẻ là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của suy thoái kinh tế. Mặc dù tình hình đã dần được cải thiện do nhiều chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, thực tế sức mua vẫn còn yếu, đặc biệt ở nhóm hàng ICT. Trong bối cảnh đó, FPT Long Châu vẫn là điểm sáng, với 1.600 nhà thuốc vào tháng 12/2023, vượt kế hoạch mở mới của năm, trở thành chuỗi bán lẻ dược phẩm có số lượng nhà thuốc lớn nhất Việt Nam.

Năm 2024, sức mua ở mảng điện thoại và laptop dự báo còn yếu, do yếu tố vĩ mô chưa được cải thiện nhiều, chưa thấy có các sản phẩm đột phá để tạo ra một nhu cầu mới. Trong khi đó, thị trường dược phẩm nhiều tiềm năng, còn dư địa tăng trưởng tốt nhưng sẽ cạnh tranh khốc liệt sau giai đoạn các chuỗi bán lẻ tiến hành tái cấu trúc. Mục tiêu trong năm 2024, doanh thu FPT Long Châu sẽ tiếp tục tăng trưởng 2 chữ số (trên 10%). Đồng thời, hệ thống tiếp tục tập trung củng cố vị thế nhà thuốc số 1 về thuốc, đặc biệt là thuốc kê đơn.

Đẩy mạnh đầu tư dự án lớn để đón đà phục hồi của thị trường

Ông Trương Minh Hoàng, Phó giám đốc thường trực CTCP Tập đoàn ASG

Ông Trương Minh Hoàng, Phó giám đốc thường trực CTCP Tập đoàn ASG

Nền kinh tế năm 2024 có nhiều động lực tăng trưởng, như sự dịch chuyển chuỗi cung ứng và dòng vốn đầu tư toàn cầu; thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại; dịch vụ, tiêu dùng tăng khá; đầu tư công được đẩy mạnh, rủi ro tài khóa ở mức trung bình, dư địa chính sách vẫn còn; lạm phát và lãi suất đang giảm, tỷ giá cơ bản ổn định, rủi ro nợ xấu trong tầm kiểm soát…

Năm 2023, tăng trưởng GDP của Việt Nam dự kiến đạt 5,05%, dù thấp hơn so với chỉ tiêu 6 - 6,5% nhưng vẫn ở mức tăng trưởng gần như cao nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam từ 6 - 6,5% là một thách thức, song có thể thực hiện được, thậm chí có thể vượt nếu có những đột phá tích cực.

Với 3 trụ cột kinh doanh là dịch vụ logistics, dịch vụ hàng không sân bay và đầu tư hạ tầng, phát triển khu công nghiệp, Tập đoàn ASG đặt mục tiêu tối ưu hóa vận hành và đẩy mạnh đầu tư cho các dự án lớn để đón đầu đà phục hồi của thị trường.

Triển khai 3 phạm vi tạo động lực phát triển bền vững

Ông Văn Tiến Thanh, Tổng giám đốc CTCP Phân bón Cà Mau (PVCFC)

Năm qua, PVCFC đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch của Công ty cũng như kế hoạch quản trị trong nghị quyết của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Cụ thể, sản lượng sản xuất urê quy đổi ước đạt 954.000 tấn, NPK ước đạt 150.000 tấn, cùng tăng 3.000 tấn so với kế hoạch. Tổng sản lượng tiêu thụ phân bón các loại trong năm 2023 của Công ty ước đạt hơn 1,3 triệu tấn sản phẩm, tăng 20% so với năm 2022. Doanh thu ước đạt 13.572 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế ước đạt 1.031 tỷ đồng.

Năm 2023, PVCFC vừa đảm bảo cung ứng đủ sản lượng cho thị trường trong nước, vừa tìm kiếm doanh thu từ xuất khẩu và kinh doanh quốc tế. Tính đến nay, sản phẩm của PVCFC đã có mặt tại khoảng 18 quốc gia trên thế giới, sản lượng xuất khẩu năm 2023 dự tính đạt 344.000 tấn, chiếm khoảng 26% tổng sản lượng tiêu thụ, giá trị xuất khẩu dự kiến đạt 136 triệu USD, chiếm khoảng 25% doanh thu các sản phẩm phân bón. Trong đó, Campuchia là thị trường xuất khẩu lớn nhất với sản lượng và giá trị xuất khẩu chiếm hơn 60%.

