Kỳ vọng... thay đổi cơ chế

Tiến trình cổ phần hóa ngành ngân hàng được khởi động mạnh mẽ ngay từ đầu năm 2007 là một tin vui với nhiều người. Giới đầu tư kỳ vọng sẽ có một lượng hàng hóa tốt khối lượng lớn được tung ra thị trường, người lao động tại ngân hàng cổ phần hoá kỳ vọng sẽ được mua cổ phiếu ưu đãi. Song, đối với các nhà quản lý ngân hàng, một câu chuyện nghiêm túc hơn đang được đề cập là cơ chế giữ người trong bối cảnh thị trường lao động của ngành tài chính rất nóng, không hề kém TTCK hiện nay

Dòng chảy nhân lực

Câu chuyện thiếu hụt nhân lực trong ngành tài chính đã được đề cập nhiều trong thời gian vừa qua, nhưng phải tới lần kê khai thuế thu nhập cá nhân vừa qua mới thấy vấn đề này nóng thế nào. Trong danh sách các cá nhân đóng thuế thu nhập cao năm nay đã xuất hiện những gương mặt trong lĩnh vực tài chính - chứng khoán, điều này cho thấy chính sách “chiêu hiền, đãi sĩ” đang được các doanh nghiệp trong ngành này áp dụng một cách mạnh mẽ.

Cách đây khoảng 3 năm, vị trí nhân viên tại ngân hàng nước ngoài với mức lương khởi điểm 500 - 700 USD/tháng là mơ ước của khá nhiều người. Nhưng điều này đã nhanh chóng bị “lãng quên” trong ngành tài chính khi “cơn sốt” TTCK ập đến cùng với sự mở rộng của các ngân hàng cổ phần.

Lãnh đạo một ngân hàng cổ phần cho biết, khi họ tuyển dụng nhân lực lãnh đạo cho cấp phòng/chi nhánh, có cả những người đang làm việc cho ngân hàng nước ngoài tới nộp đơn, trình độ tốt, nhưng khi đàm phán lương thì bao giờ cũng đề cập tới cơ chế thưởng cổ phiếu bên cạnh thu nhập khác. Thưởng cổ phiếu là một thứ không thể có ở ngân hàng nước ngoài, mà chỉ có ở ngân hàng cổ phần.

Quy luật “nước chảy chỗ trũng” về nhân sự trong ngành tài chính đã diễn ra khoảng 3 năm trở lại đây khi các ngân hàng cổ phần, kể cả các ngân hàng nước ngoài mở rộng hoạt động kinh doanh trên thị trường. Bởi, cách nhanh nhất để bổ sung nhân lực cho chi nhánh hay phòng giao dịch mới mở là kiếm người ở ngân hàng khác.

Có một ngân hàng đang chuẩn bị khai trương công ty chứng khoán thì chuyện “éo le” xảy ra là người được đào tạo vào vị trí giám đốc đã chuyển sang một ngân hàng cổ phần mới nổi làm tổng giám đốc. Hay chuyện cả phòng giao dịch của một ngân hàng thương mại nhà nước đồng loạt nộp đơn xin nghỉ việc, mà lý do là toàn bộ nhân sự của phòng giao dịch này bị một ngân hàng cổ phần khác bốc “trọn gói” sang phòng giao dịch của họ mới mở gần đó, tất nhiên với chế độ đãi ngộ cao hơn nhiều mà công việc cũng chỉ tương đương. Những câu chuyện tương tự như vậy không hiếm trong ngành tài chính hiện nay.

Theo ông Trần Bắc Hà, Tổng giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), hai năm vừa qua, hệ thống BIDV mất đứt 500 nhân sự có chất lượng, trong đó năm 2005 mất khoảng 200 người, năm 2006 mất 300 người. Đấy là trong khối ngân hàng quốc doanh, BIDV được coi là ngân hàng có chính sách đãi ngộ tốt.