Kỳ vọng trước thềm năm mới

Kỳ vọng trước thềm năm mới

(ĐTCK) Trao đổi với ĐTCK nhân dịp đầu năm, lãnh đạo nhiều CTCK nhận định, TTCK sẽ có nhiều cơ hội hơn, nhưng vẫn còn khó khăn thách thức phía trước.

 

“Thanh khoản sẽ được cải thiện khi dòng tiền từ khối ngoại được khai thông”

Ông Mạc Quang Huy, Tổng giám đốc CTCK Maritime Bank (MSBS)

Năm 2013, TTCK đã có những dấu hiệu cho thấy sự hồi phục không chỉ về thanh khoản, mà niềm tin của NĐT cũng được củng cố thông qua động thái giải ngân ở nhiều mã cổ phiếu, đặc biệt là các mã cổ phiếu penny trong những tháng cuối năm. Năm 2013, chúng ta cũng chứng kiến con số kỷ lục với 37 doanh nghiệp hủy niêm yết cả tự nguyện hoặc bắt buộc.

Sang năm 2014, theo tôi, TTCK có phần tốt hơn so với năm 2013, những vẫn còn nhiều thử thách. Hoạt động của DN chưa thoát khỏi khó khăn; câu chuyện nợ xấu và đọng vốn bất động sản vẫn chưa thể giải quyết nhanh. Do đó, dòng tiền kích cầu vào thị trường sẽ khó có những đột biến và tạo ra sự phân hóa mạnh, tập trung chủ yếu vào nhóm cổ phiếu tốt: cổ phiếu bluechips đầu ngành, cổ phiếu midcap tăng trưởng. Mặc dù vậy, cá nhân tôi tin rằng, trong năm nay, thanh khoản sẽ được cải thiện đáng kể khi dòng tiền từ khối ngoại được khai thông từ quy định mới trong việc nới room, các quỹ đầu tư mới nổi sẽ đầu tư nhiều hơn vào thị trường đang phát triển như Việt Nam và cơ hội đầu tư vào TTCK trong giai đoạn 2014 - 2018 sẽ rất lớn.

Ngoài ra, việc tinh giản các thủ tục hành chính cho NĐT nước ngoài cũng là giải pháp hỗ trợ dòng tiền.

 

“VN-Index có thể đạt mức tăng trưởng 15% so với năm 2013”

Ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch HĐQT CTCK MB (MBS)

Nhìn một cách tổng thể, chúng tôi đánh giá TTCK trong năm 2014 sẽ có nhiều triển vọng và khởi sắc hơn so với năm 2013. Chỉ số VN-Index có thể đạt mức tăng trưởng 15% so với năm 2013. Có cơ sở thực tế cho dự báo này.

Trước hết, lãi suất trong năm 2014 sẽ duy trì ở mức ổn định, thậm chí có xu hướng giảm. Đầu tư công đang được điều chỉnh hướng tới các khu vực thúc đẩy tăng trưởng. Chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa đã và đang có những tín hiệu khả quan. Như vậy, sự ổn định và triển vọng tăng trưởng tốt của nền kinh tế sẽ là yếu tố nền tảng để thị trường tăng điểm trong năm 2014. Bên cạnh đó, Chính phủ và các cơ quan liên quan đang nghiên cứu việc nới room đối với cả khối ngân hàng và DN niêm yết sẽ giúp dòng vốn ngoại có thể tiếp tục chảy vào Việt Nam, tạo hiệu ứng tốt cho các cổ phiếu tốt đã hết room để tăng tính thanh khoản, thúc đẩy thị trường tăng tưởng ổn định hơn.

Đối với MBS, do Công ty vừa thực hiện hợp nhất nên trong năm 2014, Công ty sẽ tập trung ổn định đội ngũ nhân sự, nâng cao các nghiệp vụ, trong đó chú trọng vào hai mảng nghiệp vụ chính là môi giới và IB (ngân hàng đầu tư).

 

 “Cần sớm ban hành cơ chế đưa các NHTM, công ty đại chúng lên sàn niêm yết”

Ông Nguyễn Văn Dũng, Tổng giám đốc CTCK Tân Việt

Tôi cho rằng, TTCK trong năm 2014 sẽ có nhiều cơ hội. Trước hết, nhìn sang một số kênh đầu tư khác cho thấy, vàng nhiều khả năng sẽ giảm giá vì chu kỳ tăng đang dần chấm dứt và NĐT đang có xu hướng chạy khỏi bong bóng vàng. Về ngoại tệ, thặng dư cán cân tổng thể trong năm 2013 khoảng 2 tỷ USD, cán cân thương mại thặng dư 800 triệu USD, trong khi Thống đốc NHNN cũng đưa ra thông điệp không phá giá VND so với USD trong năm 2014 với mức điều chỉnh không quá 2%. Liên quan đến thị trường bất động sản, phân khúc trung và cao cấp vẫn trong xu hướng giảm giá vì giá  quá cao so với khả năng thanh toán của đa số người dân.

Đối với TTCK, có thể thấy, hiện tại chứng khoán Việt Nam đang có mức P/E thấp hơn các nước trong khu vực, đây là một trong những yếu tố hấp dẫn và có thể thu hút dòng vốn ngoại. Ngoài ra, kỳ vọng việc Chính phủ sẽ chính thức thông qua việc nới room cho NĐT nước ngoài trong năm 2014 có thể thu hút dòng vốn gián tiếp vào TTCK. Thêm nữa, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, khối NHTM và nhóm công ty đại chúng sẽ dần phải niêm yết, giúp lượng “hàng hóa” trên sàn đa dạng hơn, thu hút nhiều NĐT lớn hơn… Mặc dù vậy, TTCK vẫn còn nhiều thách thức trong bối cảnh nền kinh tế còn tăng trưởng khá “ì ạch”, số lượng DN xin hủy niêm yết tự nguyện đang có dấu hiệu gia tăng và vẫn còn nguy cơ “làm giá” gây rủi ro cho NĐT.

Tôi cho rằng, giải pháp cấp bách để tăng tính thanh khoản cho TTCK là cơ quan quản lý cần sớm ban hành chính sách cho phép bán chứng khoán sau khi mua 1 ngày và ban hành cơ chế sớm đưa các NHTM, các công ty đại chúng lên niêm yết.

>> Tín hiệu tích cực đầu năm

>> Năm 2014, cổ phiếu ngân hàng khó hấp dẫn

>> TTCK Việt Nam có gần 1,4 triệu tài khoản

>> Năm 2014, chứng khoán sẽ hút tiền

>> Làm ăn gì năm 2014?

>> Năm 2014, TTCK sẽ tốt hơn

>> VN-Index có thể đạt 600 điểm trong năm 2014