Bộ trưởng Bộ Tài chính (thứ hai) tham dự Lễ khai trương phiên giao dịch chứng khoán đầu năm 2019 tại HNX.

Bộ trưởng Bộ Tài chính (thứ hai) tham dự Lễ khai trương phiên giao dịch chứng khoán đầu năm 2019 tại HNX.

Kỳ vọng thị trường chứng khoán 2019 tiếp tục chuyển biến về chất

(ĐTCK) Với vị thế mới mà thị trường chứng khoán (TTCK) tích lũy được trên nhiều phương diện khi kết thúc năm 2018, lãnh đạo Chính phủ, Bộ Tài chính kỳ vọng, TTCK trong năm 2019 sẽ tiếp tục tạo bước chuyển mới về chất, củng cố vị thế là kênh huy động vốn quan trọng cho cả Chính phủ lẫn khu vực kinh tế tư nhân.

Sức chống chịu tốt dần lên

Nếu chỉ nhìn đơn thuần vào mức điểm của VN-Index khi đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng của năm 2018, với tỷ lệ giảm 9,3% so với năm trước, nhiều người có lý do để không vui. Tuy nhiên, năm 2018 ghi nhận bước tiến mới của TTCK Việt Nam so với nhiều thị trường khác trong khu vực, dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là giai đoạn 6 tháng cuối năm.

Tại Lễ đánh cồng khai trương phiên giao dịch chứng khoán đầu năm 2019, do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) phối hợp với Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) tổ chức, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng chia sẻ, năm 2018, kinh tế thế giới tuy duy trì được đà tăng trưởng, nhưng việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) 4 lần tăng lãi suất điều hành, tranh chấp thương mại giữa các nền kinh tế lớn đã ảnh hưởng sâu rộng đến kinh tế và thị trường tài chính quốc tế.

TTCK quốc tế năm 2018 đã trải qua những biến động mạnh, với xu hướng giảm điểm sâu, đặc biệt là nửa cuối năm 2018 đã tác động không nhỏ đến nền kinh tế và TTCK Việt Nam.

Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam kết thúc năm 2018 vẫn đạt những kết quả ấn tượng: GDP tăng trưởng 7,08%, cao nhất từ năm 2008, vượt kế hoạch Quốc hội đề ra; lạm phát được kiềm chế thành công ở mức 3,54%; cán cân thương mại duy trì suất siêu; thị trường tiền tệ, tài chính ổn định. Thu ngân sách nhà nước vượt 7,8%, trong đó ngân sách Trung ương vượt 4,3%, ngân sách địa phương vượt 12,5%. Nợ công giữ được mức thấp hơn chỉ tiêu Quốc hội đề ra và là mức thấp nhất trong những năm gần đây.

Nhờ bệ đỡ của bức tranh kinh tế vĩ mô tích cực đó, nên tuy VN-Index giảm trong bối cảnh giảm chung của TTCK quốc tế, nhưng theo tư lệnh ngành tài chính, quy mô và thanh khoản TTCK Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trên tất cả các mảng thị trường.

Cụ thể, trên thị trường cổ phiếu, quy mô vốn hóa đạt gần 3,9 triệu tỷ đồng, tăng 10,6% so với năm 2017, đạt 77,6% GDP 2017 và tương đương 70,2% GDP năm 2018, vượt chỉ tiêu đạt 70% GDP đề ra trong Chiến lược phát triển TTCK Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020. Giá trị giao dịch cổ phiếu bình quân đạt 6.500 tỷ đồng/phiên, tăng 29% so với năm 2017.

Còn trên thị trường trái phiếu, kết thúc năm 2018, giá trị niêm yết đạt 1,122 triệu tỷ đồng đồng, tăng 10,5% so với năm 2017, đạt 22,4% GDP năm 2017 và tương đương 20,3% GDP năm 2018. Giao dịch trái phiếu vẫn giữ được sôi động với giá trị bình quân 8.834 tỷ đồng/phiên.

Với mảng TTCK phái sinh, mặc dù mới ra đời hơn một năm với một sản phẩm đầu tiên là Hợp đồng tương lai chỉ số VN30, nhưng khối lượng giao dịch bình quân đạt 78.800 hợp đồng/phiên, tăng gần 7 lần so với bình quân trong năm 2017. Khối lượng hợp đồng mở (OI) toàn thị trường duy trì xu hướng tăng, khi kết thúc năm 2018 đạt 21.653 hợp đồng, tăng 2,7 lần so với cuối năm 2017.

“Năm 2018 ghi nhận sự tiến bộ vượt bậc của các doanh nghiệp. Trong 9 tháng đầu năm, các doanh nghiệp niêm yết có doanh thu tăng 20,5%, lợi nhuận tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2017. Các công ty chứng khoán có lợi nhuận sau thuế tăng 40% so với cùng kỳ năm 2017”, ông Dũng cho biết.

Sức khỏe của nền kinh tế và các doanh nghiệp diễn biến tích cực đã giúp TTCK Việt Nam chống chịu tốt trước những tác động bất lợi từ bên ngoài. Đặc biệt, dù Fed liên tục tăng lãi suất, khiến nhà đầu tư nước ngoài rút vốn ra khỏi nhiều thị trường vốn quốc tế, trong đó có khu vực Đông Nam Á, nhưng kết thúc năm 2018, TTCK Việt Nam vẫn hút ròng được 2,8 tỷ USD vốn ngoại, gần bằng mức kỷ lục của năm 2017 là 2,9 tỷ USD. Giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài ước đạt 32,8 tỷ USD. 

