Tăng sản phẩm phái sinh
Ngày 10/8 tới, thị trường chứng khoán phái sinh tròn 6 năm đi vào hoạt động, tuy vậy, sản phẩm của thị trường này vẫn còn quá ít ỏi. Ở các thị trường phát triển, số lượng sản phẩm chứng khoán phái sinh thường lên tới vài trăm mã...
Do vậy, ông Trịnh Hoài Giang, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) đề xuất, cơ quan quản lý có thể nghiên cứu thêm sản phẩm phái sinh trên chỉ số cổ phiếu như VNX50 hay VNX100, tiến đến phái sinh trên các cổ phiếu lớn.
Trong điều kiện chưa thực hiện được việc này, thị trường cần có thêm sản phẩm hợp đồng tương lai trái phiếu, với các kỳ hạn khác nhau, giúp nhà đầu tư có thêm lựa chọn.
Bên cạnh đó, theo lãnh đạo HSC, hiện nay, nhà đầu tư giao dịch phái sinh chủ yếu là cá nhân. Để thu hút các nhà đầu tư tổ chức, cơ chế vận hành thị trường cần được cải thiện theo hướng tương đồng hơn với thông lệ quốc tế, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài khi tiếp cận và giao dịch.
Nhìn sang các thị trường chứng khoán trong khu vực, chẳng hạn thị trường chứng khoán phái sinh Singapore ra đời từ năm 1983, triển khai sản phẩm hợp đồng tương lai chỉ số Nikkei 225 trước rồi mới triển khai tiếp sản phẩm quyền chọn...
Hay thị trường chứng khoán phái sinh Hàn Quốc, Thái Lan luôn triển khai trước các sản phẩm phái sinh được nhà đầu tư cá nhân và tổ chức ưa chuộng là sản phẩm hợp đồng tương lai dựa trên chỉ số chứng khoán, rồi mới đến các sản phẩm khác.
Cơ quan quản lý đang cố gắng triển khai sản phẩm hợp đồng tương lai chỉ số VN100 trong tương lai gần.
Theo ông Giang, ngoài việc nghiên cứu thêm sản phẩm phái sinh trên chỉ số cổ phiếu như VNX50 hay VNX100, thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam cũng nên tiếp tục triển khai các sản phẩm quyền chọn, phái sinh trên lãi suất, trái phiếu...
Mong mỏi từ giới đầu tư đang được hồi đáp. Theo bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), cơ quan quản lý đang nỗ lực triển khai các sản phẩm khác trên thị trường phái sinh như sản phẩm hợp đồng tương lai chỉ số VN100 trong tương lai gần, tiếp đó là hợp đồng tương lai với tài sản cơ sở khác, sau đó tiến tới hợp đồng quyền chọn như thông lệ trên thế giới.
… và các sản phẩm khác
Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hội đồng thành viên Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam (VNX) cho biết, đối với thị trường chứng khoán phái sinh, VNX sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan sớm triển khai sản phẩm hợp đồng tương lai trên chỉ số khác ngoài VN30, như hợp đồng quyền chọn, sản phẩm phái sinh trên cổ phiếu đơn lẻ, giúp nhà đầu tư có thêm công cụ phòng vệ rủi ro. Bên cạnh đó, VNX cũng tập trung nghiên cứu và đề xuất phát triển các thị trường giao dịch các sản phẩm khác, ví dụ tín chỉ các-bon...
Tuy nhiên, việc tạo hàng cho thị trường cơ sở vẫn là điều thị trường quan tâm.
Theo ông Long, thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị thành viên để bổ sung sản phẩm, dịch vụ cho thị trường. Đối với thị trường cổ phiếu, Sở và các công ty con tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, nghiên cứu triển khai áp dụng công nghệ thông tin để vừa rút ngắn thời gian thẩm định hồ sơ vừa minh bạch hóa quá trình thẩm định hồ sơ niêm yết.
Thị trường cũng kỳ vọng hệ thống mới (KRX) sớm đưa vào vận hành trong năm 2023. Hệ thống giao dịch này sẽ là nền tảng cho việc triển khai các sản phẩm mới như tăng đòn bẩy tài chính, giao dịch T+0… đã được đề cập từ nhiều năm trước.
Theo chia sẻ của lãnh đạo Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), hệ thống thanh toán bù trừ mới có thể cho phép nhà đầu tư ký quỹ tỷ trọng nhỏ đặt lệnh mua/bán.
Điều này sẽ giúp tăng tính thanh khoản cho thị trường và hỗ trợ nhà đầu tư, đồng thời cũng xử lý được quan ngại của các tổ chức nâng hạng thị trường về việc ký quỹ 100% mà thị trường chứng khoán Việt Nam đang áp dụng khi mua chứng khoán.
Ngoài ra, sản phẩm có quy định pháp lý là bán chứng khoán chờ về, sản phẩm T0 theo kế hoạch sẽ tích hợp trong gói thầu KRX. Tuy vậy, hệ thống KRX chỉ mới là điều kiện cần, còn để thực hiện ngay sản phẩm T+0 mà thị trường đang mong ngóng thì phải chờ quyết định của cơ quan quản lý.