Bước sang năm 2024, PVCFC tập trung nguồn lực triển khai 3 phạm vi tạo động lực phát triển bền vững là hoạt động đầu tư, xây dựng chiến lược phát triển bền vững (ESG) và chuyển đổi số toàn diện, sâu rộng đến các hoạt động của Công ty.

Quyết liệt chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh

Ông Trần Túc Mã, Tổng giám đốc CTCP Traphaco

Ông Trần Túc Mã, Tổng giám đốc CTCP Traphaco

Năm 2023, Traphaco ước tính đạt doanh thu hợp nhất 2.450 tỷ đồng, lợi nhuận dự kiến đạt 295 tỷ đồng, tương đương năm 2022.

Năm 2024, với định hướng giữ vững vị thế số 1 về Đông dược, tập trung phát triển ngoài Đông dược, Traphaco đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 2.603 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất sau thuế 314 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt là 6,1% và 6,4%.

Để đạt được các mục tiêu trên, Công ty sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp:

Một là, nâng cao hiệu quả hệ thống kinh doanh: Đào tạo, kiểm tra, giám sát và đánh giá phụ trách, trình dược viên trên toàn hệ thống OTC.

Hai là, tăng cường đầu tư cho hoạt động R&D, phát triển thuốc first generic, thuốc tương đương sinh học; xây dựng và trang bị các thiết bị công nghệ mới, hiện đại; mở rộng trung tâm nghiên cứu, phòng kiểm nghiệm...

Ba là, thực hiện quyết liệt kế hoạch chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh, tăng năng suất lao động;

Bốn là, tăng cường hoạt động chuyển giao công nghệ, đưa vào sản xuất các sản phẩm tương đương sinh học.

Mặc dù điều kiện kinh tế 2024 còn nhiều khó khăn, mục tiêu Công ty đặt ra là thách thức, nhưng với sự đầu tư bài bản, định hướng rõ ràng, kế hoạch hành động cụ thể và tinh thần văn hóa Traphaco, kỳ vọng Công ty sẽ đạt được nhiều thành công.

Kỳ vọng đơn hàng cải thiện

Ông Trần Như Tùng, Chủ tịch HĐQT CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM)

Ông Trần Như Tùng, Chủ tịch HĐQT CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM)

Năm 2024, chúng tôi kỳ vọng tình hình đơn hàng cải thiện hơn khi nền kinh tế các nước phục hồi. Điểm rơi tăng trưởng có thể vào quý II/2024, số lượng đơn hàng tốt hơn bởi nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm dệt may ở các thị trường lớn cải thiện. Hiện đơn hàng trong quý I/2024 TCM đã nhận đạt 90% kế hoạch đề ra, chúng tôi nhìn thấy rõ dấu hiệu tích cực hơn so với các quý trước đó.

Kể từ quý II/2024, doanh nghiệp xuất khẩu dệt may như TCM nhìn thấy bức tranh sáng hơn, chuyển biến thị trường rõ hơn đặc biệt khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) kết thúc chu kỳ tăng lãi suất và có thể bắt đầu quá trình giảm lãi suất, lạm phát hạ nhiệt, nhu cầu tiêu dùng tăng, doanh nghiệp bán hàng tốt hơn.

Chúng tôi vẫn tiếp tục tìm kiếm khách hàng mới, đơn hàng mới, cải thiện năng suất và đặc biệt tập trung vào phát triển bền vững để đáp ứng những yêu cầu cao ở các thị trường lớn như EU, đề cao tiêu chí ESG. TCM đang tập trung để cải thiện, đáp ứng các tiêu chí này, chinh phục thị trường khó tính, gia tăng doanh thu.

Ở trong nước, lãi suất giảm là yếu tố thuận lợi hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp trong giảm áp lực chi phí chi phí tài chính. TCM kỳ vọng vào 2024 sẽ có tăng trưởng khả quan.

Tin bài liên quan