TTCK Việt Nam dẫn đầu Đông Nam Á về huy động vốn

Khả năng huy động vốn cho doanh nghiệp cũng như nền kinh tế là một yếu tố nổi bật thể hiện sự phát triển về chất của TTCK trong năm qua.

“Tiếp tục khẳng định là kênh huy động vốn hữu hiệu cho phát triển kinh tế, TTCK Việt Nam được đánh giá là thị trường thành công nhất khu vực Đông Nam Á về huy động vốn trong năm 2018”,  ông Dũng nói.

Cụ thể, trong năm qua, huy động vốn trái phiếu chính phủ và trái phiếu Chính phủ bảo lãnh đạt 192.000 tỷ đồng. Kỳ hạn phát hành bình quân trái phiếu Kho bạc Nhà nước đạt 12,55 năm, dài nhất từ trước đến nay, đáp ứng được nhu cầu đầu tư công và cơ cấu lại nợ công của Chính phủ. Huy động vốn qua phát hành cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp, cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước đạt 62.200 tỷ đồng, tăng 30,7% so với năm 2017.

Đánh giá cả chặng đường 2018, ông Dũng nhìn nhận, TTCK tiếp tục khẳng định được vai trò là kênh huy động vốn hữu hiệu cho cả Chính phủ và khu vực tư nhân để phục vụ cho nhu cầu đầu tư và phát triển kinh tế.

Có được kết quả này là nhờ những nỗ lực không mệt mỏi của toàn Đảng, toàn dân trong công cuộc phát triển đất nước nói chung. Trong đó, có sự đóng góp quan trọng của UBCK, các đơn vị thuộc Bộ Tài chính, HNX, Sở Giao chứng khoán TP.HCM (HOSE), Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), các doanh nghiệp niêm yết, các thành viên thị trường, đông đảo công chúng đầu tư…

Thúc đẩy thị trường chuyển biến về chất 2019

Trong năm 2019, Bộ Tài chính sẽ tranh thủ sự ủng hộ của Chính phủ, phối hợp với các bộ, ngành chỉ đạo các đơn vị tập trung thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, với trọng tâm là thông qua Luật Chứng khoán sửa đổi và các văn bản hướng dẫn thi hành, nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho doanh nghiệp trong huy động vốn; nâng cao tính công khai, minh bạch của TTCK; nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát TTCK.

Thứ hai, tiếp tục thực hiện các giải pháp tái cấu trúc TTCK với trọng tâm là nâng cao năng lực và lành mạnh hóa hệ thống tổ chức trung gian thị trường.

Thứ ba, thành lập Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam theo quyết định của Thủ tướng, nhằm từng bước chuyên nghiệp hơn các thị trường trên cơ sở sắp xếp lại HNX và HOSE.

Thứ tư, triển khai các sản phẩm chứng khoán phái sinh là hợp đồng tương lai trên một số chỉ số mới và Hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ tại HNX; triển khai sản phẩm Chứng quyền có bảo đảm tại HOSE.

Thứ năm, thúc đẩy triển khai các giải pháp nâng hạng TTCK Việt Nam từ hạng “Cận biên” lên hạng “Mới nổi”.

Ngoài ra, Bộ Tài chính sẽ nỗ lực hoàn thiện khuôn khổ pháp lý trong lĩnh vực chứng khoán, nghiên cứu trình Chính phủ hệ thống giải pháp đồng bộ để phát triển TTCK theo chiều rộng và chiều sâu nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình hoạt động, bảo vệ lợi ích chính đáng của công chúng đầu tư trên nền tảng điều hành TTCK công bằng, minh bạch.

Trong đánh giá của Bộ trưởng Bộ Tài chính, thách thức là việc đương nhiên phải đối mặt, nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Chính phủ trong cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, cải cách thể chế, nền kinh tế sẽ duy trì đà phát triển, TTCK tiếp tục chuyển biến tích cực về quy mô và chất lượng trong tương lai.

Liên quan đến phát triển TTCK Việt Nam, trong cuộc họp thường kỳ Chính phủ mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chỉ đạo việc đẩy mạnh phát triển TTCK trong năm 2019. Theo Phó Thủ tướng, một trong các nhiệm vụ trọng tâm 2019 là đẩy mạnh phát triển các thị trường tài chính, chứng khoán, bất động sản, khoa học công nghệ.

Cụ thể hơn, Phó thủ tướng chỉ đạo việc triển khai Đề án cơ cấu lại TTCK, bảo hiểm; cơ cấu lại tổ chức các Sở giao dịch chứng khoán; đẩy mạnh phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp và các sản phẩm mới. Hoàn thiện thể chế, khuyến khích phát triển đa dạng các dịch vụ tài chính, kế toán, kiểm toán, thẩm định giá, xếp hạng tín nhiệm… nhằm hoàn thiện cấu trúc thị trường, đưa thị trường tài chính, chứng khoán bước sang giai đoạn phát triển cao hơn.

Tin bài liên